Còn nhớ, huyện Vân Đồn từng là một trong những địa phương “điểm đen” thiệt hại từ bão Yagi. Ước tính tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện Vân Đồn đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.000 tấn, cùng hàng chục nghìn tấn hàu, cá mới thả giống, tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 2.200 tỷ đồng. Đến nay, sau gần 1 năm, các ngư dân trong đó có nhiều HTX, tổ hợp tác đã nhanh chóng tái thiết hoạt động nuôi trồng thủy sản.
HTX thiệt hại hàng tỷ đồng từ bão Yagi
Là một trong số những hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng sau bão số 3, ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ, cho biết, nhiều năm qua, HTX đã tổ chức các mô hình nuôi biển, đạt doanh thu 28-32 tỷ/năm. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã lấy đi tất cả, ước tính mỗi thành viên thiệt hại 5-6 tỷ đồng. Riêng gia đình ông Bính mất hơn 7 tỷ đồng. Không lưu luyến, tiếc nuối hơn 10ha nuôi hàu gần đến kỳ thu hoạch và lồng, bè của mình đã trôi theo bão, thay vào đó, ông chạy đua để nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất trở lại.
![]() |
Các HTX, ngư dân tại Vân Đồn (Quảng Ninh) đã nhanh chóng phục hồi, phát triển sau những thiệt hại của trận siêu bão Yagi. |
Chịu chung những thiệt hại từ sau trận bão Yagi lịch sử, HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nuôi trồng Thủy sản Thành Công (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) cũng bị tổn thất nặng nề. Anh Vũ Viết Vương, Giám đốc HTX chia sẻ, dù đã sau gần một năm kể từ khi cơn bão đi qua, nhưng những ám ảnh và thiệt hại đối với người dân biển thì vẫn còn đó.
“Chưa bao giờ người làm nghề nuôi biển ở Quảng Ninh phải đối diện với những thiệt hại to lớn, khủng khiếp đến như vậy, người ít thì cũng vài trăm triệu, người nhiều thì hàng tỷ, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng bị cuốn trôi theo sóng nước. Chỉ riêng HTX chúng tôi giá trị thiệt hại tài sản gồm lồng bè nuôi cá song, cá vược cho tới hàu sữa đã xuống giống gần đến ngày thu hoạch cũng phải lên tới trên 10 tỷ đồng” – anh nói.
Được biết, với những người dân biển như anh Vương, thả một con hàu, con cá xuống biển nghĩa là gửi gắm vào đấy cả sổ đỏ, nhà cửa và tiền vay mượn ngân hàng, họ hàng để đầu tư. Một hộ nuôi biển kéo theo biết bao hộ khác phụ trợ như cung cấp giống, vật tư, chế biến, vận tải.
Mặc dù khó khăn chồng chất, nhưng nếu dừng không làm nữa là chuyện không thể, cho nên anh Vương cho hay các thành viên của HTX cùng động viên nhau, vừa khắc phục hậu quả của cơn bão vừa bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất, tiếp tục vay ngân hàng để tái sản xuất. Thêm vào đó ngoài vùng nuôi hiện có ở vùng biển Vân Đồn, HTX tiếp tục xin tỉnh Quảng Ninh cấp thêm vùng nuôi mới ở TP Cẩm Phả để nuôi trồng.
Điểm tựa vững chắc
Để tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống, khôi phục diện tích NTTS bị thiệt hại, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh đã nhanh chóng huy động mọi sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, tạo các điều kiện thuận lợi, như hỗ trợ vốn, con giống, tổ chức quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại quy hoạch vùng nuôi cho cá nhân, tổ chức, HTX tạo điều kiện tối đa cho người dân như ông Bính, anh Vương và những hộ nuôi trồng khác yên tâm sản xuất.
![]() |
UBND huyện cùng Liên minh HTX tỉnh đã nhanh chóng huy động mọi sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, tạo các điều kiện thuận lợi, như hỗ trợ vốn, con giống, tổ chức quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại quy hoạch vùng nuôi cho cá nhân, tổ chức, HTX... |
Mặc dù đến hiện tại, diện tích NTTS chưa đạt như kế hoạch đề ra, song đã phần nào giúp người dân yên tâm quay lại nghề, khắc phục khó khăn để đưa việc NTTS của Vân Đồn lấy lại “phong độ” vốn có.
