Xã Tả Phìn cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 12 km, với trên 95% dân số là đồng bào thiểu số sinh sống. Trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp truyền thống.
Mô hình phát triển nghề thổ cẩm
Đến nay, Tả Phìn không chỉ là một địa danh du lịch nổi tiếng ở Sa Pa mà còn được biết đến bởi hoạt động sản xuất hàng hóa thổ cẩm lưu niệm. Sản phẩm nơi đây rất phong phú, đa dạng, được bán rộng rãi khắp các thị trường trong và ngoài nước.
Để có sự phát triển như vậy, chính là nhờ vào mô hình HTX thổ cẩm, được thành lập từ đầu những năm 2000. Thời điểm ấy, Hội LHPN xã đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đứng ra vận động một số chị em phụ nữ người Mông, người Dao ở địa phương thành lập mô hình HTX chuyên sản xuất các mặt hàng thổ cẩm lưu niệm để quảng bá và bán sản phẩm ngay tại địa phương cho khách du lịch.
![]() |
HTX thổ cẩm Tả Phìn chuyên sản xuất các mặt hàng thổ cẩm lưu niệm để quảng bá và bán sản phẩm ngay tại địa phương cho khách du lịch. |
Sau hàng chục năm phát triển, các thế hệ phụ nữ nối tiếp nhau chung tay phát triển mô hình, đến nay HTX đã có tới hơn 140 thành viên, với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng, giúp chị em nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đại diện Hội LHPN xã Tả Phìn, cho biết: “Nghề thổ cẩm ở Tả Phìn hiện nay đã trở thành một trong những công việc chính để tạo ra thu nhập đều đặn hàng tháng cho hàng trăm lao động nữ tại địa phương chúng tôi. Với mô hình HTX phát triển bền vững, nắm bắt nhu cầu thị hiếu của thị trường tốt nên đơn đặt hàng rất đều đặn, đảm bảo chất lượng và giá thành, đáp ứng được thị trường. Có thể nói đây là một trong những mô hình hiệu quả nhất, đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho phụ nữ ở địa phương”.
Điều đặc biệt và rất thuận lợi ở mô hình này, đó là nhiều phụ nữ lớn tuổi, không còn đủ sức đi làm ruộng, làm nương vẫn có thể tham gia phát triển kinh tế bằng cách sản xuất hàng thổ cẩm.
Ngoài ra, công việc này có thể làm bất cứ lúc nào, ngay cả khi thời tiết không thuận lợi như mưa gió, rét đậm, rét hại, không phù hợp với sản xuất canh tác nông nghiệp, thì chị em vẫn có thể tham gia sản xuất thổ cẩm tại nhà, vẫn tạo ra nguồn thu cho gia đình.
Ông Tẩn Vần Siệu, ở thôn tà Chải, xã Tả Phìn, chia sẻ: “Nghề thổ cẩm ở địa phương xưa kia chủ yếu chị em làm để phục vụ nhu cầu trong gia đình, nhưng từ khi thành lập HTX thổ cẩm, chị em đã tham gia sản xuất thành sản phẩm hàng hóa bán cho khách du lịch, cho các cửa hàng lưu niệm ở nhiều tỉnh thành. Nó đã trở thành một ngành nghề chuyên nghiệp, tạo ra việc làm và thu nhập bền vững cho phụ nữ ở mỗi gia đình”.
Khẳng định chỗ đứng trên thị trường dược liệu dân tộc
Bên cạnh các sản phẩm hàng hóa thổ cẩm lưu niệm, Tả Phìn còn thu hút du khách bởi một loại hình dịch vụ độc đáo, đã trở thành đặc sản nơi đây trong khoảng chục năm trở lại đây, đó là tắm thuốc người Dao đỏ.
HTX cộng đồng Dao đỏ ở thôn Tả Chải do chị Tẩn Tả Mẩy làm giám đốc thành lập năm 2015 tiền thân chỉ là mô hình kinh tế hộ gìn giữ nghề làm thuốc tắm gia truyền. Thấy nhiều phụ nữ địa phương không có việc làm, thu nhập thấp, chị Tẩn Tả Mẩy có ý tưởng mở rộng quy mô để tiêu thụ nguồn dược liệu cho phụ nữ trong xã.
Năm 2015, với sự hỗ trợ từ Dự án Great của chính phủ Úc và Liên minh HTX Việt Nam, HTX cộng đồng Dao đỏ được thành lập với 7 thành viên. Với nguồn hỗ trợ từ Dự án, chị Mẩy và các thành viên trong HTX đã nâng cấp hệ thống lò đun, mở rộng vùng nguyên liệu… Đến nay, HTX có 120 thành viên, trong đó 119 thành viên nữ và 400 hộ liên kết cung cấp dược liệu.
