Có lẽ, ở Dương Minh Châu, ít ai không biết tới mô hình trồng mít ruột đỏ xơ vàng lá bầu của ông Ngô Văn Được– Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thịnh TN, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.
Tiên phong, mở đường trồng mít ruột đỏ xơ vàng
Trước đây, gia đình ông Được cũng như bao gia đình khác trong vùng, chủ yếu trồng chanh không hạt, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao, lại gặp đúng thời điểm giá nhân công cao nên ông đã tìm hiểu để chuyển đổi sang trồng mít ruột đỏ xơ vàng. Ông Ngô Văn Được bất ngờ khi thấy nhiều nông dân tại các tỉnh miền Tây như Hậu Giang và Cần Thơ trồng mỗi mô lên tới 2 cây mít (trồng gốc đôi), mỗi ha trồng được 1.000 cây, gấp đôi so với cách trồng truyền thống.
![]() |
Chuyển đổi sang trồng mít ruột đỏ xơ vàng đanglà một hướng đi mới hiệu quả của người nông dân ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ảnh BTN |
“Cây mít ruột đỏ xơ vàng đặc biệt thích hợp với việc trồng gốc đôi, vì cây mít ít ra nhánh, không có sự cạnh tranh về dinh dưỡng, khi cho trái cũng không bị ảnh hưởng, trái vẫn to, trung bình từ 10–14 kg/trái”, ông Được nói.
Sau thời gian mày mò tìm hiểu, được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng địa phương, dần dần ông Được đã hình thành được khu đất trồng mít cho riêng mình. Hiện tổng diện tích trồng mít của ông gần 6 ha, gồm 2 ha đang cho trái và 4 ha mới trồng khoảng 18 tháng, chuẩn cho lứa trái đầu tiên.
Theo ông Được, mít là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Cây mít cần nhiều nước tưới nhưng không chịu được ngập úng nên để trồng mít đạt hiệu quả, người trồng cần phải lên ụ, móc mương. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 24 tháng, nhanh hơn so với một số loại cây ăn trái khác, đặc biệt trái mít có trọng lượng lớn.
Khi thấy mô hình trồng mít ruột đỏ xơ vàng khá thuận lợi và phù hợp với thổ nhưỡng ở Dương Minh Châu, ông Được đã tìm hiểu và cuối năm 2024, ông đã quyết định thành lập HTX nông nghiệp Phú Thịnh với 4 thành viên, chuyên trồng mít ruột đỏ xơ vàng với tổng diện tích trên 60 ha. Ngoài ra, HTX còn đảm nhận việc phân phối cây giống và liên kết với các doanh nghiệp, vừa cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua để chủ động từ sản xuất đến cung ứng ra thị trường.
“Khi tham gia HTX, nông dân sẽ được hướng dẫn mọi khâu từ chuẩn bị trước khi xuống giống đến việc cung cấp cây giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn thị trường từ 15%-20%. Trong qua trình chăm sóc, HTX cũng sẽ cử người đến hướng dẫn từng bước, nhằm bảo đảm cho cây phát triển đồng đều, ổn định đến khi thu hoạch, trái mít sẽ được thu mua theo giá thị trường”, ông Được cho hay.
Một thành viên của HTX nông nghiệp Phú Thịnh TN, chia sẻ: "Nếu không có HTX định hướng và hỗ trợ, chắc gia đình tôi vẫn loay hoay với cây chanh, cây mía... Nhờ chuyển sang trồng mít theo hướng dẫn của HTX, thu nhập của gia đình tôi đã khấm khá lên, cuộc sống ổn định hơn nhiều."
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mang lại thu nhập cao
Còn tại xã Truông Mít, một xã với thế mạnh là trồng cây nhãn, trước đây chủ yếu người dân sống bằng trồng nhãn. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình giá cả bấp bênh, cộng với bệnh chổi rồng phát triển mạnh khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này nữa.
Gia đình ông Đào Văn Xi tại ấp Thuận An, xã Truông Mít là một ví dụ, sau thời gian dài trồng nhãn không có hiệu quả, ông chuyển sang trồng rau hữu cơ. Hiện gia đình ông có hơn 2.000m2 chuyên trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày như rau dền, cải, rau tần ô và xà lách. Để nâng cao thu nhập, nhiều năm qua, gia đình ông áp dụng phương thức sản xuất rau hữu cơ theo hướng VietGAP.
