Năm 2024, tỉnh Tiền Giang nỗ lực đẩy nhanh các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, mở mang ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập với sự tham gia của các ngành, các cấp trên tinh thần chung tay vì người nghèo, giảm nghèo bền vững “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Du lịch nông nghiệp tạo việc làm cho người dân
Một trong những mô hình hoạt động hiệu quả tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên đó là HTX nông nghiệp Đông Nghi, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành với mô hình chăn nuôi dê sữa Saanen gắn với du lịch nông nghiệp đã tạo bước đột phá giúp HTX làm ăn hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục thành viên.
Tháng 10/2020, HTX Nông nghiệp Đông Nghi được thành lập. Đến nay, HTX đã phát triển hàng chục thành viên. Các thành viên được HTX cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ thức ăn công nghiệp, ưu tiên thu mua sữa tươi của thành viên với giá ổn định.
Từ 10 con dê giống lúc đầu, đến nay qua lai tạo, HTX đã có đàn dê sữa khoảng 500 con, bên cạnh đó, HTX xuất bán con giống từ 20kg trở lên với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg.
Ngoài chăn nuôi, HTX còn chế biến các sản phẩm từ sữa như: sữa dê tươi nguyên chất có đường và không đường, sữa dê bột và sữa dê sấy thăng hoa, yaourt sữa dê tươi và yaourt sữa dê sấy, bánh flan sữa dê tươi và bánh flan sấy.
![]() |
HTX Nông nghiệp Đông Nghi đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường từ đó tạo lập được lòng tin từ khách hàng. |
Các sản phẩm đã được công bố chất lượng theo quy định và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Có thể nói HTX Nông nghiệp Đông Nghi là đơn vị đầu tiên áp dụng thành công công nghệ sấy thăng hoa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với các sản phẩm từ sữa dê. Sấy thăng hoa là công nghệ sấy cao cấp, quá trình làm khô sản phẩm được cấp đông trong điều kiện chân không. Khi đó nước sẽ thăng hoa trực tiếp từ dạng băng sang dạng khí, thời gian sấy là 48 giờ. Bên cạnh sản phẩm từ sữa, HTX phát triển thêm sản phẩm sấy thăng hoa trái cây như mít, sầu riêng…
Bà Lê Khắc Đông Nghi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Nghi cho biết: “Ngày nay, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm mới lạ có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Với mục tiêu sản xuất các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu sạch, theo hướng organic (thực phẩm hữu cơ) và áp dụng công nghệ sấy tiên tiến mang tính đột phá HTX đã cho ra đời các sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt nhất”.
Sau thành công của sản xuất dê giống và các sản phẩm từ sữa dê, HTX Nông nghiệp Đông Nghi bắt đầu mở thêm mô hình du lịch nông nghiệp. Với diện tích 2,5ha, Nông Trại Đông Nghi chia thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực trồng cỏ rộng 2ha, khu trang trại nuôi 300 con dê sữa… và nhà chờ đón 500 khách, rất thuận lợi cho du khách đến tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ sữa dê.
Đến nay, HTX Nông nghiệp Đông Nghi đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường từ đó tạo lập được lòng tin từ khách hàng. HTX đã có nhiều đại lý, cộng tác viên trên nhiều tỉnh, thành. Nhờ đó đời sống của các thành viên ổn định, không có hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo.
HTX nâng cao năng lực sản xuất cho người dân
HTX Nông nghiệp Đông Nghi chỉ là một trong số hàng trăm HTX trên địa bàn tỉnh đang là những mô hình điểm trong phát triển KTTT, HTX, tạo an sinh cho người dân. Từ sự phát triển của khu vực KTTT đã góp phần vào thành công trong xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Năm 2024 Tiền Giang đã giúp gần 500 hộ được công nhận thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 0,87% đồng thời có 19.000 lao động được giải quyết công ăn việc làm, vượt 5,6% chỉ tiêu cả năm và giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4%.
Từ thành quả năm 2024, trong năm 2025, Tiền Giang phấn đấu tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 20.000 lao động, đưa 550 lao động đi làm việc ở nước ngoài, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4% và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 thêm 0,07 điểm % so năm 2024.
![]() |
Khu vực KTTT, HTX ở An Giang có nhiều đổi thay rõ rệt, góp phần vào giảm tỷ lệ đói nghèo trên địa bàn. |
Trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Tiền Giang, các HTX đóng vai trò quan trọng, thực hiện vai trò "bà đỡ" thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trong sản xuất nông nghiệp, các HTX xúc tiến các dịch vụ quan trọng nhất phục vụ sản xuất của các thành viên và cộng đồng như khâu tưới tiêu nước, cung cấp cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, làm đất...; HTX cũng tiến hành các hoạt động sản xuất, chế biến, cung ứng tín dụng tương hỗ, giúp đỡ tiêu thụ nông phẩm..., từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của các hộ gia đình tại địa phương
Nhờ tham gia HTX, các hộ nghèo có điều kiện ổn định và nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã tạo ra một số thay đổi đáng kể trong quá trình sản xuất nông nghiệp; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn các hộ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất làm tăng giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích; đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới cho thành viên, người lao động thông qua việc triển khai các dịch vụ phục vụ đời sống và phát triển ngành nghề.
Nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX
Tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm củng cố, phát triển KTTT, HTX. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Chính sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương nên hoạt động KTTT đã không ngừng phát triển.
Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang cho biết toàn tỉnh có 271 HTX, Quỹ tín dụng nhân dân, 346 tổ hợp tác, 1 liên hiệp HTX nông nghiệp. Tổng số thành viên là 92.444 thành viên, tổng số lao động là 31.722 người. Đối với tổ hợp tác, tổng số thành viên là 74.206 thành viên. Các HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như: nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng, vận tải, tín dụng.
Tận dụng được các lợi thế sẵn có, các HTX đã ổn định hoạt động, đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị; tích cực tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, tiếp tục mở rộng kênh phân phối, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đổi mới phương thức kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường.
Hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân được giám sát, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, hoạt động đặc thù là tương trợ thành viên, địa bàn hoạt động phần lớn tại vùng nông thôn, đối tượng phục vụ là bà con nông dân, các Quỹ tín dụng nhân dân có vai trò rất quan trọng khi góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, cải thiện diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Để tăng cường hiệu quả về tiếp cận vốn cho các HTX, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nắm bắt các khó khăn, nguyện vọng của HTX trong việc tiếp cận vốn tín dụng; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với HTX bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn của HTX.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang là đầu mối, phối hợp sở, ngành trong việc báo cáo, cũng như có các đề xuất với cấp có thẩm quyền trong việc tháo gỡ các khó khăn trong vay vốn của HTX.
Liên minh HTX tỉnh là đầu mối phối hợp sở, ngành có liên quan trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý, điều hành HTX nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, kiến thức về kế toán tài chính đáp ứng với yêu cầu hiện nay.
Hoàng Hà