Theo thông tin từ UBND xã Mường Hum, đến thời điểm này, người dân trên địa bàn xã đã thu hoạch xong vụ lê Tai Nung (lê VH6) năm 2025.
Nguồn thu tiền tỷ
Năm nay, xã Mường Hum có 171 ha lê Tai Nung, trong đó có khoảng 60 ha đang cho thu hoạch quả, tập trung ở các thôn Kin Chu Phì 1, Kin Chu Phìn 2 và Ki Quan San.
Đại diện UBND xã cho biết, do thời tiết thuận lợi và được chăm sóc đúng kỹ thuật, lê Tai Nung ở Mường Hum được mùa. Tổng sản lượng lê toàn xã đạt khoảng 60 tấn, tăng khoảng 10 tấn so với năm trước.
![]() |
Thời tiết thuận lợi và được chăm sóc đúng kỹ thuật, lê Tai Nung ở Mường Hum năm nay được mùa. |
Với giá bán trung bình là 30.000 đồng/kg, người dân xã Mường Hum đã thu về khoảng 1,8 tỷ đồng từ lê Tai Nung. Tuy không được giá như năm ngoái, song do lê được mùa, năng suất và sản lượng cao nên nguồn thu từ cây lê của người dân xã Mường Hum vẫn cơ bản ổn định.
“Trong thời gian gần đây, mạng xã hội phát triển, nhiều khách đặt hàng nên việc tiêu thụ cũng đảm bảo”, chị Mộc Thị Hương, người dân xã Mường Hum cho biết.
Phòng nông nghiệp và Môi trường đánh giá, nhiều hộ trồng lê ở xã Mường Hum đã áp dụng đúng các biện pháp chăm sóc, nên quả lê to đẹp nên giá bán vẫn tốt.
Những cây lê Tai Nung hơn chục tuổi cho quả đều đặn từ vài năm nay, giúp gia đình chị Lý Tả Mẩy có nguồn thu cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa. Sau vụ thu hoạch, chị Mẩy đã thu về hàng chục triệu đồng từ lê Tai Nung.
"Cây lê này đem lại giá trị kinh tế cao gấp 3, 4 lần so trồng ngô trước đây. Quá trình chăm sóc cũng đơn giản hơn trồng ngô, nên gia đình tôi đang muốn mở rộng thêm diện tích để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập", chị Lý Tả Mẩy cho biết.
Là xã vùng sâu, nhưng vào mùa, quả lê Tai Nung Mường Hum vẫn tiêu thụ rất thuận lợi, nhờ toàn bộ diện tích trồng đều áp dụng triệt để tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, xã đã xây dựng đề án phát triển cây lê Tai Nung, phấn đấu nâng tổng diện tích lên thành 200 ha, trở thành vùng lê tập trung lớn nhất tỉnh. Và quan trọng nhất là sẽ giúp bà con nơi đây có thu nhập cao, thoát nghèo bền vững.
Cũng theo đại diện của UBND xã Mường Hum, hiện tại xã xác định cây lê là cây chủ lực để người dân phát triển kinh tế. Để chuyển đổi từ cây lúa, cây ngô sang trồng lê, và được sự hỗ trợ của tỉnh, xã đã triển khai cho người dân mở rộng diện tích để tăng sản lượng, chất lượng; và xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Xây dựng thương hiệu
Năm 2009, khi xã Nậm Pung cũ chủ trương đưa cây lê vào trồng thử nghiệm, bà con đều e ngại. Bởi không biết trồng ra sao, chăm sóc thế nào, tiêu thụ có thuận lợi hay không?... Để người dân tin tưởng làm theo, cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều giải pháp, như: Quy hoạch vùng trồng, chủ yếu ở 2 thôn Kin Chu Phìn 1 và 2; giao cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước; cùng các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật...
Nhờ thế, tới nay diện tích trồng lê Tai Nung tăng lên đáng kể. Mỗi hecta lê cho thu nhập khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm.
