HTX Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), HTX được thành lập vào năm 2001, hoạt động trong 4 lĩnh vực: Khai thác, xử lý và cung cấp nước sinh hoạt; cung ứng vật tư nông nghiệp, lúa giống; tiêu thụ lúa thương phẩm chất lượng cao và thi công đường ống nước. HTX hoạt động với phương châm “Hợp tác để phát triển”. Khi mới thành lập, HTX có 800 thành viên; qua quá trình phát triển, hiện HTX có 2.394 thành viên với vốn điều lệ 2,394 tỷ đồng, tổng vốn hoạt động 5 tỷ đồng.
Liên kết để nâng cao thu nhập cho thành viên
Sản xuất lúa là lĩnh vực chủ lực của HTX với tổng diện tích khoảng 800 ha. Thời gian qua, HTX đã xây dựng mã số vùng trồng lúa nội địa với diện tích 255,02 ha/515 hộ. Bên cạnh đó, HTX còn tích cực phối hợp cùng các ngành, các cấp triển khai thực hiện mô hình Cánh đồng lớn trên địa bàn xã. Theo đó, HTX đã tổ chức tuyên truyền, họp dân để phân tích, bàn và công khai về các nguồn hỗ trợ của cấp trên cũng như kế hoạch liên kết sản xuất với các doanh nghiệp.
Để triển khai mô hình Cánh đồng lớn hiệu quả, HTX đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn cho thành viên và trang bị kỹ thuật canh tác lúa theo chương trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”... ngay từ đầu vụ. Điều này giúp hạn chế các loại dịch bệnh và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, qua đó giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. Bên cạnh đó, nông dân được ứng trước vật tư (lúa giống) đến khi thu hoạch không tính lãi.
Để nâng cao thu nhập, giúp thành viên an tâm sản xuất, gắn bó lâu dài, HTX Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì đã chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ, liên kết với các doanh nghiệp, đối tác trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, HTX kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp giúp thành viên an tâm hơn trong sản xuất. Qua đó, HTX từng bước làm thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ và tập quán gieo sạ của nông dân, hướng đến sản xuất tập trung, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận.
![]() |
Các thành viên của HTX Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì tham gia Lớp tập huấn ứng dụng phần mềm chuyển đổi số. |
Đồng thời, ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với Công ty TNHH MTV Sản xuất kinh doanh HK Green, Công ty TNHH Vinh Hiển. Ngoài ra, HTX còn tiên phong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích thực hiện 59,81 ha với 137 hộ dân tham gia. Điều này giúp nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Lượng, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện HTX đang liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp trên diện tích hơn 60 ha. Khi tham gia liên kết, đối với những diện tích lúa giống, thành viên sẽ bán lúa cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg. Riêng những hộ không sản xuất lúa giống thì bán cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg”.
Sản xuất rau màu cũng là một trong những thế mạnh của HTX. Đối với những thành viên sản xuất rau màu, HTX cũng chú trọng liên kết để tìm đầu ra cho nông dân. Cụ thể, trên dưa hấu, hiện HTX đã được cấp mã số vùng trồng trên cây dưa hấu với diện tích 63,31 ha/86 hộ.
HTX liên kết với HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh và một thương lái tại địa phương để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Trên cây bắp, HTX cũng liên kết với thương lái để thu mua nông sản. Điều này góp phần giải quyết đầu ra nông sản cho thành viên.
Ông Huỳnh Văn Lượng cho biết thêm: “Nhờ linh động trong sản xuất, kinh doanh với những hướng đi hợp lý cùng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, thành viên, thời gian qua, HTX đã hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra. HTX không chỉ giải quyết được các áp lực cạnh tranh, mà còn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh. HTX đã tích cực tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn mà thành viên tham gia các mô hình gặp khó, đặc biệt là tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp”.
HTX tạo việc làm cho gần 100.000 thành viên
Những HTX như HTX Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì không phải là hiếm ở Tiền Giang, theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, các HTX đã góp phần đưa thương hiệu nông sản Tiền Giang ngày một bay xa, đồng thời khẳng định vị thế qua các sản phẩm đặc sản nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của các HTX. Trong đó, một số sản phẩm đặc trưng có thể kể đến như: Xoài cát Hòa Lộc, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Cai Lậy, khóm Tân Phước; lúa - gạo chất lượng cao từ các vùng chuyên canh lúa, nổi bật với các giống lúa thơm đặc sản VD20 của vùng Gò Công; sản phẩm chế biến xoài sấy, sầu riêng sấy, yaourt sữa dê, mứt khóm, mứt sơ ri, trà mãng cầu, trà thảo dược, rượu nhung hươu, rượu đông trùng hạ thảo…
Đáng nói, các HTX đã góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, góp phần vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm qua. Cụ thể, năm 2024 gần 500 hộ được công nhận thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 0,87% đồng thời có 19.000 lao động được giải quyết công ăn việc làm, vượt 5,6% chỉ tiêu cả năm và giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4%.
![]() |
HTX Rau an toàn Tân Đông (Tiền Giang) đã giúp cho cuộc sống nông dân địa phương ngày càng khấm khá, thoát cảnh nghèo khó. |
Từ thành quả năm 2024, trong năm 2025, Tiền Giang phấn đấu tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 20.000 lao động, đưa 550 lao động đi làm việc ở nước ngoài, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4% và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 thêm 0,07 điểm % so năm 2024.
Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh phát triển khu vực HTX. Theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, năm qua kinh tế - xã hội tỉnh phát triển tốt, trong đó khu vực KTTT tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân và góp phần xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc. Các HTX không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng hoạt động được cải thiện, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng phổ biến.
Toàn tỉnh hiện có 276 HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, vận tải và tín dụng với hơn 93.000 thành viên, tạo việc làm cho hơn 33 nghìn lao động với thu nhập bình quân hơn 80 triệu đồng/người/năm.
Tăng cường hỗ trợ hoạt động cho các HTX
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ ưu đãi cho khu vực KTTT, HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển nguồn nhân lực, đất đai, khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xúc tiến thương mại, vốn vay ưu đãi,... Cụ thể, ngày 09/12/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 36/NQ-HĐND về phê duyệt chủ trương thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Tiền Giang, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ngày càng tăng của khu vực KTTT, HTX.
Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước và sự tự nỗ lực vươn lên, các HTX không ngừng được củng cố và mở rộng quy mô; đặc biệt việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tham gia chương trình OCOP, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang cho biết Liên minh HTX đặt ra một số mục tiêu quan trọng như: Xây dựng cầu nối hiệu quả giữa các HTX và doanh nghiệp, tạo điều kiện để hai bên hiểu rõ nhu cầu của nhau, từ đó thúc đẩy các giao dịch kinh doanh; thông qua các thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ các HTX cải thiện năng lực sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường; tạo cơ hội để các sản phẩm đặc sản của Tiền Giang vươn xa, không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn cạnh tranh ở các thị trường quốc tế.
Trong thời gian tới, các HTX của tỉnh cần chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường. Các doanh nghiệp, trong vai trò là đối tác chiến lược, cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các HTX trong việc tiêu thụ sản phẩm và phát triển sản xuất. Các thỏa thuận hợp tác cần được triển khai thực chất, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tập thể và kinh tế địa phương.
Hoàng Hà