Thực tế, nhờ trồng và thu hái hoa thiên lý, các hộ dân tại các xã Đại Huệ, Kim Bảng... (tỉnh Nghệ An) đã có thu nhập cao gấp 2-3 lần so với những cây truyền thống, góp phần xoá đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hái hoa thu tiền triệu mỗi ngày
Để kịp thu hái và cung ứng cho thương lái, chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Đại Huệ, thành viên HTX Nam Xuân Xanh cho biết, sáng nào chị và chồng cũng dậy làm việc từ khi trời chưa sáng.
“Năm nay, dù giá hoa thiên lý có giảm chút ít so với năm ngoái, hiện đang ở mức 25 nghìn đồng/kg nhưng trung bình mỗi ngày gia đình tôi thu hoạch trên diện tích 4 sào cũng được khoảng 100 kg, bán được 2,5 triệu đồng”, chị Thủy chia sẻ.
Cũng theo chị Thủy, số hoa thiên lý của gia đình sau thu hái đều được HTX thu mua, sau đó chuyển ra các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... tiêu thụ, có bao nhiêu thì thương lái mua hết nên người trồng hoa thiên lý rất yên tâm và phấn khởi.
![]() |
Trồng và thu hái hoa thiên lý, người dân phấn khởi thu tiền triệu mỗi ngày. |
Không riêng gia đình chị Thủy, ở xã Đại Huệ giờ đây đã có hàng trăm hộ dân chuyển đổi từ cây lúa, cây rau màu kém hiệu quả sang trồng hoa thiên lý.
Bà Nguyễn Thị Hồng, một người dân khác tại xã Đại Huệ cho biết, nhờ học hỏi kinh nghiệm từ bà con xã bên, bà cũng chuyển đổi cây trồng với hoa thiên lý và đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập cao.
“Trồng hoa thiên lý khá dễ, không tốn công, không cần thuốc. Công việc nhẹ nhàng, người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia. Có ngày tôi hái được 60 - 70 kg, ngày nào cũng thu bạc triệu. Chỉ vất vả là phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng để kịp hái hoa lúc còn tươi” – bà Hồng chia sẻ.
Nếu như các hộ gia đình có công trồng và thu hái, thì HTX Nam Xuân Xanh lại giúp bà con bao tiêu nông sản với giá cả ổn định.
Từ nhiều năm nay, HTX đã đăng ký thành viên chuỗi bao tiêu sản phẩm của Liên minh HTX tỉnh với 2 sản phẩm chủ lực là hoa thiên lý và bí xanh. Cùng với đó, HTX đang đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới phun mưa để đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Hồ Tiến, Chủ tịch UBND xã Đại Huệ cho biết, trên địa bàn xã ban đầu chỉ có vài hộ trồng hoa thiên lý thử nghiệm. Sau khi thấy hiệu quả, mô hình nhanh chóng phát triển rộng ra toàn xã. Nhờ được bao tiêu sản phẩm nên bà con phấn khởi, yên tâm sản xuất.
Từng bước mở rộng diện tích thay thế cây trồng cũ
Có thể thấy, nhờ mang lại giá trị kinh tế cao, mô hình trồng hoa thiên lý được mở rộng tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm gần đây.
Ngoài xã Đại Huệ, từ lâu tại xã Kim Bảng, những cánh đồng hoang hóa, cỏ dại và cây bụi trên đất cằn đã được thay thế bởi những trang trại trù phú là bưởi da xanh và quýt ngọt và những vườn thiên lý cho thu nhập cao.
![]() |
Thay thế cây trồng năng suất thấp trên đất cằn, vườn thiên lý cho thu nhập ổn định, cao gấp 2 - 3 lần. |
Là một trong những hộ nhân giống và trồng cây thiên lý đầu tiên của xã, đến nay, gia đình anh Hoàng Văn Quang (xã Kim Bảng) đã có gần 3.000 m2 trồng cây thiên lý cho thu nhập ổn định. Theo anh Quang, trồng hoa thiên lý không tốn chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu hóa học nhưng đòi hỏi tính kiên trì vì thời gian trồng kéo dài. Với đặc tính là loại cây leo giàn, không tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có thể thu hoạch được nhiều lứa, ít sâu bệnh nên đây là loại rau cho năng suất cao. Hơn nữa, hoa thiên lý là loại rau sạch, chất lượng được thị trường rất ưa chuộng, dễ thu hái, vận chuyển cho giá trị kinh tế cao.
Nhờ đầu tư chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên toàn bộ diện tích hoa thiên lý của gia đình anh Quang luôn phát triển tốt. Hoa thiên lý thường thu hoạch trong vòng 4 tháng, vào mùa thu hoạch, bình quân mỗi sào gia đình anh thu hái khoảng 1 tấn hoa cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng.
Nhận thấy được năng suất và giá trị kinh tế từ cây hoa thiên lý, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Kim Bảng đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, chuyển đổi các loại cây kém năng suất trước đây sang trồng cây hoa thiên lý. Đến nay, toàn xã Kim Bảng có khoảng 50 hộ trồng cây hoa thiên lý, tập trung chủ yếu ở hai xóm Long Sơn và Long Tiến cho năng suất khoảng 20 tấn/ha, mỗi hộ bình quân đạt thu nhập 25-30 triệu đồng/sào, nhờ vậy nhiều gia đình đã có kinh tế khá giả, ổn định cuộc sống.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Chương cũ từng khẳng định: "Có nhiều cách để làm giàu, với gia đình anh Quang thì việc đưa cây hoa thiên lý vào trồng trên vùng đất đồi là một hướng đi mạnh dạn và rất hiệu quả. Trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo, nhưng nhờ đưa cây hoa lý vào trồng nên hiện kinh tế gia đình khá giả, gia đình đã thoát nghèo và mua sắm được nhiều vật dụng tiện nghi đắt tiền, xây được nhà cao cửa rộng. Đây là mô hình đáng để nhân rộng".
Tích cực phát huy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Đánh giá về các mô hình chuyển đổi sinh kế tại địa phương, đại diện xã Kim Bảng cho biết: Được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành và Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, thời gian qua trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp người dân làm giàu, nâng cao mức sống, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
![]() |
Nhờ chuyển đổi trồng hoa thiên lý, nhiều người dân tại Nghệ An đã thoát nghèo, nâng cao mức sống, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
Vị đại diện xã đồng thời khẳng định, địa phương có nhiều gia đình trồng hoa thiên lý mỗi ngày thu được 1,5– 2 triệu đồng, đây là con số đáng mơ ước của nông dân. Một số bà con nông dân vẫn gọi vui đây là cây hái ra “vàng” vì giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, cũng tại địa phương, nhiều mô hình nông nghiệp cho thấy có sự triển vọng như: Mô hình cây quýt ngọt, bưởi da xanh, gia trại chăn nuôi gà; chuyển diện tích đất trũng sang kết hợp cá lúa; chuyển đổi diện tích lạc xuân sớm để làm hàng hóa… đang là hướng đi đúng để phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống cho người dân.
Trong thời gian tới, cấp ủy và chính quyền xã xác định tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương, lấy thu nhập của người dân là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã. Trong đó, trọng tâm vẫn là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng cường phát triển các ngành thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, phong tục, tập quán của địa phương. Từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng địa phương; từng bước xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại về giống cây, vật nuôi do thiên tai, dịch bệnh xảy ra...
Hồng Hương