Điển hình, trên địa bàn huyện Con Cuông (Nghệ An), nhờ tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng của HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê, nhiều hộ gia đình người dân tộc Thái đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo và từng bước trở thành hộ khá trở lên.
Du lịch cộng đồng tạo sinh kế mới
Chị Lô Thị Hoa - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê cho hay, HTX được thành lập năm 2020 tại bản Nưa với 100% người dân là dân tộc Thái, trước đây phụ nữ chỉ lam lũ, quanh quẩn với nương rẫy, cuộc sống rất khó khăn. Khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện đưa các dự án du lịch phát triển tại địa phương, đồng thời mở các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho người dân tham quan học hỏi ở nhiều nơi khác về cách làm du lịch, thực sự đã tạo bước ngoặt cho người dân bản Nưa.
![]() |
Các mô hình du lịch cộng đồng từ các HTX đã tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân tại nhiều thôn bản của tỉnh Nghệ An. |
Năm 2020, khi thành lập HTX, được cử làm Tổ trưởng Homestay, chị Hoa đã cùng các thành viên của HTX tham gia các lớp tập huấn, thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa bản Nưa trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách thập phương, không chỉ giúp đồng bào nơi đây cải thiện sinh kế mà còn góp phần giữ gìn vốn quý bản sắc văn hóa dân tộc.
HTX ra đời đã tạo nên mối gắn kết giữa các thành viên, tổ chức tập huấn trang bị, nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch; tìm giải pháp quảng bá sản phẩm du lịch của vùng, liên kết với các vùng chuyên sản xuất cam, dược liệu trên địa bàn để xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch bản làng kết nối với các vùng nông nghiệp trải nghiệm, tạo nên các tour du lịch nông nghiệp. Cùng với đó là chọn lựa những người dân địa phương có khả năng để đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp, tham gia liên kết các tour du lịch.
Nhận thấy tiềm năng từ các nghề truyền thống tại địa phương, chị Hoa đã kiến nghị khôi phục nghề mây, tre đan và dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, sản phẩm được liên kết để bao tiêu và trở thành điểm tham quan du lịch được du khách hào hứng và ưa chuộng.
Sản phẩm mây, tre đan của HTX làm hoàn toàn thủ công, mang nét hoa văn, thẩm mỹ đặc trưng của người Thái huyện Con Cuông. HTX cũng thành lập tổ dệt vải thổ cẩm, dệt may các loại áo, váy truyền thống, khăn quàng, áo, túi thêu...
Ngoài ra, bà con dân bản đã cùng các thành viên của HTX tìm cách khôi phục các điệu múa, bài hát có nguy cơ mai một của đồng bào Thái. Đây chính là nét văn hóa truyền thống bản địa, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhờ đó, ngày càng nhiều người biết đến bản Nưa hơn, lượng khách du lịch ngày càng tăng, mỗi năm HTX đón trên 3.000 lượt khách, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hơn 30 người dân địa phương, tất các hộ làm du lịch cộng đồng đều có thu nhập ổn định, thoát nghèo, vươn lên hộ khá, giàu. Mô hình du lịch cộng đồng Bản Nưa đã được quảng bá tại Nhật Bản và triển khai, nhân rộng ở các tỉnh, thành khác tại Việt Nam.
Gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống
Ông Kha Văn Tiện, thành viên HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê cho biết, để làm du lịch hiệu quả cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào, những năm qua HTX đã kiến nghị phục dựng nghề mây tre đan và dệt thổ cẩm của đồng bào Thái. Những sản phẩm này, đã được liên kết để bao tiêu và thành điểm tham quan du lịch, nên bà con rất hào hứng.
![]() |
Ngoài công việc làm nông nghiệp, nhiều thành viên HTX có thêm thu nhập trên dưới 5 triệu đồng mỗi tháng từ nghề truyền thống. |
Được biết, nguyên vật liệu làm các đồ thủ công mỹ nghệ, như túi, giỏ, mũ, bàn ghế hoàn toàn khai thác từ tự nhiên và trong vườn nhà, mang nét hoa văn, thẩm mỹ đặc trưng của người Thái đã được công nhận từ lâu.
“Nguyên vật liệu được lấy từ trong rừng. Gốc tre, mây phải lấy đúng mùa, làm thủ công, mỗi tháng tổ sản xuất của HTX gồm 6 - 8 người sản xuất được 7-10 bộ bàn ghế, mỗi bộ bán 3,5 đến 5,5 triệu đồng. Ngoài nghề nông, với đôi tay khéo léo, mỗi người, mỗi tháng có thêm thu nhập trên dưới 5 triệu đồng” – ông Tiện nói.
