Ở góc nhìn của chủ đầu tư, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, từng nhìn nhận nguyên nhân tăng giá chung cư, bên cạnh chi phí đầu vào tăng, còn đến từ việc các doanh nghiệp vướng quá nhiều thủ tục pháp lý, dẫn đến thời gian kéo dài, cung không đáp ứng kịp cầu.
Chờ "khe cửa hẹp"
Tuy nhiên, theo ông Quê, giá chung cư đang tăng không có nghĩa là không thể giảm. Minh chứng là trong quá khứ, ở giai đoạn 2008 - 2010 có dự án chung cư giá 50 - 70 triệu đồng/m2. Thế nhưng, đến năm 2011 - 2013, khi thị trường xuất hiện các dự án nhà thương mại giá rẻ, bình quân ở mức 11 - 15 triệu đồng/m2, thì lập tức giá chung cư trên thị trường giảm nhiệt.
Đơn cử, vào năm 2010, dự án chung cư Indochina Plaza trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), có giá bán bình quân 50 - 60 triệu đồng/m2. Nhưng đến năm 2013, khi nguồn cung tăng, giá nhiều căn hộ ở khu này chỉ còn 30-35 triệu đồng/m2. Đến nay, sau 15 năm, giá căn hộ tại đây hiện rơi vào hơn 100 triệu đồng/m2.
Với những diễn biến thực tế, vị đại diện doanh nghiệp nhận định nếu kịch bản cũ lặp lại, giá nhà có thể giảm từ năm 2026. Lý do là bởi các dự án nhà ở nói chung và các dự án nhà ở xã hội sẽ bắt đầu hoàn thiện về thủ tục, đẩy nguồn cung tăng lên trong khoảng 1 năm sau đó, giúp giá nhà hạ nhiệt.
![]() |
Giá chung cư được kỳ vọng sẽ giảm tốc khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng. |
Góc nhìn của ông Nguyễn Anh Quê không phải không có lý bởi thực tế trong thời gian qua, nhiều địa phương đang đẩy nhanh xây nhà ở xã hội theo đề án 1 triệu căn nhà ở vừa túi tiền của Chính phủ.
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô 9.737 ha đất làm nhà ở xã hội. Nhiều địa phương đã quan tâm, dành quỹ đất nhà ở xã hội tại các vị trí thuận lợi, gần các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, đảm bảo đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: Đồng Nai (1.064ha), Quảng Ninh (666ha), Hải Phòng (336ha), Bình Dương (408ha),...
Vừa qua, như VnBusiness đã đưa tin, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Về phía doanh nghiệp, hàng loạt ông lớn như Vingroup, HUD hay Hoàng Quân… đều thể hiện sự tích cực tham gia vào làm nhà ở xã hội, hứa hẹn đẩy nguồn cung tăng mạnh.
Điển hình, mới đây khi tham gia hội nghị toàn quốc về tháo gỡ phát triển nhà xã hội với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện Vingroup cho biết tập đoàn này đăng ký xây 500.000 căn nhà xã hội trong 5 năm, bằng một nửa đề án xây một triệu căn Thủ tướng giao đến năm 2030.
Thành bại tại… nhà ở xã hội
Không riêng Vinhomes, nhiều doanh nghiệp cũng cam kết hoàn thành số lượng lớn nhà xã hội. Điển hình, tập đoàn Hoàng Quân đã đăng ký thực hiện 50.000 căn.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng xác định từ nay đến năm 2026 triển khai 2.800 căn hộ và hướng tới mục tiêu 17.500 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030. Trong khi đó, Viglacera đang thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội với số căn hộ là 17.200, đã bàn giao 5.500 căn đi vào sử dụng tại Hà Nội.
Việc hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành thể hiện tham vọng lớn, nguồn cung nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ “như nấm sau mưa” trong nửa thập kỷ tới. Riêng trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đang đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng 100 nghìn căn.
Đáng chú ý, Chính phủ đang hoàn thiện để trình Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc lập Quỹ Nhà ở quốc gia. Đây sẽ là cơ hội để người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp được đáp ứng nhu cầu về chỗ ở.
Không chỉ là những kỳ vọng suông, việc nguồn cung nhà ở xã hội được đẩy mạnh trong thời gian qua cũng được cho là một trong số những nguyên nhân khiến tốc độ tăng giá chung cư sau nhiều quý leo thang bắt đầu chững lại kể từ đầu năm 2025.
Minh chứng, trong báo cáo thị trường quý I, hãng dịch vụ bất động sản CBRE cho biết chung cư Hà Nội ghi nhận đà giảm tốc trên cả thị trường sơ cấp (hàng chủ đầu tư) và thứ cấp (chuyển nhượng)
Cụ thể, sau giai đoạn tăng trưởng nóng từ đầu năm ngoái, hiện giá bán chung cư sơ cấp đạt khoảng 75 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT, phí bảo trì), tăng nhẹ so với quý trước. "Đây là mức tăng theo quý thấp nhất kể từ quý II/2023", CBRE cho biết. Giỏ hàng giá cao chủ yếu đến từ các khu đô thị quy mô lớn ở ven đô.
Trên thị trường thứ cấp, đà tăng giá bán quý I cũng chậm lại. Giá chuyển nhượng chung cư đạt khoảng 50 triệu đồng/m2, nhỉnh 3% so với quý trước. Phần lớn giá các dự án không có nhiều biến động, trừ một số dự án sở hữu vị trí đắc địa tại quận trung tâm, có tiềm năng cho thuê tốt.
Hàng loạt dẫn chứng để thấy rằng nếu nguồn cung nhà ở xã hội được tung ra thị trường đủ lớn, mặt bằng giá nhà nhiều khả năng sẽ có thể giảm, như những gì đã xảy ra trong 15 năm trước.
Tuy nhiên, tốc độ giảm nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào tốc độ phát triển các dự án nhà giá rẻ. Nguồn cung nhà giá rẻ nhiều hay ít lại phụ thuộc vào “bàn tay vô hình” của cơ quan quản lý nhà nước và sự tham gia của doanh nghiệp.
Theo chuyên gia, về phía địa phương, cần khẩn trương lập kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu đề ra. Đối với các dự án đã khởi công, cần thường xuyên đôn đốc để hoàn thành dự án ngay trong năm.
Về mặt pháp lý, theo nhiều doanh nghiệp, nếu quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại đã “khó 1” thì đối với dự án nhà ở xã hội lại “khó gấp đôi”. Vì vậy, để cải thiện nguồn cung, cần nhanh chóng đánh tan những “cục máu đông” đang tồn tại.
Hưng Nguyên