Đằng sau sự thành công đó là câu chuyện đầy tâm huyết của những HTX, nơi tập hợp trí tuệ và sức lao động của cộng đồng để kiến tạo nên những giá trị mới.
Khởi nghiệp từ sản vật địa phương
Hành trình đưa lạp sườn, thịt hun khói vươn tầm sản phẩm hàng hóa được minh chứng rõ nét qua câu chuyện của HTX Nhung Lũy (Bắc Kạn cũ). Ban đầu, HTX tập trung phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ nhưng gặp không ít khó khăn khi giá thịt lợn phụ thuộc nhiều vào thị trường, nhiều lúc bấp bênh.
Trăn trở tìm hướng đi cho riêng mình, các thành viên HTX nhận thấy vào dịp cuối năm, nhiều gia đình thường chế biến lạp sườn gác bếp, thịt gác bếp – món ăn truyền thống của người địa phương để làm quà biếu. Từ đó, ý tưởng đưa sản phẩm này trở thành hàng hóa cạnh tranh trên thị trường đã được hình thành.
Lạp sườn và thịt hun khói của HTX Nhung Lũy được chế biến theo công thức cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày, sử dụng 100% nguyên liệu của địa phương, cùng với những gia vị mang tính chất vùng miền đặc trưng.
Để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các thành viên trong HTX đã quyết định đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, làm hồ sơ công bố sản phẩm, gắn mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là phát triển kênh phân phối rộng khắp. Sản phẩm lạp sườn của HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, được đóng gói, hút chân không kỹ càng nên được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt.
![]() |
HTX Nhung Lũy đầu tư máy móc hiện đại để chế biến đặc sản địa phương. |
Không chỉ dừng lại ở đó, HTX Nhung Lũy còn mạnh dạn đưa các sản phẩm đặc sản như lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp tham gia đề án OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn 3 sao. Điều này khẳng định sự ghi nhận của ngành chức năng đối với những nỗ lực và thành quả của HTX.
HTX Nhung Lũy cũng có sự liên kết chặt chẽ với người nông dân và nhà phân phối, từ đó giải quyết được nhiều vấn đề về việc làm, tạo sinh kế cộng đồng bền vững.
Hiện nay, HTX đem lại thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã thành lập các tổ thành viên liên kết trồng nguyên liệu (bí xanh), thu hút gần 100 hộ tham gia, trong đó có nhiều hộ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số được tạo việc làm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập đáng kể.
Nâng tầm đặc sản địa phương
Không chỉ riêng HTX Nhung Lũy, nhiều HTX khác cũng đang tích cực phát triển nghề lạp sườn, thịt hun khói. HTX Dương Quang (ở thành phố Bắc Kạn cũ) là một trong những HTX nhiều năm sản xuất lạp sườn, thịt lợn, trâu, bò treo gác bếp được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, HTX chế biến và tiêu thụ hơn 9 tấn thành phẩm, góp phần ổn định hoạt động của HTX và nâng mức thu nhập đáng kể cho các thành viên.
Hiện nay, các sản phẩm của HTX đã đạt chuẩn OCOP, có địa chỉ cơ sở sản xuất, truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên người tiêu dùng yên tâm và dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu.
![]() |
Việc chế biến đảm bảo tiêu chuẩn giúp khẳng định giá trị của đặc sản. |
Trước đây, món thịt treo gác bếp, lạp sườn hun khói thường chỉ được sử dụng trong những ngày Tết hoặc các sự kiện quan trọng của gia đình, dòng họ. Nhưng ngày nay, với sự phát triển của xã hội, xu thế hội nhập và sự giao thoa văn hóa, cách chế biến và sản xuất các sản phẩm của HTX đã được áp dụng công nghệ máy móc hiện đại hơn.
Sản phẩm thịt của HTX Dương Quang sau khi sấy xong được đóng gói và hút chân không, có nhãn mác đầy đủ thông tin nguồn gốc xuất xứ nên khẳng định được thương hiệu với người tiêu dùng.
Thúc đẩy sinh kế và giảm nghèo
Theo cảm nhận của nhiều người tiêu dùng, thịt treo gác bếp, lạp sườn hun khói cả các HTX chứa đựng sự tinh tế, cầu kỳ, và hương vị khác biệt so với những vùng miền khác, góp phần tạo nên hương vị đặc trưng, đồng thời mang lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân vùng cao.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình tại Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì, Bạch Thông… (Bắc Kạn cũ) đã chuyển từ làm nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa với quy mô tổ nhóm, HTX.
Vào mỗi dịp lễ Tết, một số cơ sở làm nghề có thể bán hàng trăm kg sản phẩm, mang về doanh thu hàng chục triệu đồng. Một số hộ sản xuất quanh năm, nhờ đơn hàng từ các sàn thương mại điện tử, khách hàng tại các thành phố lớn.
Nghề làm lạp sườn, thịt hun khói giúp nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động địa phương, nhất là phụ nữ và người già.
Trước tiềm năng và thế mạnh của nghề truyền thống, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản vùng miền; Khuyến khích người dân, HTX đầu tư kho lạnh, máy hút chân không, máy sấy lạnh kết hợp hun khói truyền thống.
Đặc biệt, nhiều HTX được hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia các chương trình OCOP, hội chợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua internet, sàn thương mại điện tử.
Song song đó, việc kết hợp sản xuất với phát triển du lịch cộng đồng đang mở ra hướng đi mới. Khách tham quan có thể trực tiếp trải nghiệm quy trình làm thịt hun khói, lạp sườn, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm.
Rõ ràng, nghề làm lạp sườn, thịt hun khói không chỉ góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao mà còn trở thành hướng đi giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tiến tới giảm nghèo một cách bền vững.
Tùng Lâm