Thông qua việc tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ và được tiếp sức từ các chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh, nhiều HTX không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.
Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp
Những năm qua, tỉnh Tây Ninh kiên trì triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Trong hành trình đó, các HTX trên địa bàn giữ vai trò trung tâm trong liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và tiêu thụ nông sản theo hướng hiện đại, bền vững.
![]() |
Các HTX đang có đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh. |
Toàn tỉnh hiện có hơn 170 HTX (số liệu trước ngày 1/7/2025) đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, môi trường… Trong đó, ngày càng nhiều HTX chuyển mình mạnh mẽ khi tham gia vào chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, với định hướng xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP và hướng đến xuất khẩu.
Một trong những điểm sáng là HTX Nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (xã Thạnh Tân cũ nay thuộc phường Bình Minh), quy tụ 120 hộ thành viên sản xuất trên diện tích hơn 115 ha mãng cầu theo quy trình VietGAP.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất thô, HTX đã tiên phong đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, phân loại tự động, hệ thống bao bì - đóng gói, bảo quản và chế biến sâu các sản phẩm như nước mãng cầu lên men, mãng cầu sấy dẻo, sữa chua mãng cầu… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Hà Chí Mãng, Chủ tịch HĐQT HTX, chia sẻ: “Sản xuất trái mãng cầu hiện nay không thể dừng ở khâu trồng trọt. Để cạnh tranh, bắt buộc phải ứng dụng công nghệ, chế biến sâu và liên kết thị trường. Chính vì vậy, HTX xác định phải trở thành hạt nhân trong chuỗi liên kết: nông dân – HTX – doanh nghiệp – nhà khoa học – Nhà nước”.
Từ mô hình sản xuất manh mún, tự phát, đến nay, HTX đã từng bước hình thành vùng nguyên liệu mãng cầu tập trung, áp dụng tưới tiết kiệm, bón phân hữu cơ, thuốc sinh học. Cùng với đó, HTX còn phát triển cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật canh tác an toàn, và tổ chức thu mua nông sản cho thành viên theo giá thị trường.
Hướng đi mới từ đa ngành nghề, đa dịch vụ
Đáng chú ý, công trình nhà máy chế biến mãng cầu của HTX Nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân được hỗ trợ một phần vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khi hoàn thành trong năm 2024, nhà máy không chỉ giúp bảo quản nông sản hiệu quả hơn mà còn mở ra hướng đi mới cho xuất khẩu sản phẩm mãng cầu đặc sản Bà Đen.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, nhiều HTX tại Tây Ninh đang mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ công ích, môi trường, thương mại nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Điển hình như HTX dịch vụ - thương mại - nông nghiệp Tân Châu (thuộc xã Tân Châu mới), với 41 thành viên và hơn 30 lao động thường xuyên, đang vận hành hiệu quả nhiều hoạt động đa ngành, gồm thu gom rác thải sinh hoạt, sơ chế và tiêu thụ nông sản, dịch vụ nông nghiệp, khai thác chợ dân sinh…
Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc HTX, cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi thu gom khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt, góp phần xây dựng mô hình khu dân cư không rác thải. Song song đó, HTX còn liên kết các tổ sản xuất rau, củ, quả an toàn; hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống như Bách Hóa Xanh, doanh nghiệp tại TP.HCM và mở rộng vùng trồng cây sachi để phục vụ đơn hàng cho đối tác Hàn Quốc.”
Dù đối mặt với biến động thị trường, chi phí đầu vào tăng, đầu ra khó khăn, HTX vẫn đảm bảo thu nhập ổn định cho lao động và liên tục nâng cao chất lượng hoạt động. Trong năm 2023, HTX đã tiêu thụ khoảng 750 tấn rau, củ, quả, với thu nhập bình quân đạt 150 triệu đồng/hộ/năm.
![]() |
HTX sẽ tiếp tục là một trong những nòng cốt xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh. |
Thời gian tới, HTX đặt mục tiêu mở rộng diện tích rau củ an toàn, phát triển dây chuyền sản xuất nước rửa chén từ nguyên liệu thiên nhiên như chanh, sả, đồng thời tăng cường đầu tư phương tiện thu gom rác để phục vụ tốt hơn cho người dân.
Hoạt động hiệu quả của HTX Tân Châu, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường và nâng cao thu nhập cho thành viên, đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hướng tới nông thôn mới bền vững
Để đạt được những bước mạnh mẽ trong thời gian qua, ngoài nỗ lực nội tại của các HTX, còn có vai trò quan trọng của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh trong việc đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận vốn ưu đãi.
Theo thống kê, giai đoạn 2020–2024, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức hơn 60 lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho các HTX; đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm OCOP cho hơn 40 HTX trên địa bàn.
Đặc biệt, thông qua nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nhiều HTX được vay vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, kho bãi, nhà xưởng chế biến, giúp giảm áp lực chi phí đầu tư ban đầu – vốn là rào cản lớn đối với các tổ chức kinh tế hợp tác.
Với sự đồng hành từ chính quyền và tổ chức hỗ trợ, các HTX Tây Ninh đang từng bước khẳng định vai trò là trụ cột trong xây dựng nông thôn mới. Không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, các HTX còn góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng sống và tạo dựng cộng đồng nông thôn văn minh, hiện đại.
Tính đến giữa năm 2025, Tây Ninh là một trong những tỉnh có thành tích đi đầu trong xây dựng nông thôn mới trên cả nước. Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí thu nhập và môi trường, tỉnh xác định các HTX phải tiếp tục là trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị, nâng tầm sản phẩm nông sản địa phương.
Với nền tảng đã có và tầm nhìn rõ ràng, tin rằng các HTX tại Tây Ninh sẽ tiếp tục là "đầu kéo" vững chắc trong hành trình xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và hài hòa giữa kinh tế - xã hội - môi trường.
Nam Phong