Tại HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ do ông Nguyễn Sỹ Bính làm Giám đốc, là một trong những đơn vị đầu tiên ở Vân Đồn liên kết doanh nghiệp để phát triển mô hình nuôi biển bền vững; mạnh dạn đầu tư chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường, chuyển từ sản xuất đơn canh sang mô hình nuôi biển kết hợp giữa nuôi hàu, nuôi rong sụn và xây dựng trang trại du lịch trên biển.
Nhờ những quyết định tiên phong của người đứng đầu, đến nay, HTX đã thu hút 23 thành viên tham gia. Ông Bính tính toán, thông thường mỗi năm nuôi trồng 3 vụ rong sụn với sản lượng đạt 70-100 tấn/ha/năm, kết hợp nuôi hàu sữa, cá lồng bè, đã giúp cho mỗi thành viên hợp tác xã thu về hơn 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng.
“Thời gian qua, được sự quan tâm sát sao của các cấp, các ngành, Liên minh HTX tỉnh cùng Liên minh HTX Việt Nam, các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại địa phương đang dần hồi sinh. Tại HTX Phất cờ, mỗi thành viên có ý chí cùng hạ quyết tâm cao, chúng tôi tin tưởng tương lai tươi sáng cùng những vụ mùa bội thu sẽ sớm trở lại”, ông Bính chia sẻ.
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Dưới sự định hướng của Liên minh HTX Việt Nam và sự vào cuộc chủ động của Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, các chính sách hỗ trợ không chỉ tập trung vào việc thành lập mới HTX mà còn từng bước hỗ trợ, giúp hàng trăm hộ dân là các thành viên của HTX nâng cao đời sống, từng bước phát triển bền vững.
Ông Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay hiện nay, toàn tỉnh có 3 Liên hiệp HTX và 1.087 HTX, trong đó có 710 HTX đang hoạt động, có kê khai thuế, nằm trong tốp các địa phương có số HTX tăng nhanh nhất cả nước.
Các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển theo chiều sâu, năng động, chất lượng, hiệu quả, bền vững với nhiều mô hình hợp tác, liên kết. Các HTX đang huy động trên 3.500 tỷ đồng vào sản xuất kinh doanh, đóng góp vào nền kinh tế tỉnh 1,2% GRDP; tạo việc làm cho gần 75.000 lao động, chiếm 10,9% lực lượng lao động toàn tỉnh, là một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
Trong số các HTX đang hoạt động, có 71% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, là động lực quan trọng trong hệ thống sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi biển, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh. Các HTX đang phát triển theo mô hình chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu, sơ chế ban đầu, đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là nền tảng cho liên kết chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa.
Tại khu vực kinh tế tư nhân, HTX có sự phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, ngành nghề, rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã tạo nên một phong trào sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện hiệu quả ba chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, hải đảo và ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh ở cơ sở.
Đặc biệt, thông qua hợp tác với các đơn vị chức năng, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức tư vấn, đào tạo, giúp các HTX từng bước ứng dụng phần mềm quản lý, sàn thương mại điện tử, và các giải pháp công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều HTX nông nghiệp, thủy sản đã từng bước tiếp cận thị trường rộng lớn hơn và nâng cao giá trị gia tăng.
Ngoài ra, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cũng được triển khai đồng bộ. Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhiều hội chợ, sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương, giúp các HTX mở rộng đầu ra, nhất là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Nhờ đó, doanh thu bình quân của các HTX trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 850 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt 550 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/năm... góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.
Những đóng góp của KTTT, HTX đã góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở Quảng Ninh trong nhiều năm qua. Nhờ đó, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, năm 2023 toàn tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo là 925 hộ, chiếm tỷ lệ 0,241% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025. So với mức chuẩn nghèo của Chính phủ, tiêu chí thu nhập cao hơn khoảng 1,4 lần (tại khu vực thành thị ở Quảng Ninh là 2,6 triệu đồng/người/tháng, ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng).
Nếu theo tiêu chí này, toàn tỉnh có 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh và 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797%. Toàn tỉnh có 7/13 địa phương không còn hộ nghèo, 6 địa phương còn lại có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Trong tổng số 13 huyện/thành phố, TP Hạ Long không còn hộ cận nghèo, 7 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 1%, 5 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo trên 1%.
Có thể thấy các HTX, tổ hợp tác đang có những đóng góp tích cực trong quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng cường sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ở Quảng Ninh.
Đây là kết quả của các chính sách hỗ trợ thiết thực từ ban ngành tỉnh, địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu thế hiện đại và hội nhập.
Hồng Hương