Với sự chủ động tiếp thu, học hỏi, nhiều nông dân, tổ hợp tác, HTX, hội quán ở Đồng Tháp đã mạnh dạn thay đổi, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp thông minh, tự động hóa trong canh tác.
“Số hóa” HTX
Tại xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh), hầu hết bà con sống bằng nghề trồng xoài rải vụ quanh năm. Nhờ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và được HTX xoài Tân Thuận Tây đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm, nhiều nhà có thu nhập tương đối ổn định, hộ nghèo trong xã hầu như không còn.
Ông Lê Hoàng Tùng, Giám đốc HTX xoài Tân Thuận Tây cho biết: HTX có 116ha, với 127 thành viên sản xuất xoài theo hướng hữu cơ có bao trái, năng suất luôn cao, trái đẹp nên bán ra thị trường giá cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với xoài sản xuất truyền thống.
Tổng sản lượng xoài mỗi năm của HTX khoảng 1.600 tấn, trong đó HTX đứng ra tiêu thụ cho nông dân khoảng 500 tấn, số còn lại HTX giới thiệu doanh nghiệp đến bao tiêu cho nông dân. Bình quân 1ha xoài cho sản lượng từ 10 - 12 tấn/năm, sau khi trừ chi phí, nông dân lời từ 12 - 18 nghìn đồng/kg.
![]() |
Nhiều HTX ở Đồng Tháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao |
Ông Nguyễn Tấn Chuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây phấn khởi cho biết: Hiện nay bà con trong xã đa phần trồng giống xoài Cát Chu nức tiếng, mỗi cây xoài đều được gắn mã QR để truy xuất nguồn gốc.
Tân Thuận Tây bây giờ ngoài diện tích gần 500ha xoài với những mô hình độc đáo, bà con còn biết cách trồng xoài rải vụ, xoài VietGAP, hữu cơ và 100% diện tích xoài nơi đây đều có mã số vùng trồng. Bà con cũng đã biết làm du lịch cộng đồng để phát huy giá trị tài nguyên bản địa, biết ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, đời sống người dân ngày càng khấm khá.
Nhận thấy lợi ích từ kinh tế tập thể, năm 2020, HTX sầu riêng Phú Hựu (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) được thành lập với 29 thành viên, diện tích canh tác khoảng 70ha sầu riêng. Dù thành lập chưa lâu, nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như phát triển kinh tế tập thể giai đoạn mới, HTX đã đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, phân phối lợi nhuận theo thỏa thuận liên kết hợp tác.
Giám đốc HTX sầu riêng Phú Hựu Lê Thanh Điền cho biết, hiện nay hầu hết thị trường đều yêu cầu phải có mẫu mã, sản phẩm tươi, sạch, đảm bảo an toàn, nên bắt buộc HTX phải đổi mới, thực hiện đúng quy trình đối tác đưa ra, đó là gắn mã vùng trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng. Do đó, việc thành lập HTX đã đáp ứng các yêu cầu của thị trường, đối tác và quan trọng là đưa HTX phát triển bền vững, đem lại thu nhập cao cho các thành viên.
Mục tiêu giảm trên 2.220 hộ nghèo
Nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã và đang phát triển theo hướng đi mới, hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường, đơn vị đối tác. Đó là sản xuất theo hướng VietGAP, đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn mã vùng trồng xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm OCOP để tạo thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên.
Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bước đầu đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, các HTX nông nghiệp không ngừng phát triển về số lượng cũng như chất lượng. HTX nông nghiệp là những kênh phân phối tiêu thụ, lưu thông hàng hóa và phát triển thị trường, duy trì phát huy ngành nghề truyền thống, thu hút lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội trong tỉnh. Theo đó, các HTX nông nghiệp đã và đang góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng kinh tế Đồng Tháp, thực hiện nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo.
Thời gian qua, công tác giảm nghèo của tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả tích cực. Trong năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu hơn chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đến cuối năm 2024 giảm còn 2,05%, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết năm (2,25%).
![]() |
Các thành viên HTX sầu riêng Phú Hựu ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ trong quá trình canh tác |
Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định tỷ lệ này vẫn còn cao hơn tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước là 1,93%. Vì vậy, để công tác giảm nghèo năm 2025 đạt được kết quả theo Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,5 - 1%, tương đương trên 2.220 hộ, cần có những giải pháp, cách làm mới, hiệu quả của các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển
Ông Lê Quang Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp cho biết, số HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng do đã thích ứng được với những điều kiện khắt khe của kinh tế thị trường. Bên cạnh sự nhanh nhạy trong thay đổi tư duy sản xuất, tận dụng tối đa những lợi thế địa phương, HTX còn làm tốt dịch vụ hậu cần, giữ thế chủ động trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, từng bước tạo thế mạnh về kinh tế cho HTX và thành viên. Trong tổng số 243 HTX toàn tỉnh, có 70% HTX hoạt động hiệu quả. Các HTX đã dần chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhất là hỗ trợ, phục vụ thành viên thông qua các dịch vụ của HTX. Việc liên kết giữa các HTX và HTX với các tổ chức kinh tế khác được chú trọng. Ngoài ra, các HTX rất tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP (hiện có 12 HTX có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao).
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, so với bình diện chung của cả nước, số lượng HTX ở Đồng Tháp chỉ ở mức trung bình, tuy nhiên, số HTX hoạt động có hiệu quả chiếm tỷ lệ khá cao (trên 70%). Đây là cơ sở để Đồng Tháp nghiên cứu, xây dựng mô hình Liên hiệp HTX, huy động nguồn vốn đủ mạnh trong thành viên, xây dựng mô hình kinh tế tập thể điển hình tiêu biểu của cả nước.
“Còn rất nhiều dư địa để HTX Đồng Tháp phát triển nếu biết khai thác phù hợp, đặc biệt là đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của từng thị trường tiềm năng, tạo chỗ đứng riêng cho thương hiệu HTX Đồng Tháp. Vấn đề là địa phương sẽ đầu tư theo hướng nào để có những bước đi phù hợp. Bên cạnh HTX nông nghiệp, chúng ta có thể phát triển thêm các HTX lĩnh vực giáo dục, y tế; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức trong sinh viên, học sinh, tạo nền tảng cho lực lượng trẻ tham gia HTX sau này hoặc khởi nghiệp từ HTX...”, bà Vân chia sẻ.
Việc phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Đồng tháp. Tỉnh Đồng Tháp đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân tham gia vào các HTX. Thành công của mô hình này không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển.
Hoàng Hà