THT hiện có 10 hộ thành viên tham gia, sản xuất trên diện tích hơn 3ha. Sản lượng chanh ước đạt 40-50 tấn/năm, giá bán bình quân từ 10.000 - 25.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Với giá bán ổn định, lợi nhuận bình quân của người trồng chanh đạt 10 - 15 triệu đồng/năm/công (1.000m2/công).
So với cây lúa, cây chanh đang đem lại giá trị cao gấp 3 - 5 lần, quy trình sản xuất đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không đòi hỏi nhiều công lao động. Với nhiều ưu điểm, cây chanh dần trở thành cây trồng chủ lực của thành viên THT.
Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến - Tổ trưởng THT cho biết: “Nhà tôi có 15 công đất trồng chanh không hạt, được chuyển đổi từ diện tích lúa kém hiệu quả. Hiện đã có 5 công chanh cho thu hoạch trái. Trong 2 quý đầu năm 2018, tôi đã thu hoạch 2,4 tấn trái, với giá bình quân 13.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng”.
“Dự kiến cuối năm nay, 15 công chanh sẽ thu hoạch trái đồng loạt, khi đó sản lượng sẽ tăng lên đáng kể. Để đáp ứng tốt thị trường tiêu thụ, tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi 15 công đất lúa còn lại để mở rộng vùng trồng chanh theo quy trình sản xuất an toàn”, chị Xuyến chia sẻ.
![]() |
Mô hình trồng chanh không hạt của THT Hồ Đắc Kiện đang cho hiệu quả cao |
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, nâng cao an toàn lao động (ATLĐ), THT đang chủ động liên kết với doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kể từ đầu năm 2018, 100% diện tích chanh VietGAP của THT được doanh nghiệp bao tiêu, với mức giá cao hơn giá thị trường 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Theo tính toán, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp năng suất chanh tăng khoảng 20%, thời gian thu hoạch rút ngắn, chi phí đầu tư giảm 50%. Đặc biệt, giúp HTX nâng cao tính an toàn, đảm bảo ATLĐ, giảm thiểu những rủi ro sức khỏe cho thành viên trong quá trình sản xuất.
Để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thành viên HTX phải tuân thủ quy trình sản xuất an toàn từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản. Các thành viên tham gia mô hình được tập huấn, trang bị kiến thức về sản xuất an toàn, ATLĐ, tiêu chuẩn về vệ sinh lao động, đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Chị Trương Thị Đông - thành viên THT chia sẻ: “Năm 2017, được sự giúp đỡ của THT, tôi trồng thử nghiệm 1,5 công chanh, ngay vụ đầu chanh cho năng suất cao, giá bán ổn định. Sau thành công của vụ đầu, tôi chuyển đổi 8,5 công đất lúa sang trồng chanh. Đến nay, vườn chanh đã bắt đầu cho trái, dự kiến đến cuối năm 2019, vườn sẽ cho trái rộ. Được THT và doanh nghiệp hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo đầu ra, tôi chỉ cần chú tâm vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao nhất”.
Theo bà Trần Thị Thu Sương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồ Đắc Kiện, sự ra đời của THT đang trở thành điểm tựa cho người trồng tranh trên địa bàn xã. Không chỉ đảm bảo giá trị kinh tế cao, HTX còn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, phương thức sản xuất an toàn, nâng cao ATLĐ trong quá trình sản xuất.
Hoài Phương