Chuyên gia nhắc đến bài học kinh nghiệm của bang California Hoa Kỳ của Hoa Kỳ, năm 1943 từng đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng khiến nghẹt thở, nôn mửa và chảy nước mắt. Từ đó, bang này đã đi đầu thế giới về chống ô nhiễm không khí thông qua các biện pháp giảm phát thải đối với phương tiện giao thông.
Năm 1947, California thành lập Ủy ban chống ô nhiễm không khí. Uỷ ban này là nền tảng để xây dựng, phát triển cơ chế tín chỉ xe điện và xe không phát thải – một hệ thống cho phép các hãng xe không phát thải bán tín chỉ cho các hãng xe truyền thống, tạo ra thị trường tín chỉ carbon trong lĩnh vực giao thông.
Ông Nguyễn Đình Thọ dẫn chứng, từ năm 2009, Elon Musk của công ty Tesla đã đăng ký bán tín chỉ xe điện. Năm 2024 Tesla thu được 2,76 tỷ USD nhờ bán tín chỉ này. Trong khi đó, dựa trên cơ chế tín chỉ tại California, Chrysler - hãng xe chạy xăng - phải chi khoảng 2 tỷ USD/năm để mua tín chỉ, nhằm bù đắp cho lượng phát thải vượt ngưỡng.
“Ở Việt Nam chúng ta cũng nên học tập theo các cái mô hình trên thế giới”, chuyên gia nhận định.
![]() |
Chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể học tập thế giới trong việc xây dựng cơ chế tín chỉ xe điện, tương tự California, áp dụng với các hãng sản xuất xe. |
Ông dẫn chứng, để giảm lượng phát thải và ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh, từ năm 2017 Trung Quốc cũng đã áp dụng mô hình của California.
Tại Liên minh châu Âu, mỗi xe được yêu cầu chỉ phát thải không quá 95g CO2/km và từ năm 2025 thì hạ xuống 93,6g CO2/km. Doanh nghiệp phát thải vượt mức bị phạt 95 euro cho mỗi 1g CO2/km vượt quá, nhân với tổng số xe bán ra. Xe xăng hiện vẫn phát thải trung bình 140g CO2/km, vượt xa quy chuẩn. Do đó các hãng xe bị phạt rất nặng nếu không chuyển đổi.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP HCM nên xây dựng cơ chế tín chỉ xe điện và tín chỉ xe không phát thải, áp dụng với nhà sản xuất, không áp dụng trực tiếp lên người dân. Người dân thông qua cơ chế thị trường sẽ dần chuyển đổi sang xe điện và loại trừ xe xăng.
Vị chuyên gia nêu quan điểm: “Xe là tài sản lớn của người dân, đặc biệt với người nghèo. Họ phải bỏ ra 20 - 30 triệu đồng để mua một cái xe và có những người phải dành 10 - 20 năm mới mua được. Nếu như chúng ta cấm hoàn toàn, trong khi chưa có phương tiện công cộng thay thế hợp lý sẽ là một áp lực lớn đối với sinh kế của người nghèo”.
Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2028, Hà Nội không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Hà Nội đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu những cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện cũng như đầu tư hạ tầng để sớm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.
Tại TP HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) cũng đã hoàn thiện dự thảo đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện dành cho tài xế công nghệ và giao hàng. Theo lộ trình, từ đầu năm 2026, khi đăng ký mới với các ứng dụng, tài xế bắt buộc phải sử dụng xe điện. Đây là cũng là thời điểm bắt đầu quá trình chuyển đổi xe đang sử dụng, kéo dài trong hai năm. Mục đến cuối năm 2026 chuyển đổi 30% số lượng xe. Năm 2027, tỷ lệ này tăng lên 80% và phần còn lại hoàn tất vào năm 2028. Từ đầu năm 2029, xe máy xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động giao hàng và xe ôm công nghệ.
Liên quan đến Chỉ thị số 20, tại tọa đàm trực tuyến về chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đánh giá Chỉ thị 20 của Thủ tướng mang tính cấp bách, kịp thời, cấp thiết. Ông cho biết, tiếp thu Chỉ thị 20 của Thủ tướng, Hà Nội ngay lập tức có văn bản giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan chủ trì để cùng với các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể đặt ra các tiêu chí, giải pháp, lộ trình, các chính sách phù hợp.
"Dự thảo kế hoạch này đã cơ bản đầy đủ và đang trong quá trình xin ý kiến tham gia của các sở ngành liên quan, dự kiến sở sẽ trình thành phố trước ngày 25/7. Trong quá trình xây dựng dự thảo kế hoạch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các lãnh đạo thành phố rất quan tâm, chỉ đạo sát sao để nghiên cứu các chính sách phù hợp. TP Hà Nội rất mong muốn có sự hài hòa giữa quyền lợi, giữa trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước", ông nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội bày tỏ tin tưởng những chính sách của Nhà nước và của doanh nghiệp sẽ tạo nên động lực và sức đẩy để thành phố hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng giao là từ ngày 1/7/2026 trong khu vực Vành đai 1 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.
Đỗ Kiều