Theo đại diện UBND huyện Na Rì, sự phát triển ổn định của các tổ hợp tác (THT) và HTX trên địa bàn là một tín hiệu đáng mừng. Nhiều HTX đã thể hiện năng lực vượt trội trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Nhờ đó, các sản phẩm địa phương như miến dong, gà thả đồi, các sản phẩm dược liệu... không chỉ nâng cao về chất lượng mà còn tạo dựng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, sự khác biệt và tính đặc thù, gắn liền với những nét văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên của Na Rì, đã giúp các sản phẩm này khẳng định được vị thế riêng.
Khẳng định vai trò của HTX
Thống kê cho thấy, toàn huyện hiện có 152 THT và 40 HTX đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Dù vẫn còn tồn tại một số thách thức như trình độ quản lý của cán bộ HTX chưa đồng đều, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn hạn chế, cùng với nguồn lực còn eo hẹp, nhưng với sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng như Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn, hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể này vẫn duy trì được sự tích cực.
![]() |
Nghề làm miến dong giúp phục hồi diện tích cây dong riềng và nâng cao thu nhập cho người dân. |
Điển hình như HTX Tài Hoàn đã phát triển mạng lưới liên kết với hàng trăm hộ dân trồng dong riềng không chỉ ở Na Rì mà còn lan rộng ra các huyện lân cận. Vào mùa cao điểm, HTX này tạo công ăn việc làm cho 35-40 lao động trực tiếp, với năng suất ấn tượng lên đến 2 tấn sản phẩm mỗi ngày. Sản phẩm miến dong của HTX không chỉ tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế, minh chứng cho chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.
Từ câu chuyện của HTX Tài Hoan cho thấy, trong quá trình hoạt động, các THT, HTX đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong các HTX đạt khoảng 55 triệu đồng/năm, và trung bình mỗi HTX có gần 10 thành viên.
Thời gian qua, nhiều HTX đã hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như HTX Tài Hoan với sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao quốc gia và đã xuất khẩu sang châu Âu. Cùng với đó là sự hoạt động hiệu quả của HTX Trần Phú, HTX Bình Minh, HTX Dịch vụ tổng hợp Na Rì, HTX Thắm Lượng... Các THT, HTX này đã đóng góp một phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.
Thúc đẩy kinh tế
Thực tế cho thấy, các THT, HTX trên địa bàn huyện Na Rì đang ngày càng khẳng định vai trò là cầu nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên và người dân địa phương. Thông qua các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các HTX đã giúp người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại và hiệu quả hơn.
Ngay như việc Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Viện Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý và thành viên HTX về các kiến thức và kỹ năng cần thiết như quản lý HTX, sản xuất kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ... Liên minh HTX tỉnh cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các HTX trên địa bàn huyện về pháp lý, tài chính, kế toán, xây dựng dự án và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
![]() |
Nhiều HTX ở Na Rì được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. |
Những hoạt động này đã giúp không ít HTX trên địa bàn huyện Na Rì nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Các thành viên HTX cũng được trang bị các kiến thức và kỹ năng sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Đào tạo, tập huấn từ lý thuyết đến thực hành cũng là nền tảng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các HTX trên địa bàn huyện, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Na Rì đã giảm từ 33,57% năm 2015 xuống còn 14,48% năm 2020. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm còn dưới 10%. Đời sống của người dân Na Rì ngày càng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố, được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục và văn hóa tốt hơn. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát triển các vùng nguyên liệu hàng hóa
Việc chú trọng phát triển các THT, HTX còn giúp huyện Na Rì xây dựng được những vùng nguyên liệu hàng hóa quy mô lớn, phục vụ cho chế biến và liên kết với các doanh nghiệp. Đến nay, huyện đã có những vùng nguyên liệu về cây dong riềng, cây hồng không hạt, cây chè, dược liệu...
Ngay như cây dong riềng, sau nhiều năm biến động, đến cuối năm 2024, diện tích loại cây này có sự phục hồi nhẹ, đạt 195 ha. Riêng xã Côn Minh là một trong những vùng trồng dong riềng trọng điểm của huyện. Năm 2024, xã này trồng được 34 ha.
Ngoài ra, huyện đang có khoảng 136 ha cây dược liệu được trồng tập trung . Các loại dược liệu chính được trồng bao gồm thạch đen khoảng 91 ha (tập trung ở xã Văn Vũ); Cà gai leo, hà thủ ô, xạ đen,... khoảng 45 ha (tập trung ở các xã Văn Lang, Sơn Thành,...). Đặc biệt, huyện đang có nhiều HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến dược liệu, cho thấy sự quan tâm đến phát triển lĩnh vực này.
Ngoài ra, Na Rì còn phát triển chăn nuôi các giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao như lợn đen bản địa của HTX Trần Phú. HTX đã chú trọng xây dựng chuỗi giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và kết nối với thị trường tiêu thụ ổn định.
Với những định hướng và các sản phẩm chủ lực trên, Na Rì đang từng bước phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương.
Trong bối cảnh Na Rì đang nỗ lực đẩy mạnh công tác giảm nghèo, sự phát triển bền vững của các mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, huyện xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển. Bởi đây là những mô hình quan trọng giúp hoàn hoàn thiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa.
Cụ thể như diện tích trồng dong riềng năm 2017 của huyện Na Rì là 1.133 ha, có diện tích lớn nhất tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, một thời gian dài, diện tích loại cây này có xu hướng giảm. Năm 2021 là 259 ha, năm 2022 giảm còn 243 ha, và năm 2023 chỉ còn 176 ha. Đến nay, với sự phát triển của một số HTX như HTX Tài Hoan, diện tích cây trồng này đã có sự hồi phục, đạt gần 200ha.
Tỉnh Na Rì xác định nếu tiếp tục phát triển các HTX sản xuất miến thì mỗi năm phát triển 300 ha cây dong riềng là hoàn toàn có thể hoàn thành. Trong đó, làng nghề miến dong Côn Minh là làng nghề truyền thống nổi tiếng và duy nhất được công nhận của tỉnh Bắc Kạn đến năm 2024.
Do đó, không chỉ ở cây dong riềng, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường sẽ là chìa khóa để nhân rộng những thành công đã đạt được, góp phần mang lại cuộc sống ấm no và thịnh vượng hơn cho người dân.
Minh Nhương