Làng nghề Chè sen Quảng An là một trong 3 làng nghề truyền thống của quận Tây Hồ. Sản phẩm Chè sen Quảng An từ lâu đã nổi tiếng với hương vị thơm ngon, nức tiếng Hà Thành và được bạn bè, du khách trong nước và quốc tế biết đến
Tích cực tham gia phát triển kinh tế HTX
Trong nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề, phát huy quyền làm chủ của phụ nữ, HTX Chè sen Quảng An Hương Thủy đã được thành lập với kỳ vọng phát triển mở rộng, đưa sản phẩm chè sen Quảng An ra thế giới.
Sinh ra và lớn lên tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, kế thừa truyền thống của gia đình, chị Trần Thị Thủy đã nối nghiệp tổ tiên để lại và tham gia phát triển nghề truyền thống ướp chè sen. Trong cuộc sống hiện đại, bằng tài năng và sự khéo léo của phụ nữ, chị Thủy không chỉ chu toàn công việc gia đình mà còn đang nỗ lực tham gia xây dựng HTX Chè sen Quảng An để quảng bá và phát triển nghề truyền thống, tạo dựng kinh tế bền vững cho gia đình.
![]() |
Chị Trần Thị Thủy đã nối nghiệp tổ tiên để lại và tham gia phát triển nghề truyền thống ướp chè sen. |
Nghề ướp trà sen Quảng An đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quyết định này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô.
Chị Bùi Minh Hằng, Giám đốc HTX Chè sen Quảng An Hương Thủy cho hay: Với sự đồng thuận của 6 thành viên, HTX do chị em phụ nữ làm lãnh đạo quản lý được thành lập đã giúp cho hội viên phụ nữ và nhân dân địa phương khai thác tối đa nghề truyền thống để đưa sản phẩm làng nghề vươn xa.
Tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, khi nghề truyền thống làm nón làng Chuông đứng trước nguy cơ mai một, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã nắm bắt xu thế của thị trường, phát triển đa dạng bài toán kinh tế của làng nghề nhưng vẫn giữ được trọn vẹn giá trị truyền thống cốt lõi.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ, sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, số hộ làm nón lá của làng Chuông chỉ vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay, lượng sản xuất cũng chỉ cầm chừng. Cũng vì lẽ đó mà năm 2023, HTX Mây tre nón lá Tạ Thu Hương được thành lập với 7 thành viên chính thức và tạo việc làm thường xuyên cho rất nhiều lao động địa phương.
Hay như nữ Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu Kim Thông bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 59 trên diện tích 2ha trồng cây Sacha Inchi ở huyện Phú Xuyên với 7 hộ gia đình.
Giám đốc HTX Đỗ Thị Kim Thông cho biết, mỗi ha Sacha Inchi ban đầu được đầu tư khoảng 150 triệu đồng thì có thể thu lại khoảng 350 triệu đồng, đạt từ 5-7 tấn hạt/ha.
Với mong muốn nhân rộng mô hình cây trồng cho năng suất cao, bà Thông từ Thủ đô, cùng với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên tạo được vùng nguyên liệu 500ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhờ đó mà sản lượng bao tiêu của HTX hàng tháng đều đạt khoảng 60-70 tấn hạt và được nhập khẩu vào thị trường châu Âu, Trung Quốc…
“Khi tham gia lãnh đạo HTX, tôi nhận thấy phụ nữ có nhiều lợi thế trong việc quản lý, điều phối sản xuất và kinh doanh. Sự tỉ mỉ, cẩn trọng và khả năng kiên nhẫn của phụ nữ giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và xây dựng niềm tin với khách hàng”, bà Thông bộc bạch.
Đóng góp cho kinh tế địa phương
Theo thống kê, tính đến tháng 3/2025, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP Hà Nội đã có hơn 50 HTX do phụ nữ sáng lập và điều hành, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ và thương mại.
Các HTX đã được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng quản trị HTX, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Ngoài ra, các hội viên cũng được tư vấn về pháp lý, hỗ trợ đăng ký thành lập HTX theo đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ số vào quản lý và tiêu thụ sản phẩm đã giúp các HTX do phụ nữ lãnh đạo nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử. Một số mô hình HTX điển hình đã đạt được thành công đáng kể, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nữ.
Đơn cử như HTX Nông nghiệp sạch Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đã ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm. Hay HTX Dệt may Hồng Hà (quận Long Biên) đã phát triển thành công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Lãnh đạo Thành phố đánh giá, hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) đã tạo sự đoàn kết, gắn bó với nhau trong xóm, ngoài làng. Trong đó, các mô hình KTTT do phụ nữ quản lý đã giúp cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ, nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tại địa phương.
![]() |
Nghệ nhân Tạ Thu Hương đã phát triển sản phẩm nón lá làng Chuông |
Theo báo cáo về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 và công tác giảm nghèo giai đoạn 2022 – 2025, TP Hà Nội đã đạt được kết quả nổi bật.
Năm 2022, toàn thành phố đã giảm được 1.582 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 0,095%. Năm 2023 giảm được 1.456 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,03%. Với các giải pháp đồng bộ, sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, đến hết năm 2024, TP Hà Nội đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm còn 9.928 hộ (chiếm 0,43% số hộ dân) đã hoàn thành trước kế hoạch, vượt 182% chỉ tiêu giao. Như vậy, chỉ tiêu giảm nghèo đã về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2022-2025.
Hướng đi đúng đắn
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam và các tổ chức quốc tế, nữ lãnh đạo HTX không chỉ riêng Hà Nội mà trên cả nước đã chứng minh khả năng lãnh đạo xuất sắc, giúp các HTX phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào kinh tế địa phương.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo HTX khá phổ biến và đạt hiệu quả cao.
“Với loại hình KTTT rất vừa vặn và phù hợp với phụ nữ, gắn với bản địa, làng xóm, kết dính chặt chẽ của phụ nữ khi phát triển kinh tế và chăm lo cho gia đình. Chưa kể, người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay lại chịu thương, chịu khó, kiên trì và nỗ lực đổi mới sáng tạo. Do đó, nếu có nhiều nữ lãnh đạo HTX tham gia thì loại hình kinh tế tập thể này sẽ phát triển bền vững và khẳng định tính đúng đắn”, bà Vân nhận định.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nữ lãnh đạo HTX châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 7/2024, bà Helma Vermue, Chủ tịch Mạng lưới Phụ nữ và Kinh doanh của LTO (Hà Lan) chia sẻ, bà thực sự ấn tượng về quy mô và phương thức hoạt động của các HTX Việt Nam do phụ nữ làm chủ mà bà đã đến thăm.
“Chúng tôi tin rằng, những người phụ nữ hoàn toàn có thể đương đầu và xử lý được rất nhiều khó khăn và thử thách. Khi có nhiều thành viên là nữ giới, sức mạnh của HTX sẽ được củng cố”, bà Helma Vermue đánh giá.
Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các mô hình KTTT của các cấp Hội phụ nữ Hà Nội vẫn còn một số hạn chế; việc hỗ trợ của các cấp Hội trong quá trình thành lập các HTX, tổ hợp tác do phụ nữ điều hành, quản lý còn chưa nhiều; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa sâu và hiệu quả, đặc biệt chưa hiểu rõ tính ưu việt của HTX kiểu mới; quyền và nghĩa vụ khi tham gia tổ hợp tác, HTX...
Thời gian tới, lãnh đạo Thành phố cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các HTX nữ giới tiếp cận chính sách phát triển, đồng thời nhân rộng các mô hình HTX hiệu quả, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực KTTT, nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế địa phương.
Linh Đan