Trong những năm qua, tỉnh Bến Tre đã triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người nghèo, từ đó góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cũng như nâng cao tính chủ động của người dân để vươn lên thoát nghèo.
Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn hơn 2% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025; tổng nguồn vốn huy động cho công tác này khoảng 1.200 tỷ đồng. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3% và đến cuối năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Làm giàu từ nghề nuôi bò sữa
Để đảm bảo mục tiêu trên thì một trong những “đòn bẩy” quan trọng được triển khai tại tỉnh Bến Tre đó là phát triển mô hình kinh tế tập thể, thành lập các Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) liên kết với các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn để thoát nghèo bền vững.
Điển hình là mô hình chăn nuôi bò sữa tại HTX Bò sữa Bến Tre (xã An Bình Tây, huyện Ba Tri) được thành lập năm 2019 có 100 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, lĩnh vực hoạt động dịch vụ chăn nuôi, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa...
![]() |
HTX Bò sữa Bến Tre tạo mọi điều kiện cho người dân tiếp cận con giống, liên kết hợp tác với công ty sữa Vinamilk bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân để họ an tâm chăn nuôi. |
Khi mới thành lập, quy mô sản xuất HTX chỉ trên địa bàn huyện Ba Tri, hiện nay đang mở rộng địa bàn hoạt động sang huyện Thạnh Phú và các vùng phụ cận nhằm cung cấp dịch vụ, thức ăn, các sản phẩm thú y chăn nuôi cho các hộ thành viên HTX nói riêng, hộ nông dân nói chung với giá bán thấp hơn giá thị trường bên ngoài từ 3-5%.
HTX mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là trong chăn nuôi bò sữa, nhờ đó HTX đã liên kết được với một số doanh nghiệp lớn để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Điển hình HTX phối hợp với công ty Vinamilk bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa của thành viên tham gia HTX; Hỗ trợ cung cấp dịch vụ đầu vào, tư vấn kỹ thuật cho các HTX tại các địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đã góp phần giải quyết việc làm, cung cấp các sản phẩm chăn nuôi giá thấp hơn thị trường ít nhất 3% cho bà con trên địa bàn.
Nếu như năm 2021, HTX có doanh thu 9,1 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 182 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế được phân phối 120 triệu đồng thì đến năm 2024 ước doanh thu khoảng 15 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 300 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế được phân phối 200 triệu đồng.
Có thể nói, HTX Bò sữa Bến Tre đã và đang góp phần cùng với địa phương xây dựng phong trào khởi nghiệp làm giàu từ nghề nuôi bò sữa, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Đồng thời, các thành viên của HTX cũng tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Bà Trần Thị Tuyết Anh, Giám đốc HTX Bò sữa Bến Tre cho biết: “Thời gian qua, HTX mở rộng cung cấp các dịch vụ chăn nuôi cho nông dân ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh để đầu tư phát triển ngành chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định bền vững; phối hợp với một số doanh nghiệp tiến hành sản xuất phân hữu cơ, bán ra thị trường nhằm góp phần giải quyết vấn đề môi trường trong chăn nuôi, tăng thêm thu nhập cho nông hộ”.
HTX ngày càng “ăn nên làm ra”
Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bến Tre, các HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động, đặc biệt hút lao động nhàn rỗi tại địa phương. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động ổn định, dao động từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Khi tham gia vào THT, HTX, thành viên và người lao động được tham gia học tập để nâng cao kiến thức sử dụng giống, chăm sóc, quản lý dịch bệnh, hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tiến tới sản xuất tập trung theo quy mô lớn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự đồng đều về kích thước, mẫu mã, đồng nhất về chất lượng và bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP... Đây là cơ sở để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành thương hiệu sản phẩm của HTX, giúp cho các sản phẩm của thành viên nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng được giá trị.
Đáng chú ý, trong các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, hiện có 78 HTX thì có 28 HTX có doanh thu từ 5 tỷ đồng trở lên. Có 21 HTX phát triển sản phẩm OCOP rất tốt. Điển hình, các HTX thủy sản nuôi nghêu có doanh thu từ 5 - 25 tỷ đồng/năm/HTX.
![]() |
Sản xuất hữu cơ, an toàn sinh thái giúp trái dừa Bến Tre được mùa, được giá hơn. |
Một số mô hình hoạt động hiệu quả đang nổi lên theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, như: HTX Nông nghiệp Định Thủy, xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam) và HTX Nông nghiệp Tân Phú, xã Tân Phú (huyện Châu Thành).
Đơn cử, HTX Nông nghiệp Định Thủy có 142 thành viên với vốn điều lệ đăng ký 500 triệu đồng và vốn huy động kinh doanh 1,795 tỷ đồng. HTX tập trung sản xuất dừa hữu cơ, với tổng diện tích vườn dừa hữu cơ 244,6 ha. Hay HTX Nông nghiệp Tân Phú hiện có 253 thành viên, với vốn điều lệ đăng ký 500 triệu đồng. Đây là HTX kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuỗi giá trị cây ăn trái (sầu riêng, chôm chôm)....
Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
Theo Liên minh HTX tỉnh Bến Tre, đến cuối năm 2024 toàn tỉnh có 1 Liên hiệp HTX, 198 HTX hoạt động trên 7 lĩnh vực, gồm: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện 10 HTX; nông nghiệp 148 HTX; thủy sản 11 HTX; quỹ tín dụng nhân dân 8 quỹ; thương mại - dịch vụ, kinh doanh tổng hợp 10 HTX; giao thông - vận tải 7 HTX; tài nguyên - môi trường 5 HTX. Tổng doanh thu ước đạt trên 194,3 tỷ đồng (tăng 3 tỷ đồng so năm 2023). Bình quân đạt 984 triệu đồng/HTX.
Ngoài ra, tổng số THT trên địa bàn tỉnh hiện có là 1.161 tổ, với 20.779 thành viên. Trong đó, có 895 tổ hợp tác thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo Nghị định 77 của Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Bến Tre không ngừng nỗ lực trong việc thúc đẩy kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Công tác phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh với các ngành và địa phương được quan tâm và tăng cường, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các HTX; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên…
Vì vậy, sự phát triển của các HTX đã góp phần tạo công ăn, việc làm cho thành viên và người dân, thu hút được đông đảo lực lượng lao động dôi dư trong khu vực nông thôn tham gia sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Đặc biệt, giúp giải quyết vấn đề an sinh, xã hội ở địa phương, tạo sinh kế ổn định để những hộ nghèo, cận nghèo, hộ thu nhập thấp có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hoàng Hà