Nhiều năm gắn bó với việc trồng các loại cây lâm nghiệp nhưng quá trình chăm sóc kéo dài, giá cả lại bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường, nhận thấy Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tre măng Bát độ nhiều tiềm năng và được nhiều hỗ trợ, anh Phạm Văn Dũng ở thôn Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đã đăng ký tham gia. Anh chủ động khai thác diện tích cây lâm nghiệp sẵn có, sẵn sàng cho cây trồng mới.
Hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị
"Tham gia vào Dự án, tôi chỉ cần trả trước 5.000 đồng/cây giống, được tỉnh hỗ trợ 7.000 đồng/cây giống, số còn lại khi thu hoạch mới phải thanh toán nên tôi đã mạnh dạn trồng mới 4,9 ha tre măng Bát độ. Ngoài được cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng, tôi còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc một cách tỉ mỉ, đúng khoa học kỹ thuật, được cam kết bao tiêu sản phẩm. Vậy là chẳng còn gì phải lo lắng, cứ yên tâm mà sản xuất thôi”, anh Dũng chia sẻ.
Không chỉ anh Dũng mà hơn 100 hộ dân tại 2 xã Thượng Bằng La, Tân Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú cũng được hưởng những hỗ trợ như thế. Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tre măng Bát độ triển khai trên địa bàn huyện Văn Chấn trong 2 năm 2023 - 2024 có tổng mức đầu tư là 1,452 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng.
![]() |
Hơn 100 hộ dân tại 2 xã Thượng Bằng La, Tân Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú được hưởng những hỗ trợ khi tham gia Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tre măng Bát độ. |
Sau 2 năm, đơn vị thực hiện Dự án đã cung cấp 42.950 cây giống để trồng mới 85,9 ha (mật độ 500 cây/ha) vào thâm canh 50 ha vào chuỗi liên kết. Sau khi trồng, tỷ lệ sống đạt tới 98%, dự kiến sẽ được thu hoạch bói một số diện tích trong năm nay. Rõ ràng, việc tham gia vào chuỗi liên kết đã thúc đẩy nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết quy mô lớn. Sản phẩm của nông dân còn được kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra nên năng suất, chất lượng tốt.
Ngay cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay thức ăn chăn nuôi, căn cứ nhu cầu sử dụng của nhân dân đăng ký, thông qua các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp làm đầu mối giới thiệu nguồn cung cấp đạt chuẩn, vừa tránh được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vừa được hưởng giá ưu đãi khi mua số lượng lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, không phải chật vật lo khâu tiêu thụ, từ đó mang đến nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Anh Nguyễn Tiến Sơn, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ (huyện Trấn Yên) cho biết: "Các thành viên khi tham gia liên kết với HTX thì từ khâu lựa chọn con giống, cơ cấu giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học được thống nhất chung một đầu mối và chung một quy trình sản xuất từ tiêu chuẩn chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, an toàn dịch bệnh… Đến nay, HTX đã có 10 thành viên và gần 30 hộ liên kết chăn nuôi tại các thôn trong xã. HTX thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với các hộ liên kết, trung bình 170 tấn/tháng. Bình quân lương thành viên ổn định 7 - 8 triệu đồng/tháng và với các hộ liên kết thì thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng”.
Theo ông Triệu Phú Thịnh ở thôn Khe Ruộng, xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên), trước đây gia đình ông chỉ trồng chưa đầy 0,3 ha tre Bát Độ, đến vụ thu hoạch không biết bán cho ai, giá cả bấp bênh cộng với vận chuyển đi xa, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, gia đình không mở rộng diện tích trồng mới và cũng không tập trung chăm sóc, thâm canh.
Từ khi có HTX về thu mua, bao tiêu măng tươi ổn định, ký hợp đồng cam kết hỗ trợ và cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn chi tiết, gia đình ông đã chuyển đổi phần lớn diện tích trồng cây sắn, keo sang trồng tre măng Bát Độ.