![]() |
Trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày như rau dền, cải, rau tần ô và xà lách đang mang lại kinh tế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh BTN |
Ông chia sẻ, người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó, rau là một trong những loại thường xuyên có mặt trên bàn ăn của mỗi gia đình. Sản phẩm làm ra đều bảo đảm chất lượng, an toàn, góp phần bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, đặc biệt hiệu quả kinh tế rau hữu cơ cũng tăng lên nhiều so với cách làm truyền thống trước đây.
Đầu năm 2024, Hội Nông dân xã Truông Mít vận động các hộ trồng rau trên địa bàn tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ ấp Thuận An, đồng thời phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Dương Minh Châu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ cho các hộ nông dân là thành viên Tổ hợp tác. Sau gần 1 năm tổ chức thực nghiệm, mô hình đã thu hoạch được vụ thứ ba, năng suất bình quân 2,5 tấn, giá bán dao động từ 8.000 đồng đến 12.000 đồng/kg.
Theo các nông dân ở đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngoài quyết tâm của gia đình thì có sự động viên, khích lệ rất lớn từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đặc biệt là các Tổ hợp tác, HTX trên địa bàn. HTX đã phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây như mãng cầu ta, dưa lưới, và các loại rau màu có giá trị kinh tế cao.
Trên địa bàn xã hiện có khoảng 15 hộ trồng rau ăn lá với diện tích trên 20 ha. Nhờ vậy đầu ra ổn định. Ước tính mỗi ha trồng rau, bình quân cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí, người nông dân còn lại 40 triệu đồng.
Ông Phan Thanh Quang- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Dương Minh Châu cho biết, trong năm 2024, Trạm phối hợp với nông dân triển khai thực hiện bốn mô hình, gồm: mô hình sản xuất rau hữu cơ, mô hình trồng thâm canh nhãn chuyển đổi từ giống nhãn tiêu da bò sang giống nhãn xuồng cơm vàng, mô hình nuôi cá chạch lấu và mô hình trồng thâm canh chôm chôm. Tham gia mô hình, ngoài việc được hỗ trợ 50% cây, con giống và vật tư, các hộ còn được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn ghi chép nhật ký…
Vai trò "nhạc trưởng" của quá trình tái cơ cấu
Những thành công bước đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Dương Minh Châu như những câu chuyện kể trên không thể không nhắc đến vai trò dẫn dắt, hỗ trợ quan trọng của Lãnh đạo tỉnh, huyện và đặc biệt là Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh. Với vai trò là tổ chức đại diện cho các HTX trên địa bàn tỉnh, Liên minh HTX Tây Ninh đã có nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nông nghiệp phát triển và thực hiện tái cơ cấu hiệu quả.
Liên minh HTX tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ các HTX trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Liên minh đã tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tạo cơ hội cho các HTX học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận thông tin về thị trường và các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nông nghiệp.
Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa các HTX với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp các HTX xây dựng các chuỗi liên kết giá trị bền vững. Liên minh cũng hỗ trợ các HTX trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Có thể nói, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Dương Minh Châu, với sự tham gia tích cực của các HTX và sự hỗ trợ hiệu quả của Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh, đã góp phần mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Tây Ninh. Theo đó, tổng số hộ dân cư trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 324.906 hộ/1.179.989 người. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo qua rà soát là 1.486 hộ, chiếm 0,46% (giảm 597 hộ; giảm 0,19 % so với năm 2023), cụ thể: hộ nghèo có 334 hộ, chiếm 0,1% (giảm 178 hộ, giảm 0,06 % so với năm 2023); hộ cận nghèo có 1.152 hộ, chiếm 0,36% (giảm 419 hộ, giảm 0,13% so với năm 2023).
Với sự quyết tâm của chính quyền, sự năng động của các HTX và sự đồng lòng của người dân, chắc chắn rằng nền nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh nói chung và huyện Dương Minh Châu nói riêng sẽ ngày càng phát triển bền vững và thịnh vượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Tây Ninh.
Quốc Anh