Thời gian qua, nhiều mô hình HTX điển hình tại TP Hà Nội đã đạt được thành công đáng kể, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
HTX điển hình
Chẳng hạn như HTX Nông nghiệp sạch Thanh Xuân đã ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm, hay HTX Dệt may Hồng Hà đã phát triển thành công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu…
Điển hình, HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã áp dụng kỹ thuật trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu giám sát nông dân trong quá trình chăm sóc bưởi, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả, tập huấn cho nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp, hỗ trợ địa phương triển khai ứng dụng tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ việc đón đầu những cơ hội mới trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả, HTX đã được đưa vào danh sách các chủ thể OCOP hiệu quả.
![]() |
HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã áp dụng kỹ thuật trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. |
HTX đã liên kết các thành viên trong mô hình hợp tác để đưa kỹ thuật trồng lúa, bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, từ khâu giám sát nông dân trong quá trình chăm sóc, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả, tập huấn cho nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp, đến hỗ trợ triển khai ứng dụng tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đến nay, các sản phẩm gạo và bưởi của HTX đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Thu nhập của thành viên HTX được cải thiện và ngày một được nâng cao. Nổi bật với mô hình bưởi đã cho thu nhập đạt 500-700 triệu đồng/ha.
Không dừng lại ở đó, HTX còn xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm tiêu biểu bưởi, rau an toàn tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương.
Bên cạnh đó, HTX liên kết với nhiều doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường. Để minh bạch quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX đứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất rau, bưởi, lúa. Các camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất, đồng thời lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất mà khi cần doanh nghiệp tiêu thụ hay người tiêu dùng có thể kiểm chứng bằng trích xuất hình ảnh.
Thể hiện vai trò trong phát triển kinh tế
Đánh giá vai trò của HTX, ban lãnh đạo Thành phố khẳng định, các HTX ngày càng thể hiện rõ nét vai trò của mình trong phát kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế nông nghiệp thông qua việc tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao nguồn thu nhập cho người lao động và một bộ phận không nhỏ người yếu thế trong xã hội ở khu vực nông thôn, góp phần bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, HTX đã huy động tốt sức người, sức của thực hiện kiên cố hóa hạ tầng nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay, việc các HTX có nhiều thay đổi trong cách điều hành nội bộ, sản xuất, kết nối với thị trường là điều cần thiết để tồn tại và tăng doanh thu, hiệu quả hoạt động. Đây cũng là những đòi hỏi cần thiết để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới. Trong đó, với việc ngày càng có nhiều HTX áp dụng sản xuất nông nghiệp thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến mới, phát huy vai trò kết nối sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân.
![]() |
Rau hữu cơ của HTX Nông nghiệp sạch Thanh Xuân được người dân Thủ đô biết đến và đem lại nguồn thu nhập cho người dân. |
Số liệu thống kê cho thấy, đầu năm 2021, toàn TP vẫn còn 4.463 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 0,21%. Bằng việc thực hiện đồng bộ, kịp thời, đầy đủ các chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo, đến hết năm 2021, TP đã giảm được 3.507 hộ nghèo.
Năm 2022, theo Quyết định số 678/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, TP có 3.612 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16% và 30.176 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,38%. Kết quả đến hết năm 2022, TP đã giảm được 1.579 hộ nghèo, còn lại 2.134 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,095%.
Số hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2022 là 2.128 hộ, chiếm 0,17% dân cư khu vực nông thôn; đồng thời có 5/18 huyện, thị xã Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì (tên gọi trước sáp nhập 1/7/2025) không còn hộ nghèo.
Đầu năm 2023, TP có 690 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03% số hộ dân. Riêng khu vực nông thôn còn 690 hộ nghèo, chiếm 0,06% so với tổng dân cư khu vực nông thôn; có 6/18 huyện, thị xã không có hộ nghèo.
Đến hết năm 2024, toàn TP đã không còn hộ nghèo (giảm 690/690 hộ nghèo), chỉ tiêu giảm nghèo đã về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Khu vực nông thôn của Hà Nội cũng chỉ còn 9.570 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,77%.
Hỗ trợ mở rộng thêm nhiều HTX
Có thể nói, HTX có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp. Với đặc thù sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, các HTX chính là “cánh tay nối dài” giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp, đồng thời giúp cung cấp các vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, đảm bảo đầu ra cho các nông sản.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng lớn mạnh đang đòi hỏi các HTX cần có nhiều thay đổi để thích ứng, phù hợp với tình hình, bắt nhịp với thời cuộc.
Các HTX muốn phát triển bền vững buộc phải nâng cao chất lượng hàng hoá, sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng. Muốn làm tốt việc này thì xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu dùng là tất yếu; hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị liên quan của TP sẽ phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 100 HTX, 2 liên hiệp HTX; nâng số HTX, liên hiệp HTX hoạt động loại tốt, khá chiếm 65-70%; đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 47 lớp; hỗ trợ 250 HTX tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
TP sẽ hỗ trợ củng cố 80 HTX tại xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại 30 HTX; hỗ trợ 10 HTX kinh phí thuê địa điểm và vận hành điểm giới thiệu sản phẩm.
TP cũng phấn đấu doanh thu bình quân của một HTX là 3 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX là 65 triệu đồng/năm; lãi bình quân của HTX là 220 triệu đồng/năm. Cùng với đó, phát triển 50 HTX trở lên tham gia thành viên Liên minh HTX TP.
Liên minh HTX TP tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; tăng cường phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc hướng dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX nhằm hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Ngọc Giang