Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, HTX có vai trò chủ yếu trong phát triển các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Để tiếp tục phát triển KTTT, HTX thời gian tới Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ khu vực KTTT, HTX TP. Hồng Ngự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống thành viên, thu hút ngày càng nhiều nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX, THT, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tiếp tục củng cố, phát triển KTTT, HTX, THT với nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị, tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Khuyến khích phát triển mới các tổ chức KTTT đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình HTX, THT hoạt động có hiệu quả trở thành kiểu mẫu.
Vai trò của KTTT trong liên kết
Nhờ công tác giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả, cùng với các chính sách hỗ trợ kết hợp đào tạo nghề, tạo việc làm, trên địa bàn TP Hồng Ngự tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP từ 8,25% vào năm 2014 giảm xuống còn 2,38% vào năm 2023 (giảm 5,87%); hộ cận nghèo từ 6,6% (năm 2014) giảm xuống còn 2,93% (năm 2023). Năm 2024, hộ nghèo của TP Hồng Ngự giảm xuống còn 721 hộ (chiếm 1,98%). Mục tiêu đến cuối năm 2025 giảm còn 1,72%.
Để đạt được con số kể trên, TP Hồng Ngự đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình kết nối nông dân với doanh nghiệp thông qua nền tảng số đã giúp tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Hiện nay, TP vận động nhiều doanh nghiệp và HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với diện tích trung bình 2.700ha/năm, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.
Thời gian qua, các mô hình KTTT có vai trò chủ yếu trong phát triển các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Phát triển KTTT trên địa bàn thành phố, góp phần hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
![]() |
TP Hồng Ngự triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế tập thể theo hướng bền vững |
Bên cạnh đó, các mô hình KTTT phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi suy nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời các mô hình KTTT còn là cầu nối tạo ra liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Lâm Văn Húa, Giám đốc HTX nông nghiệp An Bình B, phường An Bình B, cho biết: “Thời gian qua, HTX đã nghiên cứu mở rộng diện tích, đa dạng hóa phương thức sản xuất nông nghiệp và phát triển dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác, tăng nguồn thu cho các thành viên. Đồng thời ứng dụng các biện pháp tiến bộ vào sản xuất; tìm kiếm thêm nhiều doanh nghiệp tiêu thụ nhằm đa dạng đầu ra cho nông sản...”.
Tư duy về một nền nông nghiệp sạch
Tương tự, tại xã Long Thuận các mô mình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tạo ra “làn gió mới” trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn trên địa bàn TP.
Từ vùng sản xuất rau màu truyền thống, Long Thuận có bước chuyển mình ngoạn mục, trở thành trung tâm sản xuất rau an toàn thuộc top đầu của Đồng Tháp với sự ra đời HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận. Nơi đây không chỉ cung cấp rau sạch cho các chợ truyền thống mà còn chinh phục những khách hàng khó tính tại các siêu thị và bếp ăn tập thể.
Ông Dương Minh Sang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận nhớ lại, khi mới thành lập vào năm 2013, HTX hoạt động còn rời rạc. Nhận thấy tiềm năng lớn của vùng đất này, HĐQT đặt ra mục tiêu xây dựng HTX theo hướng đa dịch vụ, trong đó trọng tâm là phát triển thương hiệu rau an toàn. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, đơn vị không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp. Năm 2018 là cột mốc quan trọng khi “Rau an toàn Long Thuận” chính thức được cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là nền tảng vững chắc giúp đơn vị tiếp cận các thị trường khó tính như siêu thị và bếp ăn công nghiệp. Với việc áp dụng quy trình VietGAP và đầu tư vào bao bì, mã số, mã vạch, sản phẩm của HTX dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, nhiều bếp ăn tập thể, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trở thành khách hàng thân thiết của HTX.
