Hộ gia đình anh Hồ Văn Hư - người dân tộc Pa Kô, là hộ gia đình làm ăn giỏi tại xã A Ngo (cũ). Anh vẫn nhớ như in ngày mình xuống thị trấn Krông Klang cách bản làng hơn 70 cây số để nhận bò giống lai sind mà một doanh nghiệp trao tặng cho hộ nghèo. Từ đó, cuộc đời của anh bước sang trang mới, sống có trách nhiệm và hy vọng, bao nhiêu sức lực, tâm huyết anh đổ vào con bò giống đầu tiên.
Mong muốn có HTX chăn nuôi bò
Để rồi, những nỗ lực của anh Hư đã được đền đáp, bằng thời gian và sức lao động, bằng sự cần cù và chịu khó học hỏi của một nông dân đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn.
![]() |
Đồng bào dân tộc thiểu số mong muốn có HTX chăn nuôi bò trên vùng đất A Ngo. |
Anh Hư vừa chăm sóc bò, vừa cuốc đất trồng cỏ. Từ một đám cỏ sữa đầu tiên, vợ chồng anh Hư nhân giống để được vài trăm mét vuông, giờ diện tích trồng cỏ của nhà anh Hư đã lên hàng ngàn mét vuông. Từ 1 con bò, vợ chồng anh đã phát triển đàn bò thành 13 con.
Đến A Ngo, nơi anh Hồ Văn Hư cũng như 108 hộ, 247 nhân khẩu đồng bào Pa Kô bản Pi Rao (nay đổi tên thành Ala) đang ngày đêm cần mẫn lao động sản xuất tận vùng biên cương, mới thấu hiểu được rằng, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, bên cạnh xây dựng và bảo vệ quê hương thì thoát nghèo, làm giàu là khát vọng lớn của bà con.
Nung nấu trong mình ý tưởng “dồn điền đổi thửa”, anh Hư vận động các hộ dân đổi đất đồi, đất rẫy, tập hợp nhau lại để làm chuồng trại, trồng cỏ thành lập điểm chăn nuôi gia súc tập trung.
Đặc biệt là anh Hư muốn thành lập HTX chăn nuôi bò trên vùng đất A Ngo, có tổ chức kinh tế tập thể lớn mạnh mới làm được việc lớn hơn, xóa đói giảm nghèo bền vững hơn.
Việc thành lập và tham gia HTX chăn nuôi bò là điều mong mỏi của đồng bào dân tộc thiểu số ở A Ngo. Bởi vì điều này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế. Hơn nữa, tham gia HTX sẽ giúp cho bà con tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi và tăng thu nhập.
Xã A Ngo (cũ) vốn là 1 trong 5 xã biên giới của huyện Đakrông (cũ) với 95% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm trên 5%, thời gian qua địa phương đã và đang đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống kinh tế xã hội ở các bản làng ngày một khởi sắc.
“Trụ đỡ” phát triển kinh tế
Nhờ đó đã có nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, từng bước khấm khá, như trường hợp anh Hồ Văn Hư là một điển hình. Hoặc như gia đình anh La Lay Hùng (42 tuổi, dân tộc Pa Kô) ở thôn Kỳ Neh. Sau nhiều năm gầy dựng mô hình kinh tế, đến nay gia đình anh Hùng có hơn 15 ha tràm hoa vàng, 4 ao nuôi cá trắm, chép, 0,5 ha cây gió trầm, trong đó, năm 2023, anh đã khai thác 7 ha tràm, lãi khoảng 300 triệu đồng…
![]() |
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Vân Kiều – Pa Kô với mô hình trồng và sơ chế chuối tiêu hồng ở xã A Bung (cũ). |
Còn ở xã A Bung (cũ) vốn là xã biên giới thuộc huyện Đakrông (cũ) đang có các hoạt động phát triển kinh tế tập thể nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững.
