Cùng với lồng ghép các nguồn vốn giúp đồng bộ hóa đầu tư hạ tầng cơ sở, huyện Nam Trà My đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức cho đồng bào vùng cao địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững.
Ổn định cuộc sống
Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, kết quả đem lại đã giúp huyện ngày một khởi sắc, nhất là trong việc mở rộng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân địa phương.
![]() |
Diện mạo nông thôn miền núi Nam Trà My từng bước thay đổi (Ảnh: TL) |
Hiện, địa phương đã huy động được hơn 1.214 tỷ đồng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Nhờ đó, nhiều công trình đường dân sinh, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc các xã, hệ thống kênh mương thủy lợi… ngày càng được xây dựng khang trang, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.
Bên cạnh ưu tiên chuyển đổi các giống cây trồng từ giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao như các loại cây dược liệu, quế Trà My…, huyện còn chú trọng mở rộng phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày phù hợp với điều kiện khí hậu của từng vùng nhằm mở hướng giảm nghèo cho đồng bào địa phương. Điển hình như mô hình trồng, chăm sóc và di thực giống sâm Ngọc Linh tại 7/10 xã; phát triển vườn dược liệu đảng sâm, quế Trà My cùng một số loại thảo dược có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, tại nhiều địa phương, các dịch vụ xã hội cơ bản cũng đang bắt đầu được hình thành, đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ đời sống sinh hoạt của đồng bào địa phương.
Mặc dù điểm xuất phát về kinh tế của Nam Trà My thấp, việc triển khai thực hiện đồng loạt các tiêu chí của NTM gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, huyện cũng đã nỗ lực huy động và lồng ghép các nguồn vốn để tập trung xây dựng NTM đạt hiệu quả.
Không những vậy, chính quyền địa phương còn nỗ lực trong việc tìm kiếm và đẩy mạnh giải pháp phù hợp trong công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: "Cùng với chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, huyện quyết tâm phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa, cũng như phát huy sức mạnh và sự vào cuộc của người dân, giúp rút ngắn dần tỷ lệ hộ nghèo, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống theo các tiêu chí của NTM”.
Theo kế hoạch, huyện phấn đấu đến năm 2025, ngoài xã Trà Mai và Trà Linh đạt chuẩn về NTM, các xã còn lại đạt trên 15 tiêu chí NTM.
Mô hình kinh tế hiệu quả
Bằng các mô hình kinh tế hiệu quả, sâm Ngọc Linh và một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao khác được xem là hướng đi phù hợp, khuyến khích người dân mở hướng thoát nghèo.
![]() |
Sâm Ngọc Linh và một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao khác được xem là hướng đi phù hợp ở Nam Trà My (Ảnh: TL) |
Tuy vậy, sản xuất cây dược liệu vẫn còn nhiều bất cập, manh mún, chưa được đầu tư canh tác tốt nên năng suất thấp, có nguy cơ làm suy giảm môi trường rừng và đất dốc; phần lớn các loại dược liệu được bán ở dạng thô và các sản phẩm chế biến giản đơn như ngâm rượu, cao chế biến thủ công, giá trị gia tăng thấp, khó mở rộng thị trường; giá bán còn cao, khó làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến.
Theo đó, ngày 28/12/2018, HTX Sâm Ngọc Linh được thành lập. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động được ký kết trong Chương trình hợp tác số 612/CTrHT-LMHTXVN-UBND ngày 15/6/2018 về việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ trồng, chế biến sâm Ngọc Linh và dược liệu giữa Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2025.
Sau 6 tháng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cách thức tổ chức hoạt động, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, HTX Sâm Ngọc Linh được thành lập có 9 thành viên là người dân tộc thiểu số với vốn điều lệ ban đầu là 45 triệu đồng.
HTX Sâm Ngọc Linh ra đời nhằm thực hiện tổ chức sản xuất sâm có quy mô, có định hướng phát triển, triển khai dịch vụ cung ứng giống nguyên chủng; phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn giống sâm giả, bảo tồn nguồn gen, giữ thương hiệu “Sâm Ngọc Linh”; làm đầu mối mua bán sâm, tránh bị thương nhân ép giá...
Thời gian đầu, các thành viên HTX đã phải đi vào rừng lấy sâm về trồng, mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần. Củ sâm được chặt khúc, ươm trồng dưới tán rừng nguyên sinh có đất mùn dày 40 cm. Tuy nhiên, cách làm này có tỷ lệ sống không cao.
Vừa trồng, vừa đúc rút kinh nghiệm và tìm hiểu nhiều cách nhân giống khác, HTX đã phải lấy cây con đem về trồng kết hợp lấy hạt về gieo, cuối cùng vườn sâm hình thành. Từ khi ươm hạt đến lúc đưa ra luống trồng phải mất khoảng 3 năm thì cây sâm mới bắt đầu cho quả.
Cây sâm Ngọc Linh càng để lâu năm, quả cho càng nhiều, giá trị dinh dưỡng càng cao. Bình quân 1 ha sâm Ngọc Linh trồng 5 năm sẽ thu lời khoảng 40 tỷ đồng.
Diện tích quy hoạch phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh của Quảng Nam là 15.000 ha đất rừng có đủ các yếu tố phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Mục tiêu đến năm 2020 diện tích bảo tồn nguồn giống và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt 665,4 ha. Đến năm 2025 trồng thêm 2.000 ha, những năm tiếp theo sẽ trồng hết diện tích quy hoạch.
Nhật Nam