Vinh Xuân vốn nổi tiếng là vựa ớt, cũng là địa phương duy nhất có nghề chế biến nước ớt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nước ớt đã trở thành đặc sản của địa phương, nhưng do sản xuất manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao, thị trường chưa rộng mở, người dân cũng chưa thể làm giàu bằng nghề này. Nhờ những hướng đi sáng tạo, nhạy bén, phù hợp với nền kinh tế thị trường, HTX Nông nghiệp Vinh Xuân đã mở ra cơ hội phát triển cho nghề trồng và ép nước ớt ở xã vùng cát này.
Bảo đảm uy tín và ATLĐ
Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, bảo đảm uy tín trên thị trường, an toàn lao động (ATLĐ) cho thành viên cũng như người tiêu dùng, HTX hướng dẫn người dân các biện pháp, quy trình kỹ thuật trồng ớt an toàn. Trong quá trình sản xuất, người dân sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, phân chuồng thay thế thuốc trừ sâu, thuốc kích thích vừa bảo đảm ATLĐ, vừa thân thiện với môi trường. Về lâu dài sẽ nghiên cứu, dùng nước ớt, hoặc tỏi để chế biến thuốc trừ sâu, tuyệt đối không sử dụng chất hóa học.
Nguồn nước tưới được kiểm soát bảo đảm vệ sinh an toàn. Cùng với đó, HTX tham mưu cùng chính quyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích thấp trũng, sản xuất một số cây trồng không hiệu quả chuyển sang trồng ớt để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất. Từ 15 ha ớt ban đầu trên địa bàn xã, đến nay, HTX đã mở rộng lên 60 ha.
Vụ ớt chính ở xã Vinh Xuân thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, còn trái vụ là vào khoảng tháng 7 đến tháng 11. Cây ớt được coi là cây dễ trồng ở vùng đất cát Vinh Xuân, vì không phải chăm sóc nhiều công, ít sâu bệnh mà cho sản lượng thu hoạch thường xuyên nên nhà nhà đều trồng cây ớt xen canh cùng các loại cây khác để tăng thu nhập.
Năm 2016, HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất nước ớt với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng, công suất chế biến mỗi ngày khoảng 2 tấn ớt tươi. HTX đứng ra bao tiêu toàn bộ ớt của người dân trên và ngoài địa bàn xã để làm nguyên liệu phục vụ chế biến.
Để nước ớt bảo đảm chất lượng, HTX tuân thủ quy trình sản xuất bảo đảm ATLĐ, tổ chức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, áp dụng quy phạm sản xuất tốt và quy phạm vệ sinh để bảo đảm môi trường sản xuất.
![]() |
HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm ớt cho người dân |
Thu 15 tỷ đồng/vụ
Ớt sau khi mua về đều được phân loại, làm sạch tạp chất và đưa vào máy nghiền nguyên liệu. Quá trình chế biến được HTX bổ sung các chất phụ gia theo tiêu chuẩn cho phép như: Tỏi, muối, đường, gia vị… Sau khi hoàn thiện, nước ớt được đóng chai, bảo quản sản phẩm rồi mới đưa ra thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm nước ớt của HTX ra đời trong điều kiện thị trường có không ít sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, với quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh thực phẩm từ khi trồng nguyên liệu đến sản xuất, vận chuyển, cùng với đó là nét riêng trong khâu chế biến nên sản phẩm của HTX không chỉ thu hút khách du lịch mà còn thuyết phục được không ít đơn vị đặt hàng. Ngoài tiêu thụ trong nước, HTX đang hướng đến một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á thông qua các buổi hội thảo trong và ngoài nước.
Ông Đỗ Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc HTX, cho biết mỗi sào ớt có giá trị kinh tế tương đương một mẫu lúa. Mỗi hộ trồng chừng 3 sào có thể thu về 40 - 50 triệu đồng/vụ. Toàn xã Vinh Xuân có khoảng 50 ha ớt, mỗi vụ thu được 15 tỷ đồng.
HTX ra đời đã mở ra cơ hội để tăng diện tích trồng ớt, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Mỗi cân ớt tươi bình thường có giá chỉ 5 - 7 ngàn đồng, nhưng sau khi ép, chế biến được 1 lít có giá 20 ngàn đồng trở lên.
Ngoài trồng, chế biến và kinh doanh nước ớt, HTX còn nhận khoán trồng rừng phòng hộ ven biển với diện tích 10 ha và trồng rừng sản xuất 15 ha. Ngoài ra, HTX còn trồng thêm dưa lê, chăn nuôi lợn rừng để quay vòng kinh tế. Việc này không chỉ tạo thêm việc làm cho thành viên và người dân mà còn giúp bảo vệ môi trường thiên nhiên, hạn chế thiên tai cũng như chất thải trong sản xuất.
Hoàng Lê