Số liệu thống kê của UBND xã Long Cốc cho thấy, đến nay toàn xã đang có hơn 692 ha chè, trong đó 657 ha chè đang cho thu hoạch với năng suất 14,25 tấn/ha. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, bên cạnh việc đổi mới tư duy sản xuất, các hộ trồng chè đang chủ động bắt tay liên kết để hình thành chuỗi giá trị.
Sức mạnh từ liên kết
Phát huy thế mạnh của địa phương, năm 2018, HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ tổ hợp tác.
![]() |
Sản xuất sạch là chìa khóa giúp sản phẩm chè Long Cốc vươn xa (Ảnh TL). |
Chỉ sau 3 năm phát triển, HTX Long Cốc đang trở thành cầu nối liên kết, giải quyết khó khăn về giống, phân bón, khoa học - kỹ thuật, đầu ra sản phẩm và nâng cao thu nhập cho thành viên.
Bà Phạm Thị Hạnh, Giám đốc HTX Long Cốc cho hay, để tạo động lực cho thành viên, hộ liên kết, ngoài việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn, chuyển giao các công nghệ mới, HTX còn hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm…
Đặc biệt, để có được sản phẩm chè sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc, các thành viên, hộ trồng chè liên kết bán nguyên liệu cho HTX đều phải cam kết thực hiện tiêu chuẩn sản xuất sạch, như: không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, không phun chất kích thích sinh trưởng…
Đặc biệt, khi liên kết với doanh nghiệp, quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh thái của HTX càng được kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Sự phát triển toàn diện về khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất sạch đã giúp HTX gặt hái thành công. Hiện tại, thu nhập bình quân của mỗi thành viên HTX đạt từ 80-100 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động tại HTX đạt 4,5-5,5 triệu đồng/tháng.
Phát triển du lịch cộng đồng
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Sơn đánh giá, việc thúc đẩy liên kết để thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ là một trong những động lực giúp cây chè phát huy hiệu quả kinh tế bền vững trên địa bàn xã Long Cốc.
![]() |
Nhờ sản xuất xanh, quy mô lớn, các vườn chè ở Long Cốc đang hút khách du lịch trải nghiệm (Ảnh TL). |
Đến nay, trên 95% diện tích chè xã Long Cốc được trồng và chăm sóc theo quy trình sản xuất VietGAP, an toàn sinh thái. Mỗi sản phẩm chè trước khi đưa ra thị trường đều được đóng gói theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem nhãn hàng và tem điện tử truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, kể từ năm 2017, nhờ sản xuất sạch, quy mô lớn, nhiều đồi chè trên địa bàn xã Long Cốc đã tạo thành cảnh quan tự nhiên "nên thơ", là điểm đến hấp dẫn của nhiều khách du lịch.
Hiện tại, toàn xã đang có hàng chục homestay, nhà nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Bên cạnh dịch vụ lưu trú, các hộ trồng chè còn liên kết để khách có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm như tự tay hái chè, thưởng thức chè sạch, thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh...
Theo đại diện UBND xã Long Cốc, nhằm phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng, những năm qua, xã đã nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm du lịch của người dân để vùng chè có thể thu hút nhiều hơn du khách, cũng như tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm chè sạch an toàn đến với người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, xã dự kiến đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giới thiệu mời gọi liên kết du lịch. Đồng thời, thực hiện tập huấn nghiệp vụ công tác du lịch, nấu ăn, pha chế cho các chủ hộ kinh doanh homestay…
Hưng Nguyên