Nhắc đến các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn huyện Hải Hậu, không thể không kể đến đặc sản gạo tám xoan với hạt gạo thon dài, mùi thơm đặc trưng, mềm, dẻo. Tuy nhiên, đã có thời điểm, giống lúa này đối mặt nguy cơ mai một, do thoái hóa giảm chất lượng.
Tìm lại thương hiệu hạt gạo sạch
Trước tình hình đó, năm 2018, HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải An đã bắt tay triển khai mô hình phục tráng giống lúa truyền thống, bằng cách xây dựng quy trình canh tác, sơ chế, bảo quản gạo theo tiêu chuẩn hữu cơ.
![]() |
Sản xuất sạch hơn chính là chìa khóa để cây lúa ở Hải Hậu "hồi sinh", cho giá trị cao. |
Theo đó, 30 ha chuyên canh lúa tám xoan được HTX khoanh vùng ngăn cách với khu vực cấy các giống khác bằng “hàng rào” tự nhiên (cây điền thanh, chuối) nhằm đảm bảo chất lượng và ngăn chặn thuốc bảo vệ thực vật ở các cánh đồng xung quanh xâm nhập vào.
Khu đất trồng lúa cũng được HTX cải tạo bằng phân xanh ủ các loại ốc bươu vàng, cá tạp, cây chùm ngây, điền thanh, lá chuối tiêu, vôi bột trong 4 - 5 tháng. “Thuốc trừ sâu" được tự chế từ những thành phần có nguồn gốc sinh học như vôi bột, giấm, cơm mẻ, ớt, tỏi, chuối chín, đường vàng…
Ðặc biệt, việc thu hoạch, sơ chế được thành viên HTX tiến hành theo đúng quy trình gặt non khi hạt thóc vừa đặc sữa (lúa chín được 8 phần chứ không chín đẫy), lấy lại hương vị gạo tám thuần chất.
Cùng với tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, thân thiện môi trường, HTX Toàn Thắng còn được tỉnh, huyện và các sở, ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường.
Bên cạnh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, Giám đốc Hà Minh Đức cho biết, HTX đã chủ động đẩy mạnh liên kết, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau từ vốn, dịch vụ đầu vào, kỹ thuật đến tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử, trong sử dụng lúa giống, thành viên HTX đồng loạt triển khai một loại giống chất lượng, xuống giống cùng thời điểm, giúp việc chăm sóc tiện lợi, tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu của các đối tác thu mua số lượng lớn.
Nhờ canh tác khoa học, giá trị sản xuất của HTX hiện đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận bình quân, sau khi trừ chi phí, của thành viên HTX đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm. Trường hợp biến động thị trường, mức lợi nhuận cũng đạt mức 36 - 40 triệu đồng/ha/năm.
Phát huy hiệu quả cây trồng thế mạnh
Không chỉ có lúa hữu cơ, nông dân Hải Hậu đang phát triển thành công nhiều cây trồng thế mạnh khác. Có thể kể đến mô hình trồng cây dược liệu theo hướng hàng hóa, cho giá trị bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm.
![]() |
Hải Hậu đang có nhiều cây trồng thế mạnh, mang lại lợi ích cao cho nông dân. |
Trong quá trình nâng cao hiệu quả của mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Hải Hậu, khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác đang khẳng định vai trò quan trọng.
HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc, xã Hải Lộc là một trong những điển hình. Hoạt động của HTX đã và đang giúp người dân địa phương chuyển đổi mô hình sản xuất trên vùng đất nhiễm mặn kém hiệu quả sang trồng dây thìa canh dược liệu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Muôn trồng dây thìa canh đã gần 10 năm. Nhờ được HTX bao tiêu, sản phẩm của gia đình bà luôn có giá bán cao, từ 32.000 - 35.000 đồng/kg.
Theo bà Muôn, để được HTX hỗ trợ bao tiêu, gia đình phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất sạch, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, thân thiện môi trường.
Đơn cử, khi cỏ mọc trong vườn, thay vì dùng thuốc diệt cỏ, bà Muôn tiến hành cắt bằng máy. Việc này vừa tạo một lớp thảm thực vật để giữ ẩm, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
"Mọi quy trình sản xuất đều được thực hiện theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo sức khỏe, thân thiện môi trường. Trồng dây thìa canh không mất công sức quá nhiều, đặc biệt hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa, ngô... từ 3 - 4 lần”, bà Muôn phấn khởi nói.
Cũng có thể kể đến mô hình trồng nấm trên địa bàn xã Hải Chính, với sự tham gia tích cực của HTX tiểu thủ công nghiệp Linh Phát. Hiện, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường hơn 5 tấn nấm linh chi, 70 tấn nấm bào ngư và 30 tấn nấm mèo (mộc nhĩ).
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hải Hậu, trong 5 năm qua, huyện đã xây dựng thành công hàng loạt vùng sản xuất hiệu quả, có ứng dụng khoa học - kỹ thuật, điển hình như cánh đồng lớn trồng cây dược liệu, cây rau màu kết hợp nuôi trồng thủy sản rộng trên 290 ha; vùng sản xuất lúa đặc sản (tám, nếp) rộng hơn 800 ha…
Toàn huyện hiện có 29 cánh đồng lớn (quy mô khoảng 30 ha/cánh đồng), tổng diện tích trên 2.630ha tại 14 xã, thị trấn.
Để tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ về vốn đầu tư, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, đồng thời tăng cường vai trò tổ chức, dẫn dắt, liên kết của các HTX. Đồng thời, chủ trương xây dựng các mô hình điểm theo chuỗi giá trị, có liên kết “3 nhà” (HTX, nông dân, doanh nghiệp); chủ động xây dựng hình ảnh, nâng tầm thương hiệu cho nông sản.
Hưng Nguyên