"Đến nay, gia đình đã có hơn 3ha tre Bát Độ đến tuổi khai thác, khi vào vụ thu hoạch cho sản lượng 1 tấn măng tươi mỗi ngày” ông Thịnh chia sẻ.
Phát triển nông nghiệp bền vững
Thời gian qua, trước những tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp như: các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới; phương thức sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; hoạt động kinh tế hợp tác chưa cao; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị còn ít và chưa hiệu quả; hàng hóa chất lượng cao chưa nhiều, việc gắn kết sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm chưa phổ biến; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế còn hạn chế…, tỉnh Yên Bái đã tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng việc chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, nhằm tạo ra nhiều mô hình sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tăng nhanh sản lượng nông sản qua chế biến. Yên Bái đã từng bước hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với những cây, con chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao.
Với sự hỗ trợ từ Nghị quyết số 69, 4 năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai được nhiều dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước tổ chức lại sản xuất nông, lâm nghiệp quy mô lớn theo hình thức hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững.
Cụ thể, từ năm 2021 - 2024, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ 59 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, số kinh phí đã giải ngân hỗ trợ thực hiện là 31,535 tỷ đồng. Các dự án đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: tre măng Bát độ (17 dự án), trồng dâu, nuôi tằm (16 dự án), chè vùng thấp (6 dự án), chăn nuôi quy mô vừa và lớn (8 dự án), cây ăn quả (4 dự án), cây dược liệu (2 dự án), quế hữu cơ (6 dự án) với tổng kinh phí thực hiện các dự án là 230,7 tỷ đồng.
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã giúp khai thác triệt để lợi thế, thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, khuyến khích chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng nông sản hữu cơ, an toàn. Nhiều sản phẩm nông sản của Yên Bái đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có mã số vùng trồng, từng bước gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.
![]() |
Hỗ trợ cây giống cho bà con Văn Chấn tham gia dự án liên kết sản xuất. |
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị tại Yên Bái là tác nhân quan trọng chuyển mạnh từ xây dựng các "chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các "chuỗi giá trị ngành hàng”. Đồng thời, từng bước thiết lập đồng bộ cả 4 trụ cột chính của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, đó là: nhận thức chuyển đổi số, nền tảng số, hạ tầng số, nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Đến nay, Yên Bái đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, như: cây nguyên liệu gỗ 90.000 ha; cây quế 81.000 ha; cây sơn tra 12.000 ha; cây ăn quả 25.000 ha; tre măng Bát Độ 6.000 ha; cây dược liệu 3.400 ha; nuôi thủy sản 23.000 ha... đảm bảo cho hơn 30 doanh nghiệp và hơn 600 HTX chế biến và tiêu thụ nông sản hoạt động ổn định, hiệu quả.
Kết quả giảm nghèo ấn tượng
Nhờ tận dụng tối đa lợi thế của từng địa phương, kết hợp với việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị cùng chính sách hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả của Nhà nước, nhiều năm qua, tỉnh đã tạo sinh kế ổn định, khơi dậy khát vọng thoát nghèo, giúp người dân phát huy nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4,13%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm lần lượt 6,89%/năm và 9,46%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,68% (tương đương 12.575 hộ) và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,99% (6.612 hộ). 28/59 xã đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,18%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,69%; tỷ lệ hộ nghèo trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,57% so với năm 2024.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện để người dân tự vươn lên, duy trì mức sống ổn định và lâu dài.
Ban lãnh đạo tỉnh cho biết, năm 2025 sẽ tiếp tục hỗ trợ thực hiện 18 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó 15 dự án chuyển tiếp và 3 dự án mới với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 6,278 tỷ đồng. Đây chính là giải pháp hiệu quả thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tập trung duy trì, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, xây dựng các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao và phát triển liên hiệp HTX kiểu mới, từng bước mở rộng phạm vi, quy mô các chuỗi liên kết một các hiệu quả, bền vững theo từng ngành hàng chủ lực...
Linh Đan