Trên địa bàn xã Tà Rụt (cũ) có Tổ hợp tác trồng chuối lùn bản địa thôn A Đăng được xem là điển hình trong việc mở ra hướng làm giàu cho chị em phụ nữ tại địa phương. Tổ hợp tác hiện có hơn 20 thành viên (trong đó có chị em dân tộc Pa Kô) với diện tích canh tác trồng chuối lùn hơn 18ha và đang cố gắng mở rộng diện tích có thể đạt 40ha trong thời gian tới.
Tổ hợp tác chuối lùn giúp người dân tăng thu nhập
Nhờ sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương và các dự án, chị em trong Tổ hợp tác đã được tập huấn kỹ thuật mới về trồng, chăm sóc và đặc biệt là thụ phấn cho chuối. Nhờ vậy, năng suất tăng vượt trội, từ những buồng chuối nhỏ trước kia, giờ đây đã đạt trung bình 15kg/buồng, có buồng lên tới 30-35kg. Việc áp dụng kỹ thuật mới mang lại năng suất cao, cải thiện đáng kể thu nhập cho chị em tham gia Tổ hợp tác.
![]() |
Tổ hợp tác trồng chuối lùn bản địa thôn A Đăng giúp chị em dân tộc thiểu số ở Tà Rụt tăng thu nhập. |
Như chia sẻ của thành viên Tổ hợp tác, chỉ sau 1 năm trồng và chăm sóc, cây chuối lùn sẽ cho thu hoạch. Mỗi gốc chuối có thời gian thu hoạch từ 3-5 năm với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 50-80 triệu đồng/ha. Lúc cây cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại khoảng 70 triệu đồng/ha/năm. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với người dân ở Tà Rụt.
Sản phẩm chuối tươi của tổ hợp tác này đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và đạt chứng nhận OCOP 3 sao, khẳng định chất lượng và uy tín trên thị trường. Bên cạnh sản phẩm chuối tươi, các thành viên Tổ hợp tác còn chủ động khai thác và kinh doanh thêm các nông sản sẵn có tại địa phương như cà, củ kiệu, ngô, sắn, chuối voi,... mở rộng, đa dạng nguồn thu nhập.
Các chị em trong Tổ hợp tác cũng quen dần thao tác thành thạo thông qua các lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm…, nhất là các hình thức bán hàng online, livestream.
Chị Hồ Thị Hằng, người dân tộc Pa Kô, cho biết Tổ hợp tác đang cố gắng để đưa cây trồng này trở thành loại cây sản xuất hàng hóa phục vụ thêm nhiều khách hàng, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Ngoài ra, theo chị Hằng, Tổ hợp tác sẽ đẩy mạnh việc liên hệ, kết nối thị trường cho các sản phẩm như mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương, kết nối với các siêu thị, kết nối các cửa hàng nông sản sạch để giới thiệu các đặc sản, sản phẩm chất lượng của Tà Rụt.
Nét mới trong phát triển kinh tế
Có thể nói tính hiệu quả của mô hình Tổ hợp tác trồng chuối lùn bản địa thôn A Đăng rất cần được nhân rộng và có thể phát triển thành HTX để thành chuỗi liên kết chặt chẽ giúp cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tà Rụt thoát nghèo và hướng tới làm giàu. Đây là điều mà Liên minh HTX Việt Nam luôn khuyến khích và thời gian qua cùng với Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị triển khai những việc làm cụ thể để nâng tầm kinh tế hợp tác tại vùng cao này.
![]() |
Thay đổi tập quán canh tác giúp người dân Tà Rụt thoát nghèo. |
Đơn cử như tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép tuyên truyền để người dân Tà Rụt phát huy vai trò chủ thể, cùng tham gia vào tổ hợp tác, HTX để từ đó thay đổi tư duy sản xuất, nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Cùng với đó là việc hỗ trợ cho bà con địa phương ứng dụng kỹ thuật trong canh tác cây trồng và chăn nuôi theo phương pháp mới, nhằm tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường nông thôn vừa nâng cao được thu nhập.
