Phố Chùa Hà - một trong những điểm mua bán xe máy cũ lớn tại Hà Nội đang ghi nhận sự chững lại về lượng khách giao dịch sau khi thành phố công bố lộ trình cấm xe máy sử dụng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1 từ tháng 7/2026. Thị trường bắt đầu xuất hiện các điều chỉnh về hành vi tiêu dùng, kế hoạch kinh doanh và xu hướng chuyển dịch sang phương tiện thân thiện môi trường. Những biến động ban đầu đang đặt ra yêu cầu thích ứng linh hoạt cho cả người dân lẫn tiểu thương.
Chợ xe hạ nhiệt
Là một trong những trung tâm mua bán xe máy cũ sôi động nhất thủ đô, chợ xe Chùa Hà vốn có lưu lượng giao dịch hàng trăm xe mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về việc thí điểm cấm xe máy xăng trong khu vực Vành đai 1 từ 1/7/2026, thị trường tại đây bắt đầu có dấu hiệu chững lại rõ rệt.
Ghi nhận của phóng viên Vnbusiness tại chợ xe máy cũ lớn nhất Hà Nội cho thấy, bầu không khí mua bán nơi đây đã không còn sôi động như trước, tình trạng ki-ốt vắng khách, hàng hoá tồn kho diễn ra phổ biến, điều này phần nào hình thành tâm lý lo lắng trong cộng đồng tiểu thương - những người phụ thuộc vào ngành kinh doanh xe máy cũ để mưu sinh.
Anh N.T.B - chủ cửa hàng xe máy cũ tại Phố Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trước thông tin sắp cấm xe xăng vào vành đai 1, thị trường bán xe máy xăng có phần bị chững lại, bình thường một ngày tôi bán được khoảng 3 - 5 chiếc xe, giờ lác đác khách hỏi, nhiều hôm ngồi cả ngày mà không ai lui tới”.
![]() |
Cả khu chợ xe đều vắng bóng khách hàng. |
“Không chỉ ở phía người bán, người mua cũng tỏ ra thận trọng hơn trước các quyết định đầu tư cho phương tiện cá nhân, nhất là những người sinh sống hoặc làm việc thường xuyên trong khu vực nội đô, nhiều người chọn phương án trì hoãn mua xe hoặc chuyển sang tìm hiểu các phương tiện điện thay thế”, anh B bày tỏ.
Ông Nguyễn Thế Vinh - người dân sống gần chợ xe cũ Chùa Hà cho biết, dù sự thay đổi này có tác động trước mắt đến thị trường xe máy xăng, nhưng đây chính là bước đi cần thiết trong lộ trình phát triển giao thông bền vững và cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn. Bởi hiện nay Hà Nội đang chịu áp lực ô nhiễm ngày càng gia tăng.
“Nói chung là ai thì cũng ủng hộ bảo vệ môi trường vì đó là sức khỏe của người dân. Nếu mỗi nước đều thực hiện tốt thì toàn cầu sẽ tốt. Tuy nhiên nên từ từ để người dân bước từng bước một, nếu như quá gấp thì thực hiện sẽ rất khó”, ông Vinh chia sẻ.
Tín hiệu từ thị trường và bài toán lợi ích
Về mặt kinh tế, thị trường xe máy cũ đang phản ứng theo quy luật cung - cầu trước một chính sách mới có ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm cốt lõi. Việc giao dịch giảm không phản ánh sự sụp đổ mà là tín hiệu điều chỉnh tự nhiên, khi người tiêu dùng bước vào giai đoạn “thăm dò”, chờ đợi thông tin cụ thể và các chính sách hỗ trợ.
Trong ngắn hạn, điều này sẽ tạo áp lực cho các hộ kinh doanh xe cũ. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu các doanh nghiệp và tiểu thương có thể thích ứng, chẳng hạn như chuyển hướng phân phối xe điện, cung cấp dịch vụ sửa chữa… thì đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc mô hình kinh doanh phù hợp với xu hướng mới.
Các chuyên gia về kinh tế thị trường nhận định, từ góc nhìn chính sách, điều quan trọng là đảm bảo quá trình chuyển đổi không gây đứt gãy sinh kế, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động phi chính thức. Việc phát triển hạ tầng giao thông xanh, mở rộng trạm sạc, hỗ trợ tài chính cho người đổi xe đều là những giải pháp thiết thực.
Theo báo cáo của các hãng xe điện, nhu cầu tìm kiếm xe hai bánh chạy điện đã bắt đầu tăng trong quý II/2025. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là tâm lý chờ đợi từ người tiêu dùng và sự phân mảnh trong hệ sinh thái hậu mãi như sửa chữa, thay pin, sạc điện.
Việc thay đổi một xu hướng kinh doanh tác động đến thị trường là tất yếu, nhưng nếu đi kèm hỗ trợ đủ mạnh, đây sẽ là thời điểm “lọc nhiễu”, giúp thị trường định hình lại theo hướng xanh hóa và bền vững hơn
Việc Hà Nội từng bước thực hiện cấm xe máy xăng trong khu vực trung tâm là một phần của chiến lược chuyển đổi năng lượng và cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, để chủ trương này đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội trọn vẹn, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách, hạ tầng, doanh nghiệp và người dân.
Thị trường xe máy cũ tại Chùa Hà đang phản ánh trung thực giai đoạn đầu của một quá trình thích nghi lớn. Nếu được hỗ trợ đúng hướng, không loại trừ khả năng khu vực này sẽ tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm phân phối phương tiện dân sinh, nhưng sẽ trong một hình hài mới, bền vững hơn.
Tiến Anh