Bên dòng sông Đà hiền hòa, xã Mường Khiêng sở hữu lợi thế lớn về diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện. Những năm gần đây, người dân địa phương đã chủ động khai thác tiềm năng này bằng việc phát triển nghề nuôi cá lồng - một mô hình vừa phù hợp với điều kiện địa lý, vừa mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân.
Nguồn sinh kế ổn định cho người dân
![]() |
Người dân ở Mường Khiêng đầu tư mô hình nuôi cá lồng trong lòng hồ thuỷ điện Sơn La, mang lại thu nhập tốt. |
Khác với hình thức đánh bắt tự nhiên mang tính may rủi, mô hình nuôi cá lồng giúp người dân kiểm soát được sản lượng, chất lượng và thời điểm thu hoạch. Nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi, nguồn nước sạch, nhiều loại cá như trắm, chép, rô phi đơn tính, cá lăng… phát triển tốt, cho thịt ngon, dễ tiêu thụ trên thị trường.
Gia đình anh Quàng Văn Sâm là một trong những hộ nuôi cá lồng ở địa phương. Với 15 lồng cá được đặt cố định trên hồ, mỗi năm gia đình anh thu hoạch trên 3 tấn cá, trừ chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng. Bí quyết giảm chi phí là tận dụng thêm phụ phẩm nông nghiệp như sắn, ngô làm thức ăn cho cá.
Hiện nay, trên địa bàn xã Mường Khiêng, mô hình nuôi cá lồng ngày càng lan rộng, góp phần đa dạng hóa sinh kế, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Nhiều người không còn phải đi làm thuê xa quê, mà có thể vừa lao động sản xuất, vừa chăm sóc cá ngay tại địa phương. Sự ổn định về thu nhập giúp người dân cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững.
Nhiều gia đình như hộ anh Sâm, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm - con số đáng mơ ước đối với một xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Mường Khiêng.
![]() |
Một mô hình nuôi cá của người dân xã Mường Khiêng. |
HTX nâng tầm nghề cá, mở rộng đầu ra
Đáng chú ý là từ mô hình nhỏ lẻ, rời rạc ban đầu, nghề nuôi cá lồng tại Mường Khiêng đang cho thấy hướng phát triển bền vững với sự ra đời của các HTX. Đây không chỉ là nơi tập hợp các hộ nuôi cá để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật mà còn là “đầu mối” quan trọng để kết nối thị trường tiêu thụ.
Thành lập năm 2017, HTX Nuôi cá lồng, cây ăn quả, dịch vụ tổng hợp Huổi Pản, xã Mường Khiêng có 15 thành viên với 62 lồng cá, thu nhập đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm. Cá nuôi được bán cho thương lái đến thu mua tại bến thuyền Mường La, nhiều hộ thu lãi từ 50 - 200 triệu đồng/năm.
Tại Mường Khiêng còn có HTX Sản xuất kinh doanh nuôi cá lồng, cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Liệp Tè cũng là một trong những điển hình thành công với mô hình nuôi cá lồng. HTX có 46 thành viên, nuôi hơn 400 lồng cá.
Theo anh Quàng Văn Hợp, Giám đốc HTX, nhờ áp dụng nghiêm quy trình chăm sóc, phòng bệnh, nên đàn cá phát triển tốt, đảm bảo chất lượng và được thương lái ưa chuộng.
HTX bắt đầu liên kết với các thương lái khu vực Hà Nội lên thu mua trực tiếp tại khu vực nuôi cá lồng từ năm 2021. Mỗi lồng cho thu hoạch 3 tạ cá các loại/năm, giá bán từ 110.000 - 150.000 đồng/kg. Mỗi hộ thành viên thu nhập từ 100 đến hơn 500 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, trong mô hình nuôi cá lồng ở Mường Khiêng, vai trò của các HTX thể hiện ở việc xây dựng cộng đồng sản xuất có tổ chức, giảm rủi ro, tăng khả năng đàm phán về giá, đảm bảo đầu ra ổn định cho người nuôi.
Bài toán thị trường và hướng phát triển bền vững
![]() |
HTX xây dựng cộng đồng sản xuất có tổ chức, giảm rủi ro, tăng khả năng đàm phán về giá, đầu ra ổn định. |
Được biết, thời gian qua, các hộ dân, thành viên HTX đã được các cơ quan, đơn vị chuyên môn hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi, đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm; thực hiện các thủ tục để chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc và giấy phép kinh doanh. Do đó, đã góp phần giúp cho đầu ra của sản phẩm thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, với số lượng lồng cá ngày càng tăng, bài toán xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi cần có lời giải căn cơ, bền vững hơn.
Chính quyền địa phương đang chủ động triển khai nhiều giải pháp như rà soát lượng cá cần tiêu thụ theo mùa, xây dựng kế hoạch điều phối thị trường, phối hợp cùng các doanh nghiệp để triển khai sản xuất cá sơ chế, hướng đến tiêu chuẩn hóa sản phẩm… Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền người dân tuân thủ quy định trong đánh bắt, chăm sóc đàn cá đúng kỹ thuật, phòng bệnh trong mùa mưa lũ.
Liên minh HTX tỉnh Sơn La, Liên minh HTX Việt Nam cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ hữu hiệu, thiết thực hằng năm như tập huấn, cập nhật quy định mới của Luật HTX, Luật Thủy sản, giúp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất; tổ chức cho các HTX tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, hội nghị, chương trình liên kết do các địa phương và Trung ương tổ chức…
Từ đó, các HTX không chỉ là “cầu nối” giữa người nuôi cá với thị trường mà còn là nền tảng để từng bước xây dựng thương hiệu cá lồng Mường Khiêng trên bản đồ nông sản Việt Nam.
Minh Khôi