Ngoài khôi phục nghề mây tre đan truyền thống, HTX cũng đã thành lập tổ dệt vải thổ cẩm với 27 chị em. HTX lắp đặt 7 khung cửi để cùng nhau dệt vải thổ cẩm, sau đó may thành các loại áo, váy truyền thống, khăn quàng, váy, áo, bìa sổ, túi thêu... với những họa tiết, hoa văn phong phú chuẩn bị sẵn nguồn hàng để phục vụ nhu cầu của du khách du lịch.
Tương tự, tại tại bản Hoa Tiến, (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) - làng Thái cổ, thuộc mường Chiềng Ngam xưa với 100% là người dân tộc Thái, nếu như trước đây tại bản nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, thì những năm gần đây, vùng đất này còn được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn. Các sản phẩm thổ cẩm như, chăn, gối, đệm, váy, khăn quàng cổ, khăn đội đầu, túi, ví, hoa văn tinh tế và phong phú… nhờ đó cũng được nhiều du khách đặt mua với với số lượng ngày càng cao.
Năm 2010, HTX Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến được thành lập, đến nay các sản phẩm thổ cẩm mang thương hiệu Hoa Tien Brocade đã có mặt ở nhiều thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long, thậm chí được ưa chuộng ở những thị trường quốc tế như: Pháp, Đức, Nhật...
Chị Sầm Thị Bích, thành viên HTX du lịch cộng đồng Hoa Tiến cho hay: Các thành viên được tập huấn, hướng dẫn về cách thức đón, phục vụ khách du lịch, trang trí nhà cửa, các món ăn mang đặc trưng ẩm thực Thái. Đến nay, bản đã có hơn 10 hộ gia đình đủ điều kiện phục vụ khách ăn, nghỉ tại nhà, 2 nhà được nâng cấp thành nhà nghỉ cộng đồng.
Mỗi năm, bản Hoa Tiến đón hàng ngàn lượt khách, trong và ngoài nước. Nhờ đó, các thành viên của HTX có thu nhập ổn định, thoát nghèo, một số hộ vươn lên khá, giàu. Bản Hoa Tiến có 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, là sản phẩm thổ cẩm đạt chuẩn 4 sao và du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến đạt chuẩn 3 sao.
Phát huy vai trò HTX
Chị Hà Thị Hương, thành viên HTX Hoa Tiến chia sẻ: Việc phát triển mô hình homestay không chỉ giúp bản Xiềng có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn mà mô hình này đã giúp cho bà con gìn giữ, tôn tạo lại những ngôi nhà sàn vốn là bản sắc của người Thái. Việc phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đồng thời giúp du khách tìm hiểu đầy đủ hơn nét văn hóa cộng đồng của người dân tộc Thái trên địa bàn huyện Quỳ Châu.
Có thể thấy, nhờ sự năng động và phát triển của các HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng tại các địa phương thời gian qua đã đưa du lịch cộng đồng tại các thôn bản dần trở thành nghề của bà con đồng bào người dân tộc thiểu số. Họ cũng dần nâng cao tay nghề nhờ được tập huấn về cách thức làm du lịch, về cách giao tiếp, ứng xử, nấu nướng và nhiều sự hỗ trợ khác...Và, quan trọng nhất là tất các các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng đều có thu nhập ổn định, thoát nghèo, trở thành hộ khá trở lên.
Theo thống kê sơ bộ từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10 hợp tác xã du lịch, chủ yếu nằm ở các huyện vùng miền núi, như: HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Môn Sơn, HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, HTX Du lịch bản Diềm (Con Cuông), HTX Nông nghiệp và Du lịch Mường Lống (Kỳ Sơn)…
Nhờ đó, du lịch cộng đồng góp phần tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân và dần xóa bỏ phong tục du canh, du cư; đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh đồng thời cho hay, để các HTX du lịch có thể phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục kết hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tập huấn, trang bị và nâng cao nghiệp vụ du lịch cho các tổ chức, cá nhân, thành viên về nghiệp vụ du lịch, kỹ năng thực hành, thuyết minh, văn hóa, thái độ phục vụ khách du lịch; tạo sự hỗ trợ, liên kết giữa các HTX với đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách du lịch. Có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao năng lực cho các HTX.
Hồng Hương