Thông tin tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016-2025, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La tổ chức chiều nay (16/5), ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho hay, nhờ chủ trương phù hợp với thực tiễn, sau 10 năm triển khai Sơn La đã có hơn 85.000ha cây ăn quả và cây sơn tra, tăng 219% về diện tích so với năm 2016, sản lượng tăng 332%; đạt 81,14% so với mục tiêu năm 2025.
Nông dân, HTX làm giàu từ trồng cây ăn quả
Tính đến nay, các sản phẩm trái cây Sơn La hiện nay có mặt ở hầu khắp các siêu thị trong nước, các sàn thương mại điện tử, chợ đầu mối, đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, đặc biệt là xuất khẩu tới 15 thị trường gồm: Trung Quốc, Úc Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Đài Loan, UAE...
Một trong những khu vực đóng góp lớn vào thành công của câu chuyện trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Sơn La phải kể tới các HTX nông nghiệp. Đã có rất nhiều mô hình trồng cây ăn quả thành công mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương.
Điển hỉnh là HTX Phương Nam (xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu). HTX được thành lập năm 2016, từ 80 ha nhãn ban đầu, đến nay, liên kết sản xuất hơn 300 ha nhãn. Các hộ thành viên HTX áp dụng công nghệ tưới ẩm, gắn camera giám sát phục vụ truy xuất nguồn gốc...
Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, cho hay, vùng sản xuất nhãn của HTX được cấp mã số vùng trồng, UBND tỉnh công nhận là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, sản phẩm nhãn của HTX tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, Italia, Nhật Bản... Bình quân thu nhập 200 triệu đồng/ha.
![]() |
Vùng sản xuất nhãn của HTX Phương Nam (Sơn La) được cấp mã số vùng trồng, UBND tỉnh công nhận là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. |
Được biết, phát triển cây ăn quả trên đất dốc còn giải quyết việc làm, thu nhập cho nông dân trong tỉnh. Các hộ nông dân không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả. Năm 2024, toàn tỉnh có 26.201 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nổi trội nhất là trồng cây ăn quả.
Xã Mường Bú có vùng cây ăn quả lớn nhất huyện Mường La với hơn 1.600 ha các loại, mang lại thu nhập ổn định cho bà con, cũng là một trong những xã có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp của huyện với 312 hộ.
Là hộ tái định cư thủy điện Sơn La, gia đình anh Lò Văn Thương đến tiểu khu 2, xã Mường Bú, huyện Mường La, khởi nghiệp với 1,2 ha đất trồng ngô sắn, cuộc sống chỉ tạm đủ ăn. Nhận thấy hiệu quả của trồng cây ăn quả, gia đình anh đã dần mở rộng diện tích trồng kết hợp với sản xuất và kinh doanh cây giống. Với 13 ha cây ăn quả, lãi hơn 2 tỷ đồng/năm, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ.
Ông Tòng Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lót cũng vui mừng nói: Toàn xã có gần 1.900 ha cây ăn quả các loại, được sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, xây dựng vùng trồng xuất khẩu, có gần 270 ha được công nhận vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 1.020 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Bình quân mỗi ha cây ăn quả đạt 180-200 triệu đồng/năm. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân trên 55 triệu đồng/người/năm.
Biến không thành có, biến khó thành dễ
Được biết, tỉnh Sơn La đã thực hiện chuyển đổi diện tích cây lương thực trên đất dốc, cây trồng kém hiệu quả là 33.189ha. Trong đó, chuyển đổi 1.259ha đất trồng lúa nương, 30.599ha đất trồng ngô, 716ha đất trồng sắn và 615ha đất trồng cà-phê sang trồng cây ăn quả.
![]() |
Sau 10 năm triển khai Sơn La đã có hơn 85.000ha cây ăn quả và cây sơn tra, tăng 219% về diện tích so với năm 2016. |
Có thể thấy, việc chuyển đổi diện tích cây công nghiệp, cây lương thực hiệu quả kinh tế thấp sang cây ăn quả đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Sơn La, mang lại chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ứng dụng các quy trình thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đã có 8 vùng cây trồng được cấp quyết định công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao được công nhận, trong đó có 5 vùng trồng cây ăn quả na, nhãn, xoài, mận tại các huyện, đạt 200% so với mục tiêu đề ra đến năm 2025.
Năm 2016, Sơn La không có diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đến nay, Sơn La đang duy trì 218 mã số vùng trồng, gồm 202 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, 16 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích 3.142ha và 8 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu nhãn, xoài, mắc ca, chanh leo.
Toàn tỉnh hiện có 31 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. So với năm 2016 tăng 30 sản phẩm được cấp bảo hộ; có 59 sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến từ quả.
Từ 2016 đến nay, tỉnh Sơn La đã hình thành 335 doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX trồng cây ăn quả với diện tích 6.766ha, tăng 297 doanh nghiệp, HTX trồng cây ăn quả so với năm 2015.
Năm 2015, tại Sơn La chủ yếu sơ chế thủ công, đến năm 2025 toàn tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, trong đó có 17 nhà máy và 543 cơ sở; có hơn 2.700 cơ sở sấy long nhãn, nông sản và 40 kho lạnh, góp phần kéo dài thời gian bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm quả tươi khi đến thời vụ thu hoạch trong thời gian ngắn.
Ngoài giải quyết được vấn đề kinh tế, tỉnh Sơn La đã giải quyết được việc làm, thu nhập cho người nông dân thông qua việc thu hút được 3 nhà máy chế biến quả lớn và các cơ sở chế biến quả quy mô nhỏ, vừa trên địa bàn gắn với phát triển vùng nguyên liệu tại các huyện, thành phố.
Thông qua phát triển HTX sản xuất, chế biến quả đã góp phần thực hiện thắng lợi tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải quyết cho gần 5.000 lao động có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hồng Hương