Mới đây, sản phẩm đẳng sâm sấy khô của HTX Nông - Dược Trường Sơn Xanh (thôn Agrồng, xã A Tiêng) đã được huyện Tây Giang lựa chọn là một trong hai sản phẩm mới đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2025.
Khai thác thế mạnh sản phẩm OCOP
Sản phẩm này được UBND huyện Tây Giang tư vấn, hỗ trợ phát triển, trưng bày và phấn đấu xếp hạng OCOP 3 sao trong năm nay. Còn hồi năm rồi, sản phẩm Đảng sâm sấy dẻo của HTX Nông - Dược Trường Sơn Xanh đã đạt hạng OCOP 3 sao.
![]() |
Thành viên HTX Nông - Dược Trường Sơn Xanh có thu nhập ổn định từ cây đẳng sâm. |
Có thể thấy việc HTX này có hai sản phẩm vươn tầm OCOP là một nỗ lực rất lớn trong việc khai thác tiềm năng tự nhiên và gìn giữ giá trị bản sắc của vùng đất A Tiêng. Điều này đến từ những người thợ lành nghề tại HTX không chỉ thể hiện tay nghề cao, mà còn là sự gắn kết với văn hóa và lịch sử địa phương. Từ cách chọn lựa nguyên liệu, kỹ thuật chế biến đến việc tạo hương vị đảng sâm độc đáo, mọi giai đoạn đều thể hiện sự tự hào về nguồn gốc địa phương.
Nhất là việc đầu tư, phát triển sản phẩm đảng sâm sấy khô và đảng sâm sấy dẻo đạt chuẩn OCOP đã và đang giúp cho HTX mở rộng thị trường, vươn xa hơn nữa. Một khi sản phẩm được nhiều người biết đến, đầu ra ổn định thì HTX sẽ ngày càng mở rộng mối liên kết với các hộ nông dân địa phương, đảm bảo nguồn thu ổn định cho họ, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và xã hội của cộng đồng nơi đây.
Ngoài ra, HTX Nông - Dược Trường Sơn Xanh còn hỗ trợ người dân địa phương chế biến các sản phẩm như cao đẳng sâm, sâm hầm gà, đẳng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đẳng sâm…đưa ra thị trường tiêu thụ. Quy trình để tạo ra sản phẩm được giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Với định hướng sản xuất bền vững và đẩy mạnh hỗ trợ người dân trong trồng dược liệu đi đôi với bảo vệ môi trường, HTX này đã hướng dẫn người dân tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, từ cải tạo đất đến việc không được sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, các chất cấm...Nhờ đó, đẳng sâm không chỉ cho chất lượng cao mà môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện.
Theo ông Vũ Văn Khải, Giám đốc HTX, mỗi năm HTX liên kết, thu mua trên 30 tấn đẳng sâm giúp bà con đồng bào Cơ Tu tại A Tiêng. Từ khi xác định tham gia vào thị trường dược liệu, HTX đã xác định phải bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Tận dụng cây dược liệu đẳng sâm
Ông Khải cho biết để tạo việc làm cho bà con địa phương thì thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng thị trường và đưa ra một số sản phẩm đẳng sâm mới đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Nhất là những sản phẩm đạt OCOP 3 sao rất thuận lợi cho HTX trong xúc tiến thương mại. Đẳng sâm hiện đang phát triển ổn định, sản phẩm của bà con mình đều thu mua không phải lo đầu ra.
![]() |
Việc phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP của HTX đã góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững ở A Tiêng. |
Bên cạnh HTX nêu trên, nhắc đến hoạt động kinh tế hợp tác ở xã A Tiêng còn phải nhắc đến một trong những HTX ra đời sớm nhất tại vùng đất này là HTX Dược liệu Đức Huy, chuyên cung cấp các đặc sản của vùng núi rừng địa phương này theo hướng an toàn, chất lượng như cao đẳng sâm, rượu đẳng sâm, đẳng sâm ngâm mật ong, rượu ba kích, nấm lim xanh rừng, nấm linh chi…
Vài năm trước, hai sản phẩm rượu đẳng sâm và cao đẳng sâm của HTX Dược liệu Đức Huy đã đạt chuẩn chuẩn OCOP 4 sao và giải A sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam. Việc phát huy thế mạnh OCOP của HTX trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững ở A Tiêng.