Ông Đặng Văn Chí, thành viên HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận cho biết: “Trước kia, người nông dân ở đây sản xuất không theo quy trình, đa số dùng phân bón hóa học. Năm 2018, khi rau an toàn còn chưa phổ biến, lãnh đạo HTX đã tập hợp, hướng dẫn nông dân quanh vùng canh tác hạn chế sử dụng các loại phân hóa học, thay vào đó là các loại hữu cơ vi sinh. Đến nay, HTX sản xuất theo hướng an toàn, tăng năng suất, chất lượng, không độc hại đảm bảo sức khỏe cho người lao động trực tiếp và người tiêu dùng. Với hướng đi đúng đắn của HTX, sản phẩm rau có đầu ra ổn định, không phải lo chuyện “được mùa, mất giá” như trước kia”.
![]() |
HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận tạo ra “làn gió mới” trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn trên địa bàn TP Hồng Ngự. |
Đến nay, HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận ngày càng phát triển lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng với 23 sản phẩm rau, củ quả như: cải xanh, cải ngọt, rau thơm, gừng, hành lá, gạo ST 25... Sản phẩm rau, củ quả của HTX được công nhận số diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 18ha. Cùng với đó, HTX còn phát triển thêm các sản phẩm đóng gói như: củ cải muối, dưa muối, gừng sấy, hành lá sấy... Đến nay, HTX có 82 thành viên tham gia sản xuất.
Ông Lê Văn Dũng, thành viên HTX nhận xét: “HTX đã góp phần đưa nông sản sạch của vùng cù lao Long Thuận “bay xa”. Không những vậy, còn làm thay đổi tư duy sản xuất rau theo hướng an toàn của thành viên hướng đến sự phát triển bền vững. Trên diện tích 3.000m2, mỗi ngày, khu vườn của tôi cung cấp ra thị trường từ 35 - 40kg rau các loại, thu lãi khá hơn 30% so với phương thức sản xuất cũ. Với nguồn thu này, gia đình tôi đã xây được nhà mới khang trang, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn”.
Củng cố và phát triển HTX
Những năm trước, khu vực KTTT của TP Hồng Ngự gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi hoạt động. Nhưng được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với sự tự chủ, nỗ lực vươn lên của các HTX, khu vực KTTT của TP đã từng bước được củng cố.
Hiện trên địa bàn TP. Hồng Ngự có 16 THT, 7 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, với gần 400 thành viên tham gia. Thời gian qua, các HTX nông nghiệp hoạt động tương đối ổn định, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên.
Năm 2024 ước doanh thu bình quân của các HTX đạt khoảng trên 1.500 triệu đồng/năm, lãi bình quân 250 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX là 40 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân của THT là 850 triệu đồng/năm/THT, lãi bình quân 200 triệu đồng/THT/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong THT là 30 triệu đồng/năm.
Phát huy vai trò là trung tâm liên kết của chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, nhiều HTX đã thực hiện tốt việc lựa chọn các cơ sở cung cấp sản phẩm đầu vào với giá cả hợp lý và chất lượng ổn định, đồng thời tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tạo tâm lý an tâm sản xuất.
Hầu hết các HTX nông nghiệp hoạt động từ 2 ngành nghề trở lên đáp ứng nhu cầu của thành viên HTX và của nông dân trong địa bàn huyện, chủ yếu là tổ chức dịch vụ sản xuất cho thành viên gồm các khâu: tưới tiêu nước, làm đất, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ vốn thành viên. Nhìn chung hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển, từng bước khẳng định HTX là một thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho các hộ nông dân để tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, là cầu nối gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, phát triển kinh tế của HTX tại TP Hồng Ngự đã góp phần hỗ trợ một phần cho kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, làm nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
HTX đã giúp cho kinh tế hộ những việc mà kinh tế hộ không làm được. HTX đã phát huy được vai trò của mình đó là: tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hợp lý.
HTX còn là cầu nối tạo ra liên kết dọc, là khâu trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng, nơi tiếp nhận thông tin thị trường, nơi đầu mối đảm nhận khâu thu mua và đưa hàng hóa đến thị trường.
Hoàng Hà