Lai Châu - vùng đất biên giới với địa hình đồi núi hiểm trở, khí hậu quanh năm mát mẻ, nguồn nước tự nhiên dồi dào, được đánh giá có điều kiện lý tưởng để phát triển nuôi cá nước lạnh, đặc biệt là các loài như cá tầm, cá hồi. Thời gian qua, nông dân Lai Châu đã bước đầu thành công với nghề nuôi cá nước lạnh - một hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành nông nghiệp địa phương.
Từ tiềm năng thiên nhiên đến hướng đi mới cho nông nghiệp vùng cao
![]() |
Một trang trại nuôi cá nước lạnh ở Lai Châu. (Ảnh: HTX Nông công nghiệp và Thương mại Du lịch Than Uyên) |
Chỉ trong vài năm gần đây, nghề nuôi cá nước lạnh đã có bước phát triển đáng kể. Nếu như trước đây chỉ dừng ở một vài mô hình thử nghiệm nhỏ lẻ, thì đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Lai Châu đã phát triển hơn 65.300 m3 diện tích nuôi, sản lượng đạt hơn 500 tấn cá thương phẩm/năm.
Đặc biệt, đã có những triệu phú, tỷ phú xuất hiện từ nghề nuôi cá nước lạnh. Như hộ của chị Lý Thị Vua, xã Bình Lư, sau một thời gian làm thuê cho doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa, năm 2020 đã quyết định đầu tư bể nổi lót bạt để nuôi cá tầm. Năm 2024, gia đình chị xuất bán ra thị trường hơn 2 tấn cá, trừ hết chi phí thu về hơn 1 tỷ đồng.
"Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, sau khi chuyển sang nuôi cá nước lạnh thì đã đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Công việc hàng ngày của tôi thì ở trại cá, chăm sóc cá, cho cá ăn, kiểm tra nguồn nước và năm vừa rồi gia đình tôi xuất bán cá được hơn 1 tỷ đồng trừ hết chi phí rồi. Tôi rất là vui", chị chia sẻ.
Không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nghề nuôi cá nước lạnh còn mở ra cơ hội phát triển sản phẩm đặc trưng, góp phần định vị thương hiệu nông sản Lai Châu trên thị trường. Những sản phẩm cá tươi, cá sơ chế và cả chế biến sâu như ruốc, chả cá… của Lai Châu đang dần xuất hiện nhiều hơn tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, thành phố lớn.
Tuy nhiên, để nghề nuôi cá nước lạnh có thể thực sự phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế lâu dài và lan tỏa rộng khắp, vai trò tổ chức sản xuất - mà cụ thể là HTX - trở nên cực kỳ quan trọng. Chính từ các HTX, người dân có thêm cơ hội tiếp cận kỹ thuật nuôi hiện đại, liên kết thị trường tiêu thụ, được hỗ trợ vốn, giống và cả đầu ra sản phẩm.
Hạt nhân trong chuỗi giá trị cá nước lạnh ở Lai Châu
Tại xã Sin Suối Hồ, HTX Tả Cù San được xem là mô hình điển hình trong việc khai thác lợi thế khí hậu và địa hình để phát triển nuôi cá nước lạnh. Đầu năm 2020, HTX đã mạnh dạn vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank để xây dựng 2 bể nuôi và hệ thống dẫn nước. Sau thời gian đi học hỏi mô hình, HTX đã quyết định đầu tư nuôi cá tầm.
Chỉ sau một thời gian ngắn, HTX đã mở rộng quy mô lên 4 bể nuôi, thường xuyên duy trì 4.000 con cá giống và 4.000 con cá thương phẩm. Mỗi năm, HTX thu về từ 350 - 450 triệu đồng từ việc bán cá tươi, tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong HTX. Nhờ hiệu quả kinh tế ổn định, người dân trong bản đã có thêm thu nhập, nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Không chỉ dừng lại ở việc bán cá tươi, một số HTX ở Lai Châu đã phát triển theo mô hình sản xuất - chế biến - tiêu thụ khép kín, giúp nâng tầm giá trị của nghề nuôi cá nước lạnh. Nổi bật trong số đó là HTX Nông công nghiệp và Thương mại Du lịch Than Uyên, hoạt động tại khu vực lòng hồ thủy điện Bản Chát, có diện tích mặt nước nuôi cá lên đến 10.000 m2 và sản lượng đạt khoảng 800 tấn cá/năm.