Ngoài ra, nét mới trong phát triển kinh tế ở địa bàn xã Tà Rụt (cũ) là bà con địa phương đã mạnh dạn “hồi sinh” những giống cây trồng bản địa từng bị mai một nhưng nay nhu cầu thị trường đã quay trở lại, với hy vọng vào một sự đổi thay trong đời sống kinh tế.
Chẳng hạn như ở địa bàn này hiện có 15 hộ dân trồng cây bồ kết (là cây trồng bản địa dưới chân dãy Trường Sơn) với tổng diện tích khoảng 10 ha. Trước khi nhận cây bồ kết về trồng, các hộ dân đều được một đơn vị tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cây giống trả chậm. Đến nay, cây bồ kết phát triển tươi tốt.
Ông Hồ Văn Chinh - một người dân tộc Pa Kô tại địa phương, cho biết gia đình ông hiện cũng trồng 1 ha cây bồ kết. Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật chăm bón nên toàn bộ diện tích đang cho thấy tín hiệu tốt. Chỉ 4-5 năm nữa thôi, những đồi bồ kết không những đem lại môi trường trong lành mà còn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Còn ở địa bàn xã A Vao (cũ), với 98% dân cư là người Pa Kô, trước đây người dân địa phương chưa có mô hình xây dựng phát triển kinh tế nhưng bây giờ đang dần có sự thay đổi tích cực. Như ở thôn Pa Lin, nơi có 99% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, đang mở rộng mô hình trồng chuối lùn có diện tích khoảng 2,2 ha, với hơn 3.500 gốc chuối.
Mô hình này được kỳ vọng góp phần thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn có công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống, đảm bảo sinh kế lâu dài.
Đến A Vao sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn của những đồi sắn, chuối; những con đường bê tông phẳng phiu chạy đến từng thôn xóm... Sức sống mới đang hiển hiện trên vùng biên viễn vốn nhiều khó khăn cách trở ngày nào.
Thay đổi nhận thức trong sản xuất
Xác định kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi là thế mạnh, các cấp chính quyền đã định hướng cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở A Vao đầu tư, mở rộng sản xuất, chăn nuôi.
![]() |
Với nét mới trong phát triển kinh tế và động lực mới từ xã Tà Rụt sau sáp nhập sẽ mở hướng làm giàu người dân, bà con dân tộc thiểu số ở địa phương. |
Toàn xã A Vao (cũ) có diện tích trồng sắn hằng năm khoảng 85 ha, 74 ha rừng trồng và vùng trồng dứa tập trung khá lớn. Tổng đàn gia súc gần 4.300 con, đàn gia cầm trên 2.300 con. Việc phát triển kinh tế nông thôn được nhân rộng mạnh mẽ, kết hợp với nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia là “bệ đỡ” cho người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Trong khi đó, ở xã Húc Nghì (cũ), nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên ngày càng xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tiêu biểu như nông dân Hồ A Rai, Hồ Văn Thảo, Hồ Văn Ngân (thôn La Tó), Hồ Văn Biên (thôn Húc Nghì), Hồ Văn Đồng (thôn Cựp)…
Đã có nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân nơi đây. Trên địa bàn này có 6 mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật canh tác. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi dê của anh Hồ Văn Quan, nuôi heo bản của anh Hồ Văn Cắt, trồng rừng tràm của anh Hồ A Rai…
Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều nông hộ trong sản xuất, giúp nông dân ở A Vao nắm vững kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân tại đây được hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó mà họ tăng thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống. Bên cạnh đó, người dân còn được tập huấn, hướng dẫn sử dụng và truy cập internet để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tin rằng với nét mới trong phát triển kinh tế và động lực mới từ việc sáp nhập các xã Tà Rụt, A Vao, Húc Nghì ở huyện Đakrông trước đây thành xã mới Tà Rụt, sẽ mở ra hướng làm giàu mới cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Thanh Loan