Gia đình chị Lý Gì Su, thôn Kin Chu Phìn 2 là một trong những hộ tiêu biểu trong chuyển đổi cây trồng tại địa phương. Trước đây, diện tích nương của gia đình chủ yếu trồng ngô và đậu tương, thu nhập bấp bênh, đời sống gặp nhiều khó khăn. Khi được xã hỗ trợ giống lê VH6 và hướng dẫn kỹ thuật, chị Su mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 100 cây lê trên diện tích đất trồng ngô.
Chị Su chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng lo vì lê là cây lâu năm, giống mới, sợ trồng mất công mà chưa biết có cho quả không. Nhưng được cán bộ hướng dẫn cách trồng, vin cành, bón phân nên yên tâm làm và đã thành công. Hiện mỗi năm gia đình có nguồn thu trên 70 triệu đồng từ trồng lê. Năm nay, tôi đã trồng thêm 150 cây lê trên diện tích nương ngô còn lại để tăng thu nhập”.
Câu chuyện của chị Su là minh chứng hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng phù hợp. Từ vài hộ làm trước, đến nay cây lê đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của xã.
Xã đã thành lập được Tổ hợp tác (THT) trồng lê. Mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ lê thành công của THT là cơ sở để xã nhân rộng cách làm, mở rộng diện tích, đưa sản phẩm quả lê Tai nung xã Nậm Pung được tỉnh Lào Cai công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây chính là tiền đề để từng bước xây dựng thương hiệu lê Tai nung Nậm Pung đến với người tiêu dùng.
![]() |
Cây lê Tai nung đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân Mường Hum ổn định cuộc sống. |
Đặc biệt, sau khi sáp nhập 3 xã Nậm Pung, Trung Lèng Hồ và Mường Hum, địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyên canh, tạo ra những vùng sản xuất tập trung, tạo sản phẩm chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân.
Xác định phát triển cây lê theo hướng hàng hóa, xã Nậm Pung đã chủ trương, định hướng thành lập thêm các THT, HTX nhằm hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra và quảng bá sản phẩm, trong đó có HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nậm Pung đã sớm được thành lập.
HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nậm Pung hiện có hơn 20 thành viên. Ông Lý Dì Go, Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn bà con chăm sóc cây lê theo quy trình sạch, không dùng thuốc diệt cỏ, ưu tiên phân vi sinh để bảo vệ đất và cho chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp để tiếp cận thị trường tốt hơn. Trồng cây lê tuy cần nhiều công chăm sóc nhưng hiệu quả thì rõ rệt, thu nhập của bà con ngày càng cao”.
Kỳ vọng xóa nghèo
Ban lãnh đạo xã nhận xét, từ vùng đất đồi dốc chỉ quen với cây trồng ngắn ngày, hiệu quả thấp, cây lê Tai nung đã mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp ở xã Mường Hum.
Việc chuyển đổi cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây lê Tai nung bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Mường Hum. Không chỉ giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng địa phương.
Cây lê Tai nung đang được xã xác định là cây trồng chủ lực để nâng cao thu nhập, xóa nghèo cho người dân. Đây là hướng phát triển phù hợp và bền vững, cần tiếp tục được nhân rộng và đầu tư đồng bộ trong thời gian tới.
Theo đó, để phát triển cây lê bền vững, xã tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như quy hoạch vùng trồng, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, xây dựng bể chứa nước tại các vùng trọng điểm, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống và phân bón cho các hộ dân.
Bên cạnh đó, khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh thành lập thêm nhiều THT, HTX để hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để tiếp cận nhiều người tiêu dùng, mở rộng đầu ra bền vững.
“Hiện, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã còn cao, chiếm tới 65%, nhưng nếu kiên trì theo đúng định hướng, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, cuộc sống sẽ được cải thiện, ổn định và bền vững hơn”, ông Nguyễn Hồng Sơn, bí thư Đảng ủy xã Mường Hum cho biết.
Giang Nguyễn