Điểm đặc biệt của HTX này không chỉ nằm ở sản lượng lớn, mà còn ở việc tổ chức liên kết với các hộ dân cùng nuôi cá, chế biến và phân phối sản phẩm. Từ những con cá tươi, HTX đã sáng tạo ra hơn 30 dòng sản phẩm chế biến sâu như: chả cá, viên cá, xúc xích cá, canh chua cá… Trong đó, nhiều sản phẩm đã được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, tiêu biểu như: ruốc cá lăng, chả cá lăng viên.
Với đầu ra của sản phẩm, HTX chủ động đẩy mạnh bán hàng qua nhiều kênh như trực tiếp tại siêu thị, hội chợ, bán online qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, sản phẩm của HTX đã có mặt thường xuyên tại các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Winmart, AEON, Co.opmart trong nhiều năm qua.
![]() |
Sản phẩm chả cá của HTX được bày bán tại siêu thị. |
Những nỗ lực bền bỉ của HTX đã được ghi nhận, thông qua liên tiếp các giải thưởng được trao tặng. Gần đây nhất, tháng 5/2025 HTX đón nhận giải thưởng "Thương hiệu vàng chất lượng quốc tế". Tháng 4/2025, HTX nhận giải thưởng "Ngôi sao Hợp tác xã" do Liên minh HTX Việt Nam trao tặng. Trước đó, năm 2024, sản phẩm của HTX được trao danh hiệu “Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam". Năm 2022, HTX cũng đã được bình chọn là một trong 150 đơn vị có sản phẩm “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”... Đây là những minh chứng rõ nét cho khả năng xây dựng thương hiệu nông sản từ vùng cao.
Không dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, Giám đốc HTX, ông Lê Tuấn Anh còn cho biết có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái lòng hồ, kết hợp trải nghiệm nuôi cá và khám phá văn hóa dân tộc Thái bản địa. Mô hình này triển khai thành công sẽ mở rộng hơn nữa không gian phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào vùng cao.
Gỡ khó và tận dụng cơ hội, hướng tới phát triển bền vững
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng quá trình phát triển nghề nuôi cá nước lạnh ở Lai Châu vẫn còn gặp không ít khó khăn. Địa hình đồi núi dốc, thiếu mặt bằng xây dựng, chi phí đầu tư lớn, trong khi giao thông đi lại và điện lưới quốc gia còn thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình mở rộng sản xuất.
Ngoài ra, một số hộ dân còn hạn chế về nhận thức pháp lý, gặp vướng mắc trong việc đăng ký mã số cơ sở nuôi, hay thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng là một rào cản lớn, khi không ít chủ cơ sở vẫn chưa đủ điều kiện vay vốn do thiếu tài sản đảm bảo hoặc không có hồ sơ tài chính rõ ràng.
Trước thực trạng đó, địa phương đã có những định hướng cụ thể nhằm phát triển nghề nuôi cá nước lạnh theo hướng bền vững. Một trong những giải pháp trọng tâm là kêu gọi doanh nghiệp và HTX đầu tư công nghệ sản xuất giống trong tỉnh, giảm lệ thuộc vào nguồn giống từ nơi khác. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng tích cực tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn phòng bệnh, xử lý môi trường nước… giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất.
Đặc biệt, tỉnh đang thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm cá nước lạnh đạt chuẩn sẽ được hỗ trợ đưa vào các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ nông sản trong và ngoài nước, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
![]() |
HTX vinh dự giới thiệu sản phẩm đến với Chủ tịch Liên Minh HTX Việt Nam và lãnh đạo địa phương tại Chợ phiên hợp tác xã lần thứ hai tháng 12/2024. (Ảnh: HTX Nông công nghiệp và Thương mại Du lịch Than Uyên) |
Riêng nhóm HTX, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương là sự đồng hành tích cực từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Lai Châu với các hoạt động hữu ích như tập huấn trang bị kiến thức, sự kiện hội chợ quảng bá các sản phẩm với người tiêu dùng...
Ngày 8/5, Liên minh HTX tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (thuộc Liên minh HTX Việt Nam), UBND huyện và Hội Nông dân huyện Sìn Hồ (cũ) tổ chức lớp tập huấn trang bị thêm kiến thức về ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm – một xu thế tất yếu trong nền kinh tế hiện đại.
Hay phiên livestream "Nông sản về Phố 2025" do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư - Liên minh HTX Việt Nam, phối hợp với TikTok Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức vào đêm 6/5, mở ra một kênh tiêu thụ đầy tiềm năng cho nông sản của các HTX, đặc biệt là các sản phẩm đến từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những hỗ trợ thiết thực giúp các HTX nói riêng và chuỗi liên kết nuôi cá nước lạnh tại Lai Châu nói riêng tiếp tục nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và từng bước hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp cho công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Minh Khôi