Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận hiện có tổng đàn cừu lớn nhất nước với quy mô đàn 134.000 con vào năm 2019, được nuôi tập trung ở các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc.
Mục tiêu nâng đàn lên 190.000 con
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô đàn từ vài trăm đến cả nghìn con cừu. Cừu là động vật chịu được khí hậu khô nóng, dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cỏ và cây bụi, cỏ khô. Điều kiện khí hậu khô nóng cùng thổ nhưỡng đặc trưng ở Ninh Thuận đã giúp cho vật nuôi này phát triển thuận lợi. Đặc biệt, khu vực Ninh Thuận có các loại cây đặc trưng là nguồn thức ăn ưa thích của cừu như cây quýt rừng, cây duối, cây sống rắn giúp cho thịt cừu Ninh Thuận có hương vị và chất lượng đặc thù.
![]() |
Chăn nuôi cừu phát triển mạnh tại Ninh Thuận. |
Thịt cừu Ninh Thuận đang được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - VũngTàu, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định…
Thực tế chăn nuôi tại Ninh Thuận cho thấy, cừu nhân đàn nhanh, mức sinh sản 2 năm 3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 1-2 con. Sau thời gian nuôi từ 8-12 tháng, cừu đực đạt trọng lượng từ 35-40kg, cừu cái đạt trọng lượng từ 30-35kg sẽ xuất bán. Cừu hơi hiện có giá dao động từ 90.000-120.000 đồng/kg (tùy thuộc trọng lượng, cừu đực hay cái có mức giá khác nhau). Theo tính toán, sau thời gian nuôi 4-6 tháng, mỗi con cho lợi nhuận bình quân 1 triệu đồng.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu có xuất xứ từ Ninh Thuận. Đồng thời, sản phẩm thịt cừu được công nhận là một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận từ năm 2018.
Năm 2020, sản phẩm thịt cừu được đưa vào kế hoạch phải chuẩn hóa sản phẩm trong Chương trình OCOP của tỉnh Ninh thuận. Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp, năm 2020, tỉnh Ninh Thuận sẽ mở rộng quy mô đàn cừu lên 190.000 con.
“Hiện nay, ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường các hoạt động tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, cải tạo đàn gắn với quy hoạch vùng đồng cỏ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc thù, góp phần đưa thịt cừu của Ninh Thuận đến các vùng miền trên cả nước, tạo tiền đề xuất khẩu, tỉnh Ninh Thuận tăng cường quản lý về thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt cừu để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận chia sẻ.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm đặc thù, bán các sản phẩm chế biến từ thịt cừu; kết hợp phát triển các tour, tuyến du lịch tham quan và chụp ảnh cánh đồng cừu tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của người tiêu dùng.
Phát triển chuỗi giá trị thịt cừu
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi cừu bền vững, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đã có các sáng kiến để duy trì, phát triển chăn nuôi bằng việc liên kết sản xuất.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ thịt cừu.
Ưu điểm của chuỗi giá trị này là doanh nghiệp cung cấp dê, cừu giống, tạo điều kiện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tham gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, chuỗi giá trị gắn với giết mổ tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Triệu Tín; chuỗi giá trị của HTX Tân Hà được đánh giá là có tính bền vững nhất.
HTX Tân Hà ra đời từ tháng 8/2015 tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, chuyên kinh doanh các loại dịch vụ nông nghiệp: cung cấp con giống, thịt gia súc các loại: cừu, bò heo đen…
Ông Phạm Minh Quang - chủ trang trại, kiêm Giám đốc HTX cho biết: “Ngày trước, chúng tôi chăn thả là chủ yếu, các con cừu tận dụng cỏ, lá rừng, rơm rạ sau thu hoạch… Mấy năm gần đây, đồng cỏ càng ngày càng thu hẹp, việc chăn thả làm cho các bãi chăn ngày càng bị cạn kiệt, không đáp ứng đủ cho đàn cừu ngày càng tăng; chất lượng bãi chăn cũng giảm, do tận dụng quá nhiều mà không bồi dưỡng, thiếu mưa dẫn đến sa mạc hóa. Thức ăn cho cừu chỉ dựa vào nguồn tự nhiên nên năng suất, chất lượng đàn cừu cũng kém dần đi. Chính vì thế, các hộ trong HTX đã liên kết để cùng nhau hình thành nên mô hình chăn nuôi bán công nghiệp như ngày nay”.
Theo ông Quang, thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông tỉnh, HTX đã áp dụng vào sản xuất từ thiết kế chuồng trại, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn, phòng trị bệnh thường gặp trên dê, cừu. Để chủ động thức ăn vào mùa khô hạn, HTX đầu tư trồng cỏ với diện tích 1 ha có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, đáp ứng khoảng 0,7 tấn cỏ/ngày cho đàn cừu. Đồng thời, HTX bổ sung thức ăn tinh 0,3 kg/con/ngày.
Hiện nay, với quy mô 1.000 con cừu, trung bình mỗi năm HTX xuất chuồng 5 lứa cừu đực vỗ béo, mỗi lứa 100 con, 3 tháng/lứa, khối lượng xuất chuồng 30 kg/con, với giá bán 80.000 đồng/kg.
Không chỉ phát triển chăn nuôi nội bộ, HTX còn đầu tư cho một số hộ nhân nuôi cừu gia công, với quy mô khép kín từ cung cấp con giống, chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm với mức thu lãi của HTX chỉ 2%/đợt nuôi gia công nhằm tạo điều kiện cho những hộ không có vốn đầu tư ban đầu. HTX liên kết với doanh nghiệp giết mổ, thương lái thu mua nên đầu ra sản phẩm luôn ổn định.
Nhờ được Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở KH&CN cấp Giấy chứng nhận “Nhãn hiệu dê, cừu Ninh Thuận”, nên sản phẩm thịt cừu của các HTX, các cơ sở giết mổ chế biến và doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao. Hiện, bình quân mỗi tháng, toàn tỉnh cung cấp cho thị trường khoảng 1.300 con cừu có chứng nhận nhãn hiệu.
Chu Khôi