Tận dụng lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây dược liệu, huyện Tu Mơ Rông tập trung phát triển các loại cây trồng như sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử, đương quy... Với các nguồn lực từ nhà nước và các chương trình tín dụng ưu đãi, chỉ trong 3 năm, huyện đã xây dựng được 83 mô hình phát triển kinh tế, tiêu biểu là các mô hình “Trồng cà phê vối”, “Trồng cao su”, “Trồng sâm Ngọc Linh”...
Vững bước thoát nghèo từ tiềm năng bản địa
HTX Dược liệu – Du lịch Ngọc Linh H80 (xã Măng Ri) được thành lập vào tháng 9/2022 với 210 thành viên, vốn điều lệ hơn 770 triệu đồng. Hiểu rõ giá trị sinh kế mà rừng mang lại, từ khi đi vào hoạt động, HTX triển khai đồng bộ các dịch vụ: trồng sâm dây, tiêu thụ sản phẩm dược liệu (sâm dây, sơn tra, mật ong, ngũ vị tử…), tổ chức tham quan vườn sâm và trải nghiệm du lịch cộng đồng. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và trên 50 lao động thời vụ.
Điểm đặc biệt của mô hình này là sự chia sẻ lợi ích hài hòa. Thành viên được HTX thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Khi dẫn đoàn tham quan vườn sâm, toàn bộ thu nhập từ dịch vụ đều để lại cho người phục vụ – chính là các thành viên HTX. Nhờ đó, người dân gắn bó hơn với HTX, tích cực bảo vệ rừng để duy trì môi trường sống cho cây dược liệu phát triển.
Chị Nguyễn Thị Anh Nữ – Phó Giám đốc HTX – chia sẻ: “Ở Măng Ri, người dân hiểu rằng giữ rừng là giữ lấy sinh kế lâu dài. Trồng cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp bà con có thu nhập ổn định quanh năm.”
Không dừng lại ở sản xuất, HTX còn là cầu nối quan trọng trong việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong vùng, đặc biệt là với cây sâm Ngọc Linh – loại dược liệu quý mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, HTX đang liên kết với hàng chục hộ dân tại Măng Ri để mở rộng diện tích trồng sâm.
Nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách tín dụng ưu đãi và hướng dẫn kỹ thuật của chính quyền địa phương, HTX, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn trồng dược liệu và thoát nghèo. Những căn nhà kiên cố thay thế nhà tạm, cuộc sống ổn định hơn nhờ biết khai thác “vàng xanh” từ rừng một cách bền vững.
Không riêng Măng Ri, xã Ngọc Lây cũng đang nổi lên với mô hình trồng dược liệu, tiêu biểu như HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông, thành lập từ năm 2018. Từ vài chục hộ liên kết ban đầu, đến nay HTX đã phát triển “mạng lưới đối tác” chặt chẽ với người dân địa phương trong trồng cà phê, sâm dây, đương quy, lan kim tuyến, đan sâm… HTX hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và thu mua sản phẩm đầu ra với giá cạnh tranh.
![]() |
Người dân phát triển diện tích sâm dây. |
Anh Mai Văn Đặng – Giám đốc HTX – cho biết: “HTX cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân nếu đạt chất lượng. Chúng tôi ưu tiên tạo việc làm và chuyển giao kỹ thuật để người dân chủ động sản xuất, không phụ thuộc vào thương lái”.
Từ mô hình cà phê đầu tiên, HTX đã phát triển hơn 40 sản phẩm, trong đó có cà phê rang xay đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Không chỉ hỗ trợ bà con về vật chất, HTX còn đào tạo nghề cho thanh niên, tạo cơ hội cho cả người trẻ lẫn nông dân lớn tuổi kiếm thêm thu nhập, giúp nhiều hộ dân có sinh kế bền vững, thoát nghèo. Ví dụ như A Ngọc Ka - một sinh viên mới ra trường, hiện làm việc tại HTX được đào tạo kỹ năng chăm sóc, ươm giống dược liệu. Hay vợ chồng anh A Phước (49 tuổi) ở thôn Đăk Kinh 1 tranh thủ thời gian nông nhàn làm việc tại HTX, mỗi tháng có thể tích góp trên 7 triệu đồng.
