Là một xã thuần nông, do đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân là vấn đề cấp thiết hiện nay trong sản xuất nông nghiệp. Trước khi chuyển đổi, HTX vẫn hoạt động theo mô hình truyền thống chủ yếu là các khâu dịch vụ như: Thu gom rác thải; Bảo vệ sản xuất, thủy nông, dịch vụ bảo vệ thực vật và cung ứng vật tư nông nghiệp mang lại hiệu quả chưa cao, không phát huy được vai trò, ý thức đóng góp, cống hiến vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, thành viên HTX. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp của địa phương dần bị thu hẹp, manh mún, nhỏ lẻ, đan xen giữa cấy lúa với trồng hoa màu.. gây khó khăn cho điều hành sản xuất của HTX.
Với tập quán canh tác lúa nước và các loại hoa màu truyền thống, HTX nông nghiệp Thượng Nông đã mạnh dạn chuyển đổi canh tác cây trồng từ sản xuất ngô, lúa thịt sang sản xuất giống; chuyển đổi diện tích đất khó khăn về nguồn nước sang trồng táo, đào, đu đủ, chuối tiêu hồng cho năng suất gấp 3-4 lần trồng lúa.
![]() |
Sản xuất kinh doanh trồng ớt chỉ địa số 7 bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Trong đó, sản xuất kinh doanh trồng ớt chỉ địa số 7 bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình sản xuất theo hướng thuần tự nhiên, không sử dụng bất cứ một loại thuốc hóa học nào, với 2ha trồng thử nghiệm ban đầu đã đem lại năng suất lợi nhuận mang lại cao từ 3-4 lần so với các giống cây trồng ngắn ngày khác trên cung một diện tích, góp phần đảm bảo môi trường (BVMT), ATLĐ cho người nông dân.
Năm 2018, Công ty TNHH ớt Việt Nam triển khai tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật như chuẩn bị đất, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây ớt, cam kết hỗ trợ ứng giống cây, một số vật tư như thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho HTX. Theo đó, HTX đã tiến hành rà soát những vùng đất lúa chiêm trũng, manh mún, không mang lại năng suất, gây lãng phí tài nguyên đất để đề xuất chính quyền địa phương khuyến khích người dân cho HTX thuê đất để cải tạo, mở rộng diện tích 2ha trồng thử nghiệm giống ớt chỉ địa số 7 và tiến hành xây dựng đường giao thông, kênh tưới tiêu, bảo vệ cây trồng, các biện pháp phòng trừ diệt chuột… tạo điều kiện nâng cao hiệu quả năng suất lao động.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng- Chủ tịch Hội đồng quản trị- Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Nông: Giống ớt chỉ địa số 7 đang được triển khai tại HTX nông nghiệp Thượng Nông có đặc tính có khả năng sinh trưởng vượt trội, chống chịu được sâu bệnh gây hại, thích hợp với nhiều loại đất, thời gian thu hoạch khoảng từ 60-80 ngày, giá bán từ 12.000-15.000 đồng/kg. Năm 2018, năng suất ban đầu mang lại đạt 25 tấn/1ha, doanh thu là 300 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí thì đem lợi nhuận là 120 triệu đồng/ha. Thị trường đầu ra của sản lượng ớt khi thu hoạch đã được Công ty TNHHH ớt Việt Nam bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Từ thành công của mô hình thử nghiệm, năm 2019, HTX tiếp tục mở rộng thêm diện tích là 7ha với 250.000 cây, HTX ước tính đạt doanh thu là 1,5 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận 840 triệu đồng. Nhờ vào mô hình trồng ớt đã giúp HTX tăng doanh thu, tạo thu nhập cho thành viên từ 3-4 triệu đồng/tháng, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội. Không những vậy còn góp phần BVMT và ATLĐ cho người dân trong sản xuất.
Đây mới là hiệu quả bước đầu, mục tiêu hướng tới của HTX sẽ đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký nhãn mác truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, tiếp tục đầu tư xây dựng nhà màng áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Để thực hiện được nội dung này, HTX cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các sở, ngành hỗ trợ về vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với chuỗi giá trị hàng hóa… nhằm tạo sức sản xuất lớn, giúp HTX hoạt động có hiệu quả và bền vững.
Nhật Nam