Điển hình là HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Vân Kiều – Pa Kô được xem là “trụ đỡ” trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở A Bung. Với mô hình trồng và sơ chế chuối tiêu hồng, HTX không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế cho hàng chục hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên diện tích canh tác hơn 40 ha, các thành viên HTX là đồng bào dân tộc thiểu số chủ động áp dụng kỹ thuật trồng theo hướng an toàn sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ và hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra.
Sau khi thu hoạch, chuối được phân loại ngay tại vườn, sau đó đưa về cơ sở sơ chế của HTX. Tại đây, chuối được rửa sạch, xử lý theo quy trình nghiêm ngặt, một phần cung ứng dưới dạng chuối tươi cho các siêu thị, chợ đầu mối tại Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, một phần được sấy dẻo theo công nghệ sấy nhiệt khép kín.
Bên cạnh đó A Bung còn là địa phương có nghề dệt thổ cẩm phát triển nhất huyện. Để giữ nghề truyền thống, đồng bào dân tộc Pa Kô đã tham gia thành lập được 4 tổ sản xuất chuyên dệt vải thổ cẩm, với sự tham gia của 25 phụ nữ dân tộc Pa Kô ở các thôn Cu Tài 1, Cu Tài 2 và Ti Nê…
Việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm là cơ hội tạo việc làm cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại đây. Ngoài thời gian lao động làm nương rẫy, những lúc rảnh rỗi các chị có thể tập trung dệt để tăng nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế cho gia đình.
Nghề dệt thổ cẩm đã có sự hồi sinh mạnh mẽ khi Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm A Bung đi vào hoạt động, trở thành “trụ đỡ” cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Pa Kô và Vân Kiều.
Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm A Bung không chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống mà còn chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm mới. Những sản phẩm dệt thổ cẩm giờ đây không chỉ phục vụ người Pa Kô mà còn mở rộng sang trang phục truyền thống của người Vân Kiều.
Phát huy tiềm năng và lợi thế
Sau khi tham gia các lớp tập huấn, các thành viên Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm A Bung đã có thể dệt và may nhiều sản phẩm sử dụng hàng ngày như áo ghi lê, cà vạt, túi xách, mũ… để phục vụ nhu cầu của khách hơn tốt hơn, đa dạng hoá khách hàng, và khiến nghề dệt trở nên hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ.
![]() |
Tham gia vào Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm A Bung giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tăng thêm thu nhập. |
Ngoài ra, nhờ sử dụng mạng xã hội như Facebook và Instagram, Tổ hợp tác đã quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm đến đông đảo khách hàng. Họ chia sẻ hình ảnh sản phẩm, câu chuyện văn hóa và kết nối với những người yêu thích thổ cẩm, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có cơ hội xuất khẩu.
Các thành viên trong tổ hợp tác này không ngừng học hỏi, ứng dụng công nghệ, máy móc, công nghệ thông tin vào cải tiến sản phẩm, quảng bá sản phẩm tới khách hàng nên tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, chủ động bán hàng chứ không ngồi chờ khách hàng tìm đến.
Hiện tại, Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm A Bung luôn có đủ đơn hàng, thỉnh thoảng phải từ chối một vài đơn hàng vì không đảm bảo tiến độ. Bước đầu, nhờ sự giới thiệu của một số tổ chức mà sản phẩm của Tổ hợp tác đã đến với khách hàng ở Mỹ.
Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam luôn chú trọng phát triển kinh tế tập thể ở vùng cao tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Và xã La Lay (mới) cũng vậy, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã A Ngo (cũ) và A Bung (cũ), Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị đã có những hoạt động để tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cho bà con dân tộc thiểu số về tham gia kinh tế tập thể, dạy nghề trực tiếp cho thành viên HTX, dành nhiều nguồn lực để giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tiềm năng, lợi thế, vươn lên thoát nghèo.
Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị cũng thực hiện những giải pháp cụ thể, qua đó đã, đang và sẽ góp phần thúc đẩy việc thành lập các HTX, tổ hợp tác trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị nói chung và trên địa bàn xã La Lay (mới) nói riêng. Để từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần chung vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng cao La Lay.
Thanh Loan