Như ở THT May gia công xã Tân Hội, hiện có 10 thành viên ở nhiều lứa tuổi hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Với nguồn hàng ổn định đã tạo cho các thành viên có công ăn việc làm ổn định, tự chủ trong thu nhập, xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tạo sinh kế cho người dân
Chị Nguyễn Hoàng Hoa, Tổ trưởng tổ may gia công THT May gia công xã Tân Hội, chia sẻ trước kia không có việc làm chỉ ở nhà nội trợ. Tuy nhiên, từ ngày thành lập THT các thành viên trong tổ có việc làm ổn định với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Thậm chí có những thợ lành nghề may nhanh mỗi tháng thu nhập từ 8-10 triệu đồng. “Nguồn thu nhập ổn định giúp cho cuộc sống của các thành viên khá giả hơn so với trước đây”, chị Hoa cho hay.
Từ thành công của THT May gia công xã Tân Hội, hiện nay ở xã Tân Hội đã thành lập thêm nhiều THT hoạt động trong các lĩnh vực như đan ghế nhựa, lục bình…., góp phần đa dạng hoá sinh kế cho người dân trên địa bàn.
Chị Hồ Bích Thuỷ, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân Hội cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có 4 THT may gia công, 3 THT đan ghế và 1 THT đan lục bình, các chị em trong tổ tận dụng thời gian nhàn rỗi tham gia hoạt động trong THT để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đáng chú ý, nhiều chị em trong THT trước đây thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhờ có nguồn thu nhập ổn định đã vươn lên thoát nghèo”.
![]() |
TP Hồng Ngự quan tâm thực hiện đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, tạo sinh kế cho người dân. |
Có thể thấy vai trò to lớn của các THT tại xã Tân Hội đã trở thành “chìa khoá”, điểm tựa, động lực để các hộ đặc biệt khó khăn như gia đình chị Hoàng Thu – thành viên THT đan lục bình vững tin trong cuộc sống. “Trước đây thu nhập hàng tháng có 1,2 triệu đồng, chi phí cho gia đình 5 người không đủ. Từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ tham gia vào sản xuất trong mô hình THT, tôi có nguồn thu nhập ổn định, đủ chi tiêu cho gia đình. Đồng thời có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương xây nhà và cấp thẻ bảo hiểm y tế, tôi càng có thêm động lực để lao động kiếm tiền trang trải cho cuộc sống khấm khá hơn”, chị Thu chia sẻ.
Từ những mô hình phát triển kinh tế ở xã Tân Hội hướng trực tiếp đến các đối tượng yếu thế hoạt động có hiệu quả, đã giúp xã Tân Hội giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay xã chỉ còn 52 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 72 triệu đồng/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo vượt kế hoạch đề ra
Mục tiêu của TP. Hồng Ngự là phát triển KTTT, HTX, THT bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống thành viên, thu hút ngày càng nhiều nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT. Nhờ đó, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP. Hồng Ngự thời gian qua đạt được các kết quả quan trọng. Các mục tiêu, chỉ tiêu chính của Chương trình đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Những năm qua, thành phố chú trọng việc đào tạo nghề phải gắn với việc làm, đáp ứng nhu cầu của người học. TP phối hợp với UBND các xã, phường tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...
Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất với các sở, ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của lao động để tổ chức các lớp học. Hằng năm, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, tạo việc làm cho lao động, tăng thu nhập gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.
![]() |
Để giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, xã Tân Hội đã thành lập nhiều THT hoạt động trong các lĩnh vực như đan ghế nhựa, lục bình…., góp phần đa dạng hoá sinh kế cho người dân trên địa bàn. |
Qua triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên địa bàn TP Hồng Ngự, tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kết quả hộ nghèo giảm từ 5,19% vào đầu năm 2022 xuống còn 2,32% vào cuối năm 2023 (giảm 2,87%, tương đương 605 hộ nghèo); hộ cận nghèo giảm từ 5,72% vào đầu năm 2022 xuống còn 3,96% vào cuối năm 2023 (giảm 1,76%, tương đương 369 hộ cận nghèo) vượt kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2024, hộ nghèo của TP Hồng Ngự giảm xuống còn 721 hộ (chiếm 1,98%).
Phát triển các mô hình KTTT
Theo UBND TP Hồng Ngự, từ thành công của các mô hình KTTT, thành phố đang chú trọng phát triển các mô hình KTTT, tiếp tục củng cố hoạt động của các HTX. Hiện thành phố có 10 HTX và 16 THT đang hoạt động. Trong đó, có 9 HTX làm dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như: tưới, tiêu, làm đất, thu hoạch, mua bán thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ nông sản, 1 HTX làm dịch vụ vận tải thủy - bộ theo các tuyến cố định với 577 thành viên; 16 THT chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: bơm nước tưới - tiêu, sạ lúa, phân bón, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp, đan lục bình, đan ghế nhựa, đan lọp cua... với gần 500 thành viên.
Ước doanh thu bình quân của HTX là 1 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX là 25 triệu đồng/năm. Ước doanh thu bình quân của THT là khoảng 700 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong THT là 27 triệu đồng/năm.
Những thành công của TP. Hồng Ngự đang góp phần vào sự thành công của KTTT tỉnh Đồng Tháp. Theo ông Lê Quang Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, số HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng do đã thích ứng được với những điều kiện khắt khe của kinh tế thị trường. Bên cạnh sự nhanh nhạy trong thay đổi tư duy sản xuất, tận dụng tối đa những lợi thế địa phương, HTX còn làm tốt dịch vụ hậu cần, giữ thế chủ động trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, từng bước tạo thế mạnh về kinh tế cho HTX.
Trong tổng số 243 HTX toàn tỉnh, có 70% HTX hoạt động hiệu quả. Các HTX đã dần chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhất là hỗ trợ, phục vụ thành viên thông qua các dịch vụ của HTX. Việc liên kết giữa các HTX và HTX với các tổ chức kinh tế khác được chú trọng. Ngoài ra, HTX rất tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP (hiện có 12 HTX có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao).
Đáng nói, phát triển kinh tế của HTX đã góp phần hỗ trợ một phần cho kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, làm nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hợp lý.
Để tiếp tục phát triển KTTT, HTX thời gian tới Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ khu vực KTTT, HTX TP. Hồng Ngự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống thành viên, thu hút ngày càng nhiều nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX, THT, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tiếp tục củng cố, phát triển KTTT, HTX, THT với nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị, tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Khuyến khích phát triển mới các tổ chức KTTT đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình HTX, THT hoạt động có hiệu quả trở thành kiểu mẫu.
Hoàng Hà