Nằm ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Bình Phước, huyện Bù Đốp từng là "điểm nóng" về tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Điều đáng chú ý là sự vươn lên mạnh mẽ của các HTX trở thành "cánh tay nối dài" của chính quyền địa phương trong công cuộc giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Điểm tựa vững chắc
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong việc nâng cao đời sống người dân, Huyện ủy, UBND huyện Bù Đốp đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Từ việc tạo điều kiện về vốn, khoa học kỹ thuật đến hỗ trợ quảng bá sản phẩm, các HTX trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đức Hạnh (xã Thiện Hưng) là một minh chứng sinh động cho hiệu quả của mô hình HTX trong công tác giảm nghèo. Trước đây, người dân trong vùng chủ yếu canh tác nông nghiệp nhỏ lẻ, năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Từ khi HTX Đức Hạnh được thành lập, với sự tham gia của hàng chục hộ nông dân, cách thức sản xuất đã có những thay đổi căn bản.
![]() |
HTX gạo Sóc Nê là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả ở huyện Bù Đốp. |
Khi tham gia HTX, bà con được hỗ trợ về giống cây trồng, vật tư nông nghiệp chất lượng cao với giá cả hợp lý. Đặc biệt, HTX còn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác tiên tiến, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Quan trọng nhất là HTX đã tìm kiếm và ký kết được các hợp đồng tiêu thụ ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất, không còn lo lắng về đầu ra.
Nhờ sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ, các thành viên của HTX đã tăng đáng kể thu nhập. Nhiều hộ gia đình trước đây thuộc diện khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được các trang thiết bị phục vụ đời sống.
Không chỉ tập trung vào một số cây con đơn thuần, huyện Bù Đốp còn khuyến khích các HTX phát triển đối tượng cây trồng, vật nuôi, dịch vụ đa dạng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Các HTX như HTX gạo Sóc Nê, HTX cây ăn trái Bàu Nghé, HTX nông - lâm nghiệp bền vững Tân Thành, HTX vận tải Bù Đốp 2, HTX Cà phê nguyên chất Bù Đốp… đã và đang góp phần tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Anh Lê Văn Dũng, thành viên HTX gạo Sóc Nê cho biết: "Trước đây, người dân trồng lúa theo cách truyền thống, ít khi để ý đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Từ ngày HTX gạo Sóc Nê ra đời đã ký kết với người dân trồng lúa theo hướng hữu cơ và bao tiêu sản phẩm. Hiện, sản phẩm của HTX có nhiều khách hàng biết đến. Thu nhập của gia đình tôi đã ổn định hơn rất nhiều, con cái cũng có điều kiện học hành tốt hơn".
Nỗ lực trong giảm nghèo
Theo thống kê, đến năm 2024, huyện Bù Đốp có 25 HTX, tăng 11 HTX so với năm 2021. Tổng số thành viên HTX và người lao động thường xuyên trong các HTX là khoảng 1.000 người.
Nhìn vào những số liệu này cho thấy, mô hình kinh tế tập thể, HTX đang thu hút khá đông người dân trên địa bàn huyện tham gia và đang mang lại những lợi ích thiết thực. Thu nhập của lao động thường xuyên trong HTX ước tính khoảng 67-70 triệu đồng/năm. Đây tuy chưa phải là con số thu nhập cao nhưng cũng là động lực quan trọng để các thành viên, hộ gia đình ổn định cuộc sống.
Để có được điều này, huyện Bù Đốp chú trọng phát triển kinh tế tập thể, HTX và đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX huyện để hướng dẫn và hỗ trợ các HTX.
![]() |
Nhiều HTX ở Bù Đốp đã đầu tư sản xuất theo quy trình để nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Các HTX đang được hỗ trợ để hướng tới sản xuất nông sản sạch, đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Nhìn chung, tình hình hoạt động của các HTX tại huyện Bù Đốp đang có sự phát triển tích cực về số lượng và bước đầu cho thấy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, từ đó góp phần đáng kể vào quá trình giảm nghèo của địa phương.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2020 - 2023, huyện Bù Đốp đã giảm được 1.116 hộ nghèo. Năm 2024, huyện Bù Đốp duy trì mức giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 0,1 - 0,2%/năm và giảm 500 hộ nghèo. Tính đến đầu năm 2025, huyện Bù Đốp đã giảm được thêm 104 hộ nghèo, đạt 126,8% kế hoạch và giảm 192 hộ cận nghèo. Hiện tại, toàn huyện còn 86 hộ nghèo và 209 hộ cận nghèo.
Hướng đến giảm nghèo bền vững
Bên cạnh vai trò "xương sống" của các HTX, công tác giảm nghèo ở Bù Đốp còn được thực hiện thông qua nhiều chương trình, dự án khác nhau. Huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển kinh tế. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được đẩy mạnh, giúp người lao động có kỹ năng, tay nghề để tìm kiếm những công việc ổn định.
Chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và cận nghèo như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở. Các chương trình an sinh xã hội được triển khai hiệu quả, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt trong thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX đến các thành viên và người dân trên địa bàn huyện Bù Đốp; vận động thành lập mới các HTX ở những lĩnh vực tiềm năng của huyện.
Liên minh HTX tỉnh cũng tư vấn, hỗ trợ các HTX xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh, quản lý và điều hành HTX hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức khác.
Đại diện UBND huyện Bù Đốp nhấn mạnh: "Giảm nghèo là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Huyện Bù Đốp xác định phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX, là một trong những giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển, đồng thời triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách hỗ trợ khác, quyết tâm đưa Bù Đốp trở thành một huyện giàu mạnh, văn minh."
Đóng góp của các HTX trong huyện Bù Đốp không chỉ là bài học kinh nghiệm quý giá mà còn là nguồn động lực to lớn cho các địa phương khác trong hành trình xây dựng một xã hội ấm no, hạnh phúc.
Trí Chiến