Anh A Thuấn (thôn Đăk Kinh 2) không trực tiếp làm tại HTX, nhưng nhờ liên kết trồng 1 sào đương quy và bán lại cho HTX, gia đình anh đã thu về gần 25 triệu đồng sau một vụ. Anh cho biết cây trồng đang phát triển tốt và gia đình đã bắt đầu vụ mới với niềm tin vào đầu ra ổn định.
OCOP – Bệ phóng cho sản phẩm địa phương
Những năm qua, chính quyền địa phương cùng người dân, doanh nghiệp, các HTX đã nỗ lực khai thác thế mạnh này để chế biến ra các sản phẩm đặc trưng, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm và giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Tận dụng lợi thế từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Tu Mơ Rông khuyến khích các cá nhân, tổ chức đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng sản phẩm mang tính đặc thù địa phương, từ đó chuyển dịch sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Chính quyền cũng tích cực tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Riêng năm 2024, huyện tiếp nhận 17 sản phẩm OCOP từ 3 chủ thể sản xuất, thuộc các nhóm đồ uống, thực phẩm và dược liệu. Kết quả, có 9 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm tiềm năng đạt 4 sao. Tính đến tháng 2/2025, Tu Mơ Rông có 30 sản phẩm OCOP còn thời hạn công nhận, trong đó có 23 sản phẩm đạt 3 sao và 7 sản phẩm 4 sao. Đáng chú ý, phần lớn các sản phẩm đều sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
![]() |
Các xã trong huyện đều chú trọng phát triển sản phẩm OCOP. |
Một trong những đơn vị tiêu biểu là HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (xã Đăk Rơ Ông) – đơn vị có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất huyện. Chị Cù Thị Hồng Nhung – Giám đốc HTX – cho biết: “Từ tiềm năng sẵn có về dược liệu, HTX đầu tư nhà máy chế biến, tập trung vào sản phẩm đặc trưng để tạo đầu ra ổn định, nâng thu nhập cho người dân và gia tăng giá trị tài nguyên bản địa”.
Sản phẩm đầu tay của HTX – trà nấm Hồng chi – đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2020. Sau đó, HTX tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm như trà khổ qua, mứt sâm dây Ngọc Linh, rượu nho rừng, rượu sơn tra, đều được công nhận đạt hạng OCOP 3 sao. Đến nay, HTX đã có 9 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 đến 4 sao, trở thành điểm sáng trong phát triển sản phẩm địa phương gắn với chế biến sâu.
Phát triển sản phẩm OCOP từ dược liệu không chỉ là hướng đi phù hợp với lợi thế địa phương, mà còn là giải pháp căn cơ để xây dựng sinh kế bền vững, bảo tồn tri thức bản địa và đưa sản vật của núi rừng Tu Mơ Rông đến với người tiêu dùng cả nước.
Thành quả 20 năm xây dựng phát triển
Gần 20 năm kể từ ngày thành lập, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã có những chuyển biến rõ nét về kinh tế - xã hội, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định và phát triển. Những ngày đầu thành lập, hạ tầng còn thiếu thốn, kinh tế nhỏ lẻ, người dân chưa quen với sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân, diện mạo huyện đã thay đổi đáng kể, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
Tu Mơ Rông hiện có hơn 53.700ha rừng tự nhiên, độ che phủ đạt trên 67%. Huyện đã khai thác tiềm năng này để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, tiêu biểu là sâm Ngọc Linh với hơn 3.375ha, vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2020–2025. Ngoài ra, huyện còn trồng hơn 3.600ha cây hàng năm và hơn 3.100ha cây lâu năm, chủ lực là cà phê.
![]() |
Cán bộ huyện bám cơ sở, trao đổi hướng dẫn người dân cách trồng trọt, chăn nuôi. |
Kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện: hơn 72% xã có đường ô tô đi được hai mùa, 100% hộ dân có điện lưới quốc gia, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt cơ bản đáp ứng nhu cầu. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm, thu ngân sách hơn 64 tỷ đồng, tỷ lệ giảm nghèo bình quân 10,24%/năm.
Giáo dục - đào tạo được chú trọng với 23 trường học, huy động trên 98% học sinh đến trường. Huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học mức độ 3, THCS mức độ 1 và xóa mù chữ mức độ 2. Dự kiến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, tạo việc làm mới cho hơn 350 người…
Thời gian tới, Tu Mơ Rông tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng vùng trồng dược liệu như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; tăng cường xã hội hóa giáo dục, đào tạo nghề, khôi phục làng nghề truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với du lịch sinh thái. Những nỗ lực này sẽ là đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thanh Vân