Sau những phiên livestream, HTX Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé đã có những đơn hàng trên mạng xã hội facebook. Ðây là thành quả của HTX sau khi tham gia lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số do Viện KHCN và Môi trường phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Điện Biên tổ chức.
Sử dụng nền tảng số để quảng bá sản phẩm
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, thành viên HTX Leng Su Sìn cho biết: Trước đây, thấy nhiều cá nhân, đơn vị livestream để bán hàng, HTX Leng Su Sìn cũng thử live để quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do chưa biết cách ứng dụng công nghệ số hiệu quả để thu hút người xem, tăng lượng tương tác, mua hàng nên lượt xem rất ít và chưa tạo được đơn hàng nào trên mạng xã hội.
Sau khi tham gia lớp tập huấn, anh Tuấn áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào việc bán hàng trực tuyến, tạo nội dung tương tác và thu hút khách hàng trên mạng xã hội. Không chỉ qua facebook và zalo, HTX Leng Su Sìn còn bắt đầu làm quen với việc bán hàng qua Google bản đồ và Google doanh nghiệp.
![]() |
Viện KHCN&MT, Liên Minh HTX Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn cho các HTX về chuyển đổi công nghệ số. |
Hiện nay, các thành viên của HTX Leng Su Sìn đã dần tiếp cận ứng dụng công nghệ số và coi đây là giải pháp hữu hiệu cho HTX nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đại diện HTX Leng Su Sìn cho biết, với công nghệ mới, các thành viên của HTX sẽ được hướng dẫn để ứng dụng giải pháp số nhằm tối ưu quy trình sản xuất, tham gia sàn thương mại điện tử... Nhờ đó, họ có thêm nhiều cơ hội để không còn dừng lại ở thoát nghèo mà tiếp tục vươn lên làm giàu.
Đại diện Viện KHCN và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam, cho biết, hằng năm sẽ mở khoảng 2-3 lớp tập huấn cho các HTX trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Hướng dẫn cho các HTX cách thức để bán hàng qua các nền tảng online. Ngoài ra, cũng cố gắng cầm tay chỉ việc cho bà con được trực tiếp thực hành ngay trên lớp cũng như bố trí để bà con đến tham quan đơn vị có khả năng bán hàng, quảng bá sản phẩm tốt trên địa bàn tỉnh.
Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên chia sẻ, một số HTX đã ứng dụng công nghệ thông tin thành công vào hoạt động sản xuất kinh doanh như: Sử dụng chữ ký số và đẩy tờ kê khai thuế, áp dụng công nghệ cao vào hệ thống tưới tự động, hệ thống chăn nuôi khép kín, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, kết nối giữa HTX với khách hàng.
Bên cạnh đó, HTX đã biết cách sử dụng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán hàng bằng facebook, zalo, số ít có sử dụng website, tạo lập các mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng phần mềm. Hiệu quả mang lại là chi phí vận hành giảm, việc tiếp cận khách hàng nhanh hơn, năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng rõ rệt.
Chủ động tiếp cận kinh tế số
Còn với HTX Thảo Nguyên, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu song đã nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Với các lĩnh vực nhân và chăm sóc cây giống hàng năm, buôn bán nông sản đặc trưng địa phương, trong quá trình tham gia tập huấn về chuyển đổi số, HTX đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thương mại điện tử.
Nhờ biết cách mở rộng, tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, HTX Thảo Nguyên đã thích ứng với xu hướng công nghệ 4.0 trong các khâu, nhất là trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Theo thống kê, sau khi đưa nông sản lên các nền tảng số, HTX đã có cơ hội tiếp cận với khoảng 5-10 khách hàng tiềm năng/ngày. Đến thời điểm này, hơn 30% đơn hàng của HTX được đặt và tiêu thụ thông qua các nền tảng số với chủ yếu là thị trường ngoài tỉnh như: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ...
![]() |
Bán hàng trên các sàn TMĐT giúp các hộ nông dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. |
Là một người trẻ nên việc tiếp cận công nghệ số với chị Chu Hà Mỵ, thành viên HTX Thảo Nguyên dễ dàng hơn. Ban đầu chị Mỵ chủ yếu đăng bài bán trên trang facebook cá nhân để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Khi các nền tảng số khác như Tiktok, Shopee… phát triển, chị mạnh dạn mày mò, tiếp cận. Khi có các lớp tập huấn do hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, chị Mỵ đều tham gia.
"Qua lớp học, tôi được hướng dẫn rất cụ thể cách bán hàng online, cách làm video sản phẩm, kỹ năng livestream để thu hút khách hàng, các kỹ năng trong xây dựng kênh bán hàng trực tuyến, ý tưởng mở rộng quy mô sản xuất, thị trường, nhờ bán được hàng trên sàn thương mại điện tử mà từ hộ nghèo năm 2022, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo và có của ăn, của để”, chị Chu Hà Mỵ cho hay.
Theo chị Phan Thị Hạnh Dung, Giám đốc HTX sản xuất chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ: “Bây giờ mình đưa lên mạng là khách nhìn thấy luôn và khách sẽ dùng thử luôn. Như trước đây đưa vào các kênh truyền thống mình sẽ phải bán dần dần các chỗ lân cận của mình, khách hàng xa rất khó tiếp cận. Nhưng giờ khi có sản phẩm mới thì khách hàng tiếp cận được luôn, thị trường phủ rộng hơn”.
HTX sản xuất chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên dù mới được thành lập được 3 năm, nhưng qua các lớp tập huấn, HTX đã chú trọng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, nhiều thành viên của HTX đã biết cách bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, từ đó đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Số hóa sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo
Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo, giai đoạn 2019-2024, tỉnh Điện Biên đã huy động được trên 2.500 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh theo chuẩn nghèo mới giảm xuống còn 31,97% (giảm 5% so với năm 2023).
Thời gian tới, tỉnh Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân từ 5% trở lên. Năm 2025, dự kiến tỉnh có 2 huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 18,9%...
Để đạt mục tiêu đó, Điện Biên xác định vừa phát huy kết quả đạt được, vừa tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác giảm nghèo bền vững, đồng thời khu vực kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thực hiện chuyển đổi số, để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích nghi với tình hình phát triển mới.
Theo thống kê của Liên Minh hợp tác xã tỉnh Điện Biên, hiện nay hoạt động thương mại điện tử ngày càng sôi động với gần 500 sản phẩm nông, lâm nghiệp… của tỉnh Điện Biên được đưa lên sàn thương mại điện tử. Số lượng doanh nghiệp, HTX thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97%. Nhiều HTX đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường.
“Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử; tập trung vào kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch... Từ đó, giúp HTX thay đổi thói quen tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại và hiệu quả hơn, vừa nâng cao thu nhập cho thành viên HTX, vừa thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà tỉnh Điện Biên đề ra”, ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên cho hay.
Minh Thành