Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, năm 2013, HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hòa An Tây đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực vệ sinh môi trường (VSMT).
Nâng chất môi trường
Bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng. Tuy có nhiều trở ngại, nhưng được sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh, chính quyền địa phương cùng một số chủ trương hỗ trợ HTX làm dịch vụ này, như: Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề xử lý rác và giữ gìn vệ sinh cộng đồng; có những hình thức trợ giúp và tháo gỡ khó khăn mà HTX đang gặp phải…
Địa bàn HTX đảm nhận công tác thu gom và vận chuyển rác thải rộng trải dài trên trục đường liên xã và Quốc lộ 25, đoạn qua địa bàn xã Hòa An. Trên địa bàn có hơn 2.000 hộ gia đình, gần 100 hộ kinh doanh, 12 doanh nghiệp, 1 chợ trung tâm xã, 2 chợ xóm và 1 điểm tiểu thủ công nghiệp. HTX đã liên kết chặt chẽ với chính quyền để quản lý số hộ tham gia.
Rác thải sinh hoạt được thành viên HTX thu gom vào thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy hàng tuần, nhằm tránh tình trạng ứ đọng rác bốc mùi hôi. Sau khi thu gom, HTX hợp đồng với 2 chủ xe công nông vận chuyển rác từ các điểm đường đến điểm xử lý theo quy định. Hai công nhân đảm nhận việc vận chuyển rác thải được HTX trả 3 triệu đồng/ tháng, được trang bị bảo hộ lao động giống như các thành viên khác.
Bên cạnh đó, HTX thực hiện ra quân thu gom rác thải, như: Chai lọ thủy tinh, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt trên các gò bãi, kênh mương và rác thải sinh hoạt đầy ứ được nhét vào các bờ rào, bụi rậm, các khe tường tại các thôn, xóm… Các bể đựng rác cũng được xây dựng trên các cánh đồng để người dân bỏ rác thải độc hại trong quá trình sản xuất vào, tránh tình trạng vứt bừa bãi trên kênh mương làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Từ khi mở rộng hoạt động sang lĩnh vực VSMT, HTX đã giúp chính quyền địa phương quản lý, làm giảm tình trạng thải chất thải bừa bãi trên các điểm công cộng, kênh mương tưới tiêu… góp phần làm cho môi trường được xanh, sạch, đẹp; tạo cảnh quan và bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch sẽ.
![]() |
Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Phú Hòa |
Lợi ích bền vững
Gắn bó với cây lúa và mong muốn các thành viên có thể sống được bằng cây lúa, Ban Giám đốc HTX luôn trăn trở trước tập quán cấy dày, cấy mạ già và quản lý dịch hại chưa đúng cách dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao và còn ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường của thành viên và người dân.
Với vai trò của những người đứng đầu, Ban Giám đốc HTX đã không ngừng học hỏi, tạo điều kiện để thành viên đẩy mạnh ứng dụng KH-KT nhằm nâng cao chất lượng cây lúa.
HTX đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện ứng dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM với 4 nguyên tắc cơ bản là trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia.
Các thành viên thực hiện giảm lượng giống gieo sạ gắn với kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa. “50 ha lúa của 80 thành viên thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn, có sự hỗ trợ tích cực từ máy móc. HTX chỉ sử dụng lượng giống 4kg/sào, thấp hơn so với cách làm trước là 5 - 6 kg/sào”, ông Đặng Minh Nghĩa - Giám đốc HTX, cho biết.
Nhờ thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp IPM, đến nay, các thành viên đã có biện pháp theo dõi và quản lý đúng theo hướng có lợi cho cây lúa, đồng thời nhận biết và phân biệt được các loại thiên địch trên đồng ruộng để có biện pháp bảo vệ các loại thiên địch có lợi, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm chết thiên địch và mất cân bằng hệ sinh thái.
Hiện, diện tích lúa của HTX cho năng suất 70 - 80 tạ/ha/vụ, cao hơn 3 - 5 tạ/ha/vụ so với ruộng thường. Nhờ giảm lượng giống gieo sạ, giảm công chăm sóc nên hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 - 2 triệu đồng/ha/vụ.
Huyền Trang