Tại Lạng Sơn, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm hơn 83%, sinh sống chủ yếu ở địa bàn nông thôn, miền núi biên giới, cuộc sống còn nhiều khó khăn. UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Làm giàu từ đặc sản cao khô
Trước thời điểm thực hiện Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, huyện Văn Quan (cũ) nay là xã Văn Quan (mới) là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước. Nhằm giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đó, xã Yên Phúc (cũ) trở thành điểm sáng trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 8,38% (99 hộ nghèo) thì đến cuối năm 2024 xã còn 35 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,97%, (giảm 5,41% so với năm 2023).
![]() |
Hiện nay, sản phẩm cao khô Chợ Bãi của HTX Cao khô Chợ Bãi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. |
Một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả của xã Yên Phúc là đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, phát huy thế mạnh, văn hoá bản sắc địa phương. Trong đó, hoạt động của HTX Cao khô Chợ Bãi là tiêu biểu cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo.
HTX được thành lập từ năm 2020, với 15 thành viên tham gia sản xuất cao khô (mỳ gạo), đến nay, HTX đã đầu tư máy móc như: máy nghiền bột, máy tráng bánh và máy thái bánh trị giá gần 300 triệu đồng để ngày càng chuyên nghiệp trong sản xuất.
Từ đó, mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cao khô, tìm thị trường tiêu thụ, thiết kế, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hiện nay, sản phẩm cao khô Chợ Bãi của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Bình quân mỗi ngày HTX làm từ 200 đến 300 kg gạo, tương ứng với hơn 800 đến 1.000 bó cao thành phẩm.
Anh Lý Anh Tuấn, giám đốc HTX Cao khô Chợ Bãi cho biết nhờ sản xuất kinh doanh đặc sản cao khô, nhiều thành viên có thu nhập từ 100- 300 triệu đồng/năm, HTX đang tạo việc làm ổn định cho 3-5 lao động là những người địa phương.
Theo chị Hương, thời điểm nắng nóng rất thuận lợi cho việc phơi cao khô nên các hộ dân đều tranh thủ tráng bánh để đóng gói. Trung bình một ngày gia đình chị Hương làm được khoảng 800 bó. Nhờ làm nghề cao khô mà gia đình chị có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Cũng theo chị Hương, cao khô có thể để được 2- 3 tháng mà không hỏng nên rất đông khách phương xa đến đặt mua. Người dân địa phương đi công tác, đi chơi xa đều lấy cao khô quê nhà để làm quà.
Thu nhập đến 100 triệu đồng từ trồng hồng
Xã Hải Yến (cũ) nay là xã Cao Lộc (mới) được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo của tỉnh Lạng Sơn. Hết năm 2024, toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo (chiếm 0,82%), thấp nhất trong 22 xã, thị trấn của huyện. Từ năm 2022 đến nay, từ các nguồn vốn của Nhà nước, chính quyền xã đã lồng ghép triển khai 6 dự án hỗ trợ khoảng 150 hộ dân về phân bón, cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây hồng Bảo Lâm, cây hồi và trồng cây mắc ca… Hiện nay trên địa bàn không còn hộ gia đình chính sách, gia đình người có công là hộ nghèo.
Để đạt được thành quả này, thời gian qua UBND xã tuyên truyền, vận động người dân thành lập các HTX, tổ hợp tác (THT). Anh Lộc Văn Hoàng, tổ trưởng THT sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm cho biết: THT được thành lập năm 2020, sau hơn 5 năm thành lập, THT hiện có 80 thành viên. Tham gia THT, các thành viên thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồng không hạt Bảo Lâm chính quyền địa phương tổ chức...
![]() |
THT sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm duy trì chăm sóc trên 24 ha hồng không hạt Bảo Lâm. |
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, một số thành viên THT còn được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt; hỗ trợ cây giống, phân bón… Đến nay, THT duy trì chăm sóc trên 24 ha hồng không hạt Bảo Lâm; sản lượng đạt trên 70 tấn quả/năm. Thị trường tiêu thụ hằng năm ổn định với giá trung bình 25.000 đồng/kg. Nhờ đó, các thành viên THT có thu nhập từ 30 đến 100 triệu đồng/năm. Hiện THT có sản phẩm hồng Bảo Lâm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Chị Thu Hiền, thành viên THT chia sẻ, trước khi chuyển đổi sang trồng cây hồng không hạt Bảo Lâm, gia đình chị cũng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập chính chủ yếu từ cây lúa, ngô, đậu đỗ nhưng chỉ tạm đủ ăn. Từ năm 2020, khi tham gia vào THT, chị đầu tư trồng gần 100 cây hồng, nhận thấy quả hồng không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chị đã cùng gia đình mở rộng diện tích, mua thêm cây giống về trồng. Đến nay, gia đình chị đã có trên 300 cây với thu nhập hơn 250 triệu đồng mỗi năm; ngoài ra gia đình chị còn trồng thêm cam canh, mận cơm, chăn nuôi lợn, gà…
Nhân rộng mô hình HTX để giảm nghèo
Trong năm 2025, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 2 - 2,5% so với năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm bình quân 4% trở lên, tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 2 - 2,5% so với năm 2024; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách giảm nghèo, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Trong năm nay, xã Văn Quan tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, THT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ khuyến khích thành lập mới HTX; đồng thời thông qua các chính sách giúp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nắm bắt thông tin, mở rộng thị trường, khuyến khích tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn tập thể trong các HTX.
Ở xã Văn Quan, ngoài 2 HTX và THT kể trên, trong những năm qua, địa phương đã hỗ trợ một số HTX nông nghiệp khác để có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… Đặc biệt, từ các nguồn vốn khác nhau, chính quyền xã đã phân bổ, hỗ trợ cho các HTX. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ cho các HTX vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Với sự nỗ lực của các HTX và sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước, các HTX nông nghiệp trên địa bàn xã Văn Quan đã từng bước chuyển biến tích cực. Trong đó, một số HTX hoạt động khá, tốt như: Hợp tác xã nông sản sạch Lạng Sơn với mô hình trồng bí nụ, các loại rau sạch; Hợp tác xã Văn Quan Xanh với mô hình ươm giống các loại cây trồng, HTX chăn nuôi Lùng Khoang với mô hình chăn nuôi lợn; HTX Trân Quý trồng trọt chăn nuôi hỗn hợp, trồng rau, đậu và các loại hoa, chăn nuôi và sản xuất giống trâu bò, cho thuê xe, vận tải hành khách, HTX Thuận Phát Tràng Phái trồng và buôn bán thương mại các loại nấm ăn, nấm nguyên liệu,..
Hiện nay, doanh thu bình quân của một HTX trên địa bàn đạt khoảng 900 triệu đồng/năm, tăng 400 triệu đồng; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt khoảng 40 triệu đồng/người/ năm.
Hoàng Hà