Ở xã Hồng Thượng (huyện A Lưới) trước đây người dân chủ yếu phát triển chăn nuôi bò nhỏ lẻ, mỗi gia đình chỉ nuôi 1-2 con, nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Từ phát triển đàn bò quy mô lớn…
Tuy nhiên, từ khi huyện A Lưới có chủ trương phát triển chăn nuôi bò vàng số lượng lớn và áp dụng chặt chẽ khoa học kỹ thuật, số lượng đàn bò vàng ở địa phương ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Hiện, Hồng Thượng là một trong những địa phương có số lượng bò vàng nhiều nhất huyện A Lưới.
![]() |
Mô hình chăn nuôi bò vàng đã trở thành mô hình thoát nghèo hiệu quả, bền vững cho nhiều hộ dân ở A Lưới. |
Toàn xã có hàng chục hộ dân phát triển chăn nuôi bò vàng số lượng lớn, tổng đàn bò ở xã đã lên hơn 1.000 con. Mô hình chăn nuôi bò vàng đã trở thành mô hình thoát nghèo hiệu quả, bền vững cho nhiều hộ dân.
Điển hình như gia đình ông Lê Văn Chương (thôn Cân Tôm, xã Hồng Thượng) có hoàn cảnh khó khăn vì phát triển chăn nuôi, trồng trọt kiểu nhỏ lẻ, manh mún. Những năm gần đây, bằng việc đầu tư phát triển chăn nuôi bò vàng quy mô lớn, từ hộ nghèo, gia đình ông Chương đã có kinh tế khá giả nhờ thu nhập ổn định.
Như chia sẻ của ông Chương: "Trước đây, gia đình tôi có chăn nuôi bò nhưng số lượng nhỏ lẻ nên thu nhập chỉ như lấy công làm lãi, đời sống vì thế rất khó khăn. Từ khi được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể, tôi mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi bò vàng quy mô gia trại, số lượng lên cả trăm con. Hiện, mỗi năm mô hình chăn nuôi bò vàng cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng".
Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn xã Hồng Thượng với quy mô lớn, cách đây 2 năm UBND huyện A Lưới đã công bố nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới” được bảo hộ Quốc gia, do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận.
Mô hình liên kết chăn nuôi bò với số lượng lớn trong xã cũng được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ trong việc liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ thế, đến nay tại xã Hồng Thượng đã có 109 hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm từ thịt bò vàng A Lưới và chăn nuôi bò được cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu tập thể.
…Đến hướng đi cho kinh tế hợp tác
Để tiếp tục tăng số lượng và chất lượng đàn bò, giúp người dân phát triển kinh tế từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả, đồng thời tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm thịt bò vàng, huyện A Lưới đã xây dựng được bản đồ vùng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới”.
![]() |
Để việc liên kết chăn nuôi bò với quy mô lớn được chặt chẽ hơn nữa, huyện A Lưới cần thành lập các HTX, tổ hợp tác trên cơ sở các hộ tự nguyện tham gia, cùng nhau liên kết trong chăn nuôi. |
Huyện còn thiết kế được logo, tem, nhãn, bao bì mang nhãn hiệu tập thể; xây dựng được quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu, quy chế sử dụng tem, bao bì, xúc tiến và phát triển thương hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.
Thực tế cho thấy A Lưới là huyện vùng cao có diện tích rộng, nhiều đồng cỏ ở vùng gò đồi là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Cho nên đây là những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển đàn bò quy mô lớn. Đặc biệt khi “Bò A Lưới” được đánh giá là giống bò vàng bản địa do đồng bào vùng cao chăn thả tự nhiên, cộng với điều kiện thời tiết đặc thù nên chất lượng thịt thơm ngon riêng có.
Theo thống kê, A Lưới hiện có gần 20.000 con gia súc, trong đó riêng đàn bò hơn 13.000 con. Sản phẩm thịt bò vàng A Lưới đã trở thành một trong những mặt hàng được đông đảo du khách chọn mua khi đến huyện miền núi này.
Đáng chú ý, để việc liên kết chăn nuôi bò với quy mô lớn được chặt chẽ hơn nữa, huyện A Lưới cần thành lập các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt trên cơ sở các hộ tự nguyện tham gia, cùng nhau liên kết trong chăn nuôi. Huyện cũng phát triển chăn nuôi bò theo hướng tập trung, trang trại, gia trại áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ, bảo vệ môi trường
Đây cũng là điều quan tâm, định hướng từ Liên minh HTX Việt Nam để Liên minh HTX Tp. Huế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi bò ở A Lưới. Nhất là kết hợp các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi và các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện tạo thành vùng cung cấp nguyên liệu lớn có chất lượng, bền vững và lâu dài.
Bên cạnh lĩnh vực chăn nuôi bò, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Huế cũng đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của Tp. Huế triển khai các cơ chế chính sách để phát triển kinh tế hợp tác ở A Lưới trong nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là tạo nguồn vốn để hỗ trợ các HTX đầu tư trang thiết bị sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, tổ chức các chương trình kết nối giao thương nhằm tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm của HTX, tổ hợp tác. Và đặc biệt là tăng cường phát triển các mô hình liên doanh liên kết sản xuất lớn của HTX với doanh nghiệp nhằm góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân địa phương.
Sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường
Để liên kết sản xuất lớn, theo giới chuyên gia, A Lưới cần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa ở các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng loại cây trồng, vật nuôi. Không chỉ vậy, nên có thêm nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hợp tác và trang trại. Điều này rất cần bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích đất.
![]() |
Để người dân A Lưới thoát nghèo bền vững, điều quan trọng là cần liên kết sản xuất lớn, có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường và lợi thế sẵn có của địa phương. |
Đơn cử như tại thôn Pi Ây, xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) có hơn 70 hộ dân đã hợp tác với doanh nghiệp để trồng hơn 10 ha ngô giống VN10 theo phương pháp hữu cơ. Theo ông Hồ Văn Trình, Trưởng thôn Pi Ây, việc canh tác hữu cơ đã giúp cải tạo đất đai tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Hoặc như ở xã Hồng Thủy (huyện A Lưới), bà con nông dân đã liên kết với một số doanh nghiệp để sản xuất lúa hữu cơ, với diện tích 65 ha trồng lúa Ra dư (loại lúa đặc sản được đồng bào vùng cao huyện A Lưới canh tác thâm canh trên nương rẫy).
Cách đây vài năm, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cũng được thực hiện trên địa bàn huyện A Lưới. Sự hợp tác này nhằm thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hoặc như với kinh tế trang trại, tại huyện vùng cao A Lưới, hiện nay, ngoài các trang trại, gia trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt cho thu nhập mỗi năm từ 300 đến 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, còn có 50 vườn mẫu của 50 hộ dân được quy hoạch hợp lý, có tính thẩm mỹ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng các loại cây ăn quả.
Có thể nói, để người dân A Lưới thoát nghèo bền vững thì điều quan trọng là cần liên kết sản xuất lớn, có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường và lợi thế sẵn có của địa phương. Chính vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp của huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị có sự tham gia của HTX và các doanh nghiệp.
Thanh Loan