Có thể nói với mô hình kinh tế hợp tác tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, đặc biệt là cây dược liệu như đẳng sâm, hai HTX kể trên đã cùng với người dân A Tiêng liên kết sản xuất để từ đó vươn lên thoát nghèo. Và từ cách nghĩ, cách làm thay đổi đã làm cho hiệu quả chất lượng sản phẩm của HTX được nâng lên rõ rệt, được chính quyền huyện Tây Giang đánh giá cao và lựa chọn để phát triển sản phẩm OCOP.
Để đưa sản phẩm OCOP của HTX đến gần hơn nữa với người tiêu dùng, thời gian qua Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã tích cực khuyến khích và tạo điều kiện cho HTX ở huyện Tây Giang nói chung và xã A Tiêng nói riêng tham gia các hình thức xúc tiến thương mại phù hợp như các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường.
Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, từ định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ cho các HTX ở A Tiêng trong việc tổ chức tập huấn kỹ năng sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh kinh tế tập thể và HTX, trưng bày các sản phẩm OCOP…
Cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, dù các sản phẩm OCOP của HTX ở A Tiêng có sự cải tiến rõ ràng về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm nhưng để tiêu thụ rộng rãi hơn nữa thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Như chia sẻ của bà Phạm Thị Lài, Giám đốc HTX Dược liệu Đức Huy, việc mở rộng thị trường gặp muôn vàn khó khăn khi HTX còn hạn chế về kinh phí truyền thông, marketing và cần sự hỗ trợ nhiều hơn trong khâu quảng bá, xúc tiến thương mại tại các hội chợ.
“Quả ngọt” thay đổi tư duy
Chính vì vậy, để khắc phục hạn chế nêu trên, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với chính quyền huyện Tây Giang và xã A Tiêng để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò hoạt động xúc tiến thương mại đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX. Bên cạnh đó là việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP của HTX và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm…
![]() |
Từ việc tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, các HTX đã tạo công ăn việc làm cho người dân A Tiêng. |
Ngoài việc phát triển kinh tế hợp tác với các sản phẩm OCOP, nhằm mở hướng thoát nghèo thì người dân A Tiêng còn xây dựng các mô hình sinh kế dựa vào nông - lâm nghiệp, biết cách làm giàu từ lợi thế và tiềm năng sẵn có của vùng, cộng với chính sách ưu tiên
Điển hình như gia đình ông Zơrâm Chôi (ở thôn Tà Vàng, xã A Tiêng) đã thực sự thoát nghèo, với thu nhập bình quân mỗi năm lên đến 100 triệu đồng sau nhiều năm chuyển hướng phát triển theo mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng.
Thành công của hộ ông Chôi được xem là “quả ngọt”, tạo động lực thúc đẩy người dân trong vùng cùng mở hướng phát triển kinh tế. Bởi, hộ ông Chôi từng thuộc diện nghèo, nhưng không cam chịu nên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, chọn phương thức canh tác mới phù hợp.
Hoặc như anh Răđăl Nhị (ở thôn Tr’lêê, xã A Tiêng) đã thay đổi mô hình phát triển kinh tế của mình. Cụ thể, việc trồng keo lá tràm không mấy hiệu quả, gia đình anh đã chuyển sang mô hình trồng cây ăn trái. Và anh Nhị trở thành điển hình trong phát triển kinh tế với vườn cam rộng hơn 5.000m2, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 70 triệu đồng.
Theo lãnh đạo UBND xã A Tiêng, cùng với HTX Nông - Dược Trường Sơn Xanh và HTX Dược liệu Đức Huy thì các mô hình kinh tế của những hộ dân như trên đã và đang góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhất là tích cực hỗ trợ người dân kiến thức làm ăn mới, cùng giúp nhau thoát nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thanh Loan