Bánh trứng kiến là một món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày ở Thái Nguyên. Trước đây, loại bánh này thường chỉ được dùng trong dịp lễ, Tết, hay những bữa cơm sum vầy của người dân.
Chuyển đổi trong sản xuất
Nguyên liệu chính để làm nên món bánh trứng kiến là trứng non của loài kiến đen rừng, trộn cùng bột nếp và lá cây vả, sau đó hấp chín. Không chỉ là món ăn ngon, bánh trứng kiến còn là biểu tượng của sự no đủ, sung túc và gắn kết cộng đồng.
Trong những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng kinh tế từ món ăn truyền thống này, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ phục vụ nhu cầu nội bộ mà còn hướng tới thị trường bên ngoài.
![]() |
Bánh trứng kiến là đặc sản của người Tày ở Thái Nguyên. |
Từ những gánh hàng rong nhỏ lẻ, bánh trứng kiến dần xuất hiện trên các kệ hàng đặc sản, thu hút sự chú ý của du khách và người tiêu dùng khắp nơi. Sự chuyển đổi này không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và quảng bá văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương.
Việc sản xuất bánh quy mô lớn, được đầu tư bài bản không chỉ giúp tiêu thụ sản vật địa phương mà còn tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Và từ đây, nghề truyền thống được hồi sinh và phát triển thành ngành hàng đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao.
Điển hình cho mô hình phát triển bền vững
Một trong những điển hình nổi bật trong việc đưa bánh trứng kiến vươn tầm sản phẩm hàng hóa chính là HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Dương Hồng (huyện Định Hóa cũ). Sự phát triển của HTX là minh chứng rõ nét cho thấy vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong việc phát triển nghề truyền thống theo hướng bền vững.
HTX Dương Hồng được thành lập từ năm 2017. Mục tiêu ban đầu là đưa những sản phẩm truyền thống, trong đó có bánh trứng kiến, ra thị trường rộng lớn hơn, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Hiện nay, HTX Dương Hồng có 7 thành viên, chủ yếu chuyên về chăn nuôi các loại vật nuôi như trâu, bò, dê và lợn rừng và trực tiếp sản xuất các món ăn thành phẩm. Điều đáng chú ý là tất cả nguồn nguyên liệu để chế biến các món ăn, bao gồm cả bánh trứng kiến, đều được lấy từ các nguyên liệu an toàn từ địa phương.
Trong đó, để làm bánh, HTX chỉ dùng trứng của loài kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn và thường làm tổ trên cây vầu, sau sau (hay những cây cao mọc trong rừng sâu). Trứng kiến ở những tổ này thường có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao. Điều này đảm bảo tuyệt đối về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, tạo dựng niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng.
Hiện nay, ngoài bánh trứng kiến, HTX còn chế biến và cung cấp ra thị trường nhiều đặc sản khác như thịt hun khói, khau nhục và bánh chưng xanh lá riềng để phục vụ bán quanh năm.
![]() |
Nghề làm bánh trứng kiến giúp người dân có thêm nguồn thu nhập. |
Song song với những sản phẩm khác, việc phát triển nghề làm bánh trứng kiến đã mang lại những lợi ích kinh tế rõ rệt cho các hộ gia đình khi tham gia HTX. Với gia đình Giám đốc Ma Viết Quang, vào mùa bánh trứng kiến, ngoài lao động của gia đình còn phải thuê thêm khoảng 8 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 200.000 – 250.000 đồng/người/ngày, để kịp sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường. Điều này không chỉ tạo thêm việc làm mà còn góp phần đáng kể vào việc cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con trong vùng.
Không chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống, HTX còn rất nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Các sản phẩm của gia đình được quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội, giúp tiếp cận được lượng lớn khách hàng từ khắp các tỉnh thành. Nhiều khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đã biết đến và thường xuyên đặt mua sỉ, lẻ với số lượng lớn, thậm chí có cả các cửa hàng thực phẩm sạch.
Hút khách du lịch, nâng giá trị kinh tế
Món bánh trứng kiến thu hút người dân thành phố, khách du lịch bởi lạ từ cái tên cho đến hương vị, khiến nhiều người muốn mua ăn thử. Bánh có thể đưa vào kênh bán hàng đặc sản online, chuỗi quà tặng ẩm thực nên tạo thuận lợi khi phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn.
Không chỉ là món ăn truyền thống trong các dịp lễ hội, nghề làm bánh trứng kiến giờ đây còn giúp nhiều hộ gia đình có thêm việc làm và thu nhập ổn định.
Theo các hộ dân ở xã Phú Đình và Trung Hội thuộc huyện Định Hóa cũ, cứ vào khoảng tháng 3 - 5 hàng năm, khi trứng kiến đen vào mùa, người dân lại bắt đầu thu gom nguyên liệu và vào vụ làm bánh. Một số tổ nhóm, tổ hợp tác cũng đã được thành lập, tận dụng nguyên liệu sẵn có tại rừng để chế biến bánh cung cấp cho khách du lịch cũng như thị trường đặc sản vùng miền.
Với giá bán trung bình từ 30.000 - 40.000 đồng/chiếc, một ngày, mỗi hộ có thể làm được 50 - 70 chiếc bánh, mang lại thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng. Những hộ làm quanh năm nhờ bảo quản trứng kiến đông lạnh có thể đạt thu nhập 10-15 triệu đồng mỗi tháng vào mùa cao điểm.
Ngoài làm bán tại chỗ, một số hộ dân, HTX đã bắt đầu đóng gói bánh đông lạnh để bán ra các tỉnh lân cận và Hà Nội. Thương lái và khách hàng đặt mua qua mạng ngày càng nhiều.
Chính quyền địa phương cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Liên minh HTX tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ bao bì, nhãn mác và xúc tiến đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, nhằm phát triển nghề làm bánh trứng kiến theo hướng bền vững, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương.
Sự phát triển của nghề làm bánh trứng kiến không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy du lịch địa phương. Bánh trứng kiến đã trở thành một món ăn đặc sản hấp dẫn du khách khi đến Thái Nguyên, đặc biệt là trong các dịp lễ hội.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân, đặc biệt là sự hỗ trợ và định hướng từ các mô hình HTX, nghề làm bánh trứng kiến ở Thái Nguyên đang thực sự có những bước phát triển tích cực.
Từ một món ăn truyền thống, bánh trứng kiến đã trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy giảm nghèo, cải thiện đời sống và đồng thời bảo tồn, quảng bá văn hóa ẩm thực đặc sắc của địa phương. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy, với cách làm bài bản, khoa học và sự đồng lòng của người dân, những giá trị truyền thống hoàn toàn có thể trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trí Chiến