![]() |
HTX Kinh Dớn đạt hiệu quả kinh tế và môi trường nhờ sản xuất theo chuỗi |
HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn khi thành lập ban đầu có 49,5 ha đất sản xuất lúa. Thời kì đầu khó khăn, người dân chưa tin tưởng HTX nên tình trạng HTX đứng ra ký hợp đầu bao tiêu đầu ra cho người dân nhưng khi thấy giá lúa lên cao, người dân lại bán cho thương lái.
Xây dựng thương hiệu
Rút kinh nghiệm và xây dựng chiến lược mới, HTX quán triệt thành viên làm ăn phải có trách nhiệm, giữ chữ tín, không được bội tín. Khi đã thống nhất giá bán hợp đồng với các công ty thì phải giữ lời chứ không được bán ra ngoài HTX, dù thương lái mua cao hơn. Từ đó, tạo được uy tín, lòng tin đối với các công ty bao tiêu sản xuất cho HTX.
Với tinh thần đó, HTX ngày càng tạo được uy tín và lòng tin với nhiều đối tác quan trọng, cung cấp dịch vụ vật tư sản xuất đầu vào cũng như thu mua sản phẩm đầu ra ổn định, tạo tiền đề cho HTX phát triển bền vững trong nhiều năm sau đó.
Không chỉ chú trọng sản xuất, HTX còn xây dựng trụ sở hoạt động khang trang, đầy đủ sân phơi, nhà kho, văn phòng làm việc, cửa hàng mua bán vật tư... Nhờ đầu tư đầy đủ, bàn bản, HTX ngày càng tạo dựng được uy tín và lòng tin với nhiều đối tác. Từ đó, vấn đề vốn đầu tư sản xuất đầu vụ không còn phải lo lắng nữa, việc đó đã được các đơn vị đối tác lo hết. Các công ty vật tư đầu vào thì bán chịu giá gốc cho thành viên, còn đơn vị bao tiêu đầu ra sản phẩm đầu tư vốn sản xuất đầu vụ cho thành viên 2-3 triệu đồng/ha nên thành viên phấn khởi, yên tâm sản xuất, giữ uy tín, trách nhiệm với HTX và các đơn vị đối tác.
Từ thành công của HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, nhiều nông dân đến xin tham gia vào HTX. Số lượng xã viên từ đó tăng lên qua từng năm, đến nay, HTX Kinh Dớn có 67 thành viên và diện tích sản xuất tăng lên 112 ha.
Thích ứng biến đổi khí hậu
Trong sản xuất theo chuỗi phải có sự gắn kết thông qua HTX nên doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu quá trình sản xuất, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, giám sát thực hiện các quy trình kỹ thuật để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy nguyên được nguồn gốc. Đó là quy trình rất quan trọng khi sản xuất hàng hóa tập trung số lượng lớn, làm ăn với các đối tác kinh tế lớn trong và ngoài nước.
Đặc biệt là trong quá trình sản xuất, việc thực hiện điều tra hệ sinh thái định kỳ trên ruộng (6 lần/vụ) để đo, đếm các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển của cây lúa, điều tra diễn biến của sâu bệnh hại và thiên địch, quan sát các yếu tố ngoại cảnh trên đồng rộng được diễn ra để có các biện pháp chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa phù hợp và kịp thời, từ đó giúp giảm thiệt hại, hạn chế dùng thuốc hóa học độc hại.
Mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị của HTX đã từng bước giúp cây lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính qua việc giảm giống lúa, giảm phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước và giảm thiểu đốt rơm rạ sau thu hoạch. Mô hình sản xuất này còn giúp người nông dân bón phân cân đối, hợp lý hơn, giảm lượng phân urê nên hạn chế tồn dư gốc nitrat trong lúa gạo.
Qua nhiều năm được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đến nay, HTX đã tự sản xuất được lúa giống cấp xác nhận phục vụ thành viên và nấm xanh trừ sâu cuốn lá, rầy nâu, giúp thành viên tiết kiệm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, làm ra lúa sạch bán được giá tốt. Từ đó, lợi nhuận bình quân của thành viên tăng từ 13 triệu đồng/ha/vụ những năm đầu thành lập lên 18 triệu đồng/vụ/ha hiện nay.
Ông Đời dự báo, thời gian tới, nếu nông dân không tham gia sản xuất tập trung, làm ra sản phẩm hàng hoá số lượng lớn, đảm bảo được chất lượng, truy nguyên được nguồn gốc thì không những "thua trên sân nhà" mà là "chết trên sân nhà". Bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày nay yêu cầu sản phẩm phải rõ nguồn gốc, chất lượng và cung cấp cho doanh nghiệp số lượng lớn. Làm ăn kiểu manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu cũ của nông dân sẽ khó thoát khỏi cảnh được mùa mất giá và luẩn quẩn với cái nghèo.
Như Yến