Những năm gần đây, câu chuyện làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) bỗng nổi lên. Từ đó, những dòng du khách đã đổ về vùng này. Đặc biệt là làng mắm Tam Thanh theo thế cuộc ấy, bỗng chuyển mình và tìm cách đi lên.
Xem tranh ở làng mắm
Có thể nói rằng chính làng bích họa đã tạo cơ hội cho làng mắm, và ngược lại, chính bản sắc hiền hòa nhưng nhạy bén của những người quen quảy thúng mắm đục đi buôn đã làm nên cơ hội bền vững cho làng bích họa.
![]() |
Làng bích họa Tam Thanh (Ảnh: TL) |
Theo nhìn nhận của ông Lê Văn Gặp, đại diện HTX Ngọc Lan: “Thiệt ra thì ban đầu, mấy ai để ý làng này có bích họa. Nhưng rồi khi có người tò mò tới làng coi bọn trẻ vẽ vời lên tường, làng mắm Tam Thanh tự nhiên được nhắc. Lớp già như tôi hiểu, đây là dịp bán hàng, còn bọn trẻ thì tin đã tạo ra lợi thế kiếm tiền. Đôi bên gộp lại, thành câu chuyện người ta giờ đến làng mắm coi tranh”.
Được biết, làng mắm Tam Thanh đã có từ lâu đời. Trước đây, trúng vụ cá, thì người làng cùng làm mắm, chủ yếu là loại mắm đục, cá thính, để gánh lên miền cao bán. Miền cao với họ, chính là vùng Tiên Phước, Hiên, Giằng…, nơi người dân cách trở sông núi, ít cá mắm nên cần mua. Mỗi đợt như vậy, dân Tam Thanh lại có chút vốn liếng, về sửa nhà cơi cửa.
Nhưng theo năm tháng, những thúng mắm Tam Thanh không còn trụ vững. Người làng ít làm mắm hơn, chủ yếu chỉ có vài hũ để ăn dần, hay tặng thân thuộc, nhiều hơn thì ra chợ bán đong. Chỉ có điều là tính hoa mỹ thì vẫn còn ở nhiều gia đình. Mỗi khi dư dả lại vẽ tường sơn ngói cho đẹp làng đẹp xóm.
Khi những hình vẽ trên tường lọt vào ống kính vài du khách, rồi được đẩy lên đỉnh điểm khi một số bạn trẻ yêu thích hội họa từ Hàn quốc chọn Tam Thanh làm điểm hẹn trình diễn cây cọ và nước màu thì những bức tường được tô điểm hình ảnh chân chất và cả những thông điệp cuộc sống, được lên báo.
Tam Thanh từ một làng chài khép mình ven biển thành điểm hẹn của nhiều bạn trẻ, thu hút du khách tìm về. Làng mắm Tam Thanh đã thành làng bích họa. Người ta đến làng mắm để coi tranh…
Chuyển mình cùng bích họa
Cùng với sự phát triển du lịch cộng đồng, làng nghề được nhiều người biết đến hơn. Trong ấy, nước mắm Ngọc Lan đã đi qua bao nhiêu thời đoạn khốn khó để giữ cho hương vị cho đến tận hôm nay dường như sống dậy mạnh mẽ, trong từng món ngon của đất Tam Kỳ.
![]() |
Nước mắm Ngọc Lan (Ảnh: TL) |
Năm 2020, nước mắm Ngọc Lan của HTX Ngọc Lan được lựa chọn để tiến đến xây dựng sản phẩm OCOP của TP.Tam Kỳ.
Bà Trần Thị Ngọc Lan - chủ cơ sở nước mắm Ngọc Lan cho biết, để tạo ra nước mắm ngon đầu tiên phải chọn cá tươi, đều, vừa, không to quá cũng không nhỏ quá, sau đó phải chọn muối. Muối chọn hạt vừa, trắng, sạch thì nước mắm mới ngon, rồi trộn đều với cá sau đó ủ vào chum, thời gian ủ từ 10 đến 12 tháng sẽ chuyển qua màu cánh gián thì khi ấy những mẻ nước mắm đầu tiên sẽ được mang ra chắt lọc và đưa vào chai thủy tinh loại chai từ 350ml đến 500ml, rồi cho vào máy đóng nắp và đưa đi tiêu thụ trên thị trường.
Hiện mỗi ngày cơ sở Ngọc Lan sản xuất khoảng 200 lít nước mắm các loại, tính trung bình giá bán 65.000 đồng/500ml. Ngoài sản phẩm nước mắm truyền thống, cơ sở Ngọc Lan còn có các sản phẩm khác như mắm ruốc, mắm ngắn ngày, cá - mực khô các loại.
Đặc biệt thơm ngon, không sử dụng hóa chất và chất bảo quản trong quá trình sản xuất nên khi tham dự các hội chợ, triển lãm từ trong và ngoài tỉnh, nước mắm Ngọc Lan luôn nhận được sự đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã từ người tiêu dùng.
Việc chọn sản phẩm nước mắm để triển khai OCOP đã mở ra hướng phát triển mới cho nước mắm Ngọc Lan, từng bước chinh phục những thực khách khó tính nhất nhiều nơi.
Ngọc Giang