Khánh Thiện là một xã nằm ở phía Bắc của huyện Lục Yên. Tại đây có điều kiện tự nhiên, đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, cây lúa nếp Lào Mu là giống cây trồng bản địa, qua những chắt chiu của bà con dân tộc Tày đã trở thành một nét “chấm phá” không thể nào thiếu trong sự “chuyển mình” của nông thôn nơi đây.
HTX phát triển sản phẩm OCOP từ nếp Lào Mu
HTX Nông lâm thủy sản Khánh Thiện (HTX Khánh Thiện) là một trong những HTX đang hoạt động hiệu quả tại huyện Lục Yên. HTX đã mạnh dạn đầu tư và phát triển cây lúa nếp Lào Mu và nỗ lực nâng tầm cho đặc sản của địa phương. Hiện tổng diện tích trồng nếp Lào Mu ở xã Khánh Thiện là 200 ha trong đó có 70 ha là của các hộ thành viên HTX Khánh Thiện, số còn lại của bà con nông dân trong xã.
Vào mùa vụ, HTX Khánh Thiện ký kết hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm cho các hộ thành viên của HTX và người dân trên địa bàn, nên người dân nơi đây rất phấn khởi, yên tâm sản xuất. Giờ đây người dân xã Khánh Thiện ai cũng vui mừng bởi nếp Lào Mu đã nổi tiếng, trở thành hàng hóa có giá trị cao trên thị trường, được nhiều người biết đến.
![]() |
Nếp Lào Mu Khánh Thiện đã trở thành hàng hóa có giá trị cao trên thị trường, được nhiều người biết đến. Ảnh BYB |
Cùng với đó, năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng nhãn hiệu “Gạo nếp Lào Mu” cho HTX Khánh Thiện. Năm 2022, sản phẩm “Gạo nếp Lào Mu” cũng đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, giúp nếp Lào Mu “vươn mình” mang hương thơm bay xa hơn.
Để nâng cao hơn giá trị của đặc sản OCOP địa phương, HTX Khánh Thiện đã phát triển nếp Lào Mu thành sản phẩm cốm, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập, đảm bảo đời sống của bà con nơi đây.
Giám đốc HTX Khánh Thiện, Dương Hồng Lĩnh chia sẻ, cốm từ gạo nếp Lào Mu xã Khánh Thiện dẻo, thơm, mang mùi vị đặc trưng vùng miền riêng có của nơi đây, mà ít nơi nào sánh kịp. Việc phát triển Cốm thành sản phẩm OCOP 3 sao, với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm làm từ nếp Lào Mu. Năm 2023, sản phẩm “Cốm nếp Lào Mu” cũng đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, cốm nếp Lào Mu càng ngày được nhiều người biết đến. Đặc biệt, vào dịp tháng 10, tháng 11 âm lịch, HTX Khánh Thiện tiêu thụ được nhiều cốm nhất, với doanh thu hàng trăm triệu đồng, đem lại lợi nhuận khoảng 25 triệu/tháng cho HTX.
Lãnh đạo huyện cho biết, xác định gạo nếp Lào Mu là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, chính quyền luôn quan tâm và đồng hành cùng với bà con nhân dân cũng như HTX. Bên cạnh đó, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ bà con từ khâu gieo trồng cho đến gặt hái, hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học - kỹ thuật để có hướng đi lâu dài với cây lúa quê hương.
Với HTX Nông lâm thủy sản Khánh Thiện, nhờ tích cực tham gia Chương trình OCOP, HTX đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, từ đó nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, hiệu quả hoạt động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, đồng thời góp phần nâng tầm giá trị nông sản tỉnh Yên Bái.
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử
Phát triển OCOP là một giải pháp quan trọng để giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. OCOP giúp khai thác tiềm năng của từng vùng, tạo ra các sản phẩm độc đáo, chất lượng và có giá trị kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 30 sản phẩm OCOP, huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian qua. Nhờ đó, Chương trình OCOP của huyện Lục Yên đã đạt được kết quả khả quan. Huyện đã có 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng như: Dầu lạc đỏ của HTX Thái Sơn, gạo nếp Lào Mu Khánh Thiện, măng mai Lâm Thượng, rượu nếp ủ Lập Nguyễn, cao gắm của Công ty TNHH thảo dược Kiên Minh…
Không chỉ vậy, huyện còn đưa ra nhiều giải pháp đầu tư nâng chất lượng, mẫu mã cho nhóm hàng hóa chủ lực, đặc trưng, mang “thương hiệu” địa phương đã và đang được triển khai. Nhờ đó, những mặt hàng, sản phẩm đặc sản hình thành từ chăn nuôi, trồng trọt được nâng tầm về chất lượng, mẫu mã, giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, nhiều cơ sở, HTX, doanh nghiệp đã chuyển đổi từ sản xuất, chế biến thủ công sang sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy hút chân không, tủ lạnh bảo quản, hệ thống sao sấy bằng điện,… Các chủ thể OCOP cũng dần năng động hơn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào tiếp thị, bán hàng. Nhờ đó không chỉ giảm được một phần công sức khi làm việc mà còn là hiện đại hóa sản xuất, từng bước góp phần vào chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
![]() |
Những mặt hàng, sản phẩm đặc sản hình thành từ chăn nuôi, trồng trọt được nâng tầm về chất lượng, mẫu mã, giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Đại diện UBND huyện cho biết đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các đơn vị chức năng. Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất, doanh nghiệp đưa các sản phẩm OCOP của huyện bán hàng trên các trang thương mại điện tử như Voso, buudien.vn... nhằm mở rộng thị trường bán hàng.
Việc triển khai hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử không chỉ là giải pháp đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà còn hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng như của tỉnh, huyện. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh mẽ.
Giảm trên 6% hộ nghèo
Có thể nói, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Lục Yên đã thực sự đi vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn huyện. Với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chương trình tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để nâng cao giá trị.
Đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, đặc trưng thế mạnh.
Đặc biệt, duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, hướng đến chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải, làm theo phong trào.
Thời gian tới, huyện triển khai thực hiện nhiều sản phẩm hơn nữa để thương hiệu OCOP Lục Yên được nhiều người biết đến. Đồng thời tiếp tục phấn đấu thực hiện có hiệu quả hơn nữa chương trình OCOP, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Năm 2024, huyện Lục Yên đã giảm 6,31% hộ nghèo, theo tỷ lệ nghèo đa chiều, so với năm 2023 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025), bằng 101,8% kế hoạch.
Theo kế hoạch, năm 2025, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,04%, tương đương 300 hộ nghèo; giảm tỷ lệ cận nghèo 0,49%, tương đương 127 hộ cận nghèo.
Giang Nguyễn