“Trước đây, chưa vào HTX, cây thuốc đi hái về cũng chỉ mang bán rong, người mua trả giá rẻ lắm. Bây giờ vào HTX rồi, cây thuốc trồng và thu hái về đã có HTX mua hết với giá cao. Nhờ đó, mà cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả hơn trước nhiều”, chị Phàn Tả Mẩy, thôn Sả Séng cho biết.
Hiện nay, ngoài dịch vụ tắm lá thuốc trải nghiệm tại khu dịch vụ, HTX đã sản xuất nhiều sản phẩm như: Nước tắm trẻ em, nước tắm phụ nữ sau sinh, nước tắm Dao đỏ cho mọi lứa tuổi, nước ngâm chân, túi lọc ngâm chân khô, tinh dầu chù dù, tinh dầu ngải cứu, cao xoa bóp ngải cứu, gối thổ cẩm thảo dược, xà phòng thảo dược, dầu gội thảo dược Dao đỏ…
Các sản phẩm này bên cạnh là sự kết tinh của tri thức bản địa và công thức bí truyền của phụ nữ Dao đỏ, thì đây còn là sản phẩm đặc hữu của địa phương. Nhờ đó, ngày càng nhiều du khách tìm đến trải nghiệm và mua về sử dụng. HTX đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường dược liệu dân tộc.
Tổng doanh thu của HTX mỗi năm đạt hơn 3 tỷ đồng. HTX không đơn giản là mô hình phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa nhân văn khi hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số địa phương.
“Từ khi tham gia HTX thì em có công việc ổn định, thu nhập mỗi tháng cũng được 4-5 triệu đồng. Nhờ đó, em và gia đình có tiền trang trải cuộc sống; hơn nữa, làm việc ở đây được tiếp xúc với nhiều du khách em cũng học hỏi được nhiều điều…”, chị Tẩn Mẩy Líu, thành viên HTX chia sẻ.
![]() |
Ngoài dịch vụ tắm lá thuốc trải nghiệm tại khu dịch vụ, HTX cộng đồng Dao đỏ còn sản xuất nhiều sản phẩm như: nước tắm trẻ em, nước tắm phụ nữ sau sinh, nước tắm Dao đỏ... |
Tả Phìn hiện có hơn 60 cơ sở làm du lịch cộng đồng cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tắm lá thuốc; 300 hộ dân trồng dược liệu, cung cấp nguyên liệu làm thuốc tắm, thuốc ngâm chân, các loại trà thanh nhiệt, giải độc.
"Homestay nhà tôi hoạt động ổn định, thu nhập đạt hơn 200 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng”, chị Lý Tả Mẩy, thôn Sả Xéng chia sẻ.
Xã Tả Phìn chỉ còn 2,8% hộ nghèo
Có thể nói, mô hình của HTX thổ cẩm và HTX cộng đồng Dao đỏ là hai mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu do phụ nữ làm chủ tại xã Tả Phìn, khẳng định sự năng động, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực của phụ nữ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã Tả Phìn có hơn 40 mô hình phát triển kinh tế hộ của phụ nữ thu nhập đạt 200 - 300 triệu đồng/năm, ngoài ra còn có 5 phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, HTX.
Theo đại diện UBND xã, việc gìn giữ, phát huy tri thức văn hoá bản địa đã giúp người dân địa phương có việc làm ổn định, thu nhập khá. Kết thúc năm 2024, theo tiêu chí mới, xã Tả Phìn chỉ còn 2,8% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,52 triệu đồng đồng/năm.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, tạo nên sức mạnh lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần vào hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Tả Phìn hôm nay đã hiện lên một sức sống mới, ấm no và hạnh phúc.
Kết quả này đã giúp Tả Phìn hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và chính thức được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2024 vào ngày 14/5 vừa qua.
Ban lãnh đạo xã cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục khuyến khích người dân địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế lớn về cảnh quan thiên nhiên, nền văn hóa truyền thống phong phú của đồng bào dân tộc Mông, Dao… để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ phát triển thành lập nhiều hơn các mô hình HTX, tổ hợp tác hiệu quả.Việc nhân rộng mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ ở Tả Phìn góp phần nâng cao vị thế, quyền năng của “phái yếu” trong gia đình và ngoài xã hội.
Đại diện Hội Phụ nữ xã cho biết, hội sẽ triển khai nhiều giải pháp như tổ chức cho phụ nữ được tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình tiêu biểu trong xã hoặc địa phương khác; phối hợp thực hiện có hiệu quả vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Nhật Nam