Sau hơn một thập kỷ nỗ lực, từ những thôn bản xa xôi vùng cao đến hải đảo xa bờ, phong trào OCOP tại Quảng Ninh đã thổi luồng sinh khí mới vào đời sống kinh tế nông thôn, nâng tầm nông sản địa phương, khẳng định vai trò trung tâm của các HTX, và đặc biệt là sự đồng hành sát sao của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh.
Những con số biết nói
12 năm kể từ khi bắt tay vào triển khai Chương trình OCOP, Quảng Ninh đã gặt hái những thành quả ấn tượng. Tính đến giữa năm 2025, toàn tỉnh có 432 sản phẩm OCOP của 186 chủ thể, trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao – cấp quốc gia, 107 sản phẩm 4 sao và 320 sản phẩm 3 sao.
Không chỉ là con số, những thành công trên là minh chứng cho sức sống của các sản phẩm đặc trưng như trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ; miến dong Bình Liêu; nếp cái hoa vàng Đông Triều; sá sùng Vân Đồn; mực Cô Tô; ngọc trai Hạ Long…
![]() |
Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển chương trình OCOP. |
Đặc biệt, 50 sản phẩm trong số đó đến từ 15 chủ thể là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo – một thành tựu cho thấy sự lan tỏa sâu rộng của chương trình OCOP.
Thành công này không thể không nhắc đến vai trò tiên phong của các HTX – những “cánh tay nối dài” đưa nông sản từ bản làng ra thị trường trong và ngoài nước.
Như HTX Dịch vụ nông nghiệp và du lịch Bình Liêu – đơn vị đã đưa sản phẩm miến dong truyền thống lên sàn OCOP quốc gia. Hay HTX Sản xuất và Kinh doanh ba kích Ba Chẽ – nơi biến loài dược liệu rừng thành sản phẩm thương mại hóa giá trị cao.
Không đơn thuần là các tổ chức sản xuất, HTX ở Quảng Ninh ngày càng đóng vai trò “đầu tàu” trong tổ chức chuỗi liên kết, chuẩn hóa quy trình sản xuất theo hướng an toàn, bền vững.
Hiện, tỉnh có 26 HTX, doanh nghiệp nông nghiệp được cấp chứng nhận vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; 61 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và an toàn dịch bệnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm OCOP.
Điểm tựa phát triển bền vững
HTX Quế Đầm Hà là một ví dụ tiêu biểu. Không chỉ quy hoạch được vùng nguyên liệu gần 100ha, HTX này còn tổ chức liên kết nông dân theo mô hình sản xuất hữu cơ, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR-code – một yếu tố quan trọng giúp sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Hay HTX Dịch vụ nông nghiệp Hải Hà với sản phẩm trà hoa vàng, đã xây dựng vùng trồng đạt chứng nhận, đầu tư chế biến sâu, đóng gói tinh tế để đưa sản phẩm vào siêu thị lớn.
Nhờ vai trò tổ chức sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ từ HTX, hàng loạt sản phẩm đặc sản từng “loay hoay” trong phạm vi xã, phường đã có mặt tại các kệ hàng OCOP, sàn thương mại điện tử, các hội chợ trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, trong suốt hành trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh, sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò không thể thiếu.
Thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, các HTX trong tỉnh ngày càng phát triển chuyên nghiệp và vững vàng hơn.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức 2 hội chợ OCOP cấp tỉnh, xác nhận 6 chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ cho hàng chục sản phẩm OCOP mới.
![]() |
Thành công của OCOP là đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh. |
Các hoạt động hỗ trợ ứng dụng công nghệ như cấp mã QR-code, tài khoản truy xuất nguồn gốc cũng được triển khai mạnh mẽ. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 2.630 sản phẩm nông – thủy sản được cấp mã QR, 1.339 tài khoản vận hành hệ thống truy xuất, trong đó phần lớn thuộc các HTX sản xuất.
Bên cạnh đó, nhiều HTX đã được hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ, cải tiến bao bì, mẫu mã, ứng dụng công nghệ số trong tiếp thị, mở rộng thị trường trên các nền tảng như Facebook, Zalo, TikTok... Nhiều điểm bán hàng OCOP đã được kết nối bán hàng qua mạng xã hội và website riêng, mở ra hướng đi mới cho tiêu thụ sản phẩm địa phương trong kỷ nguyên số.
Gắn sản phẩm OCOP với xây dựng nông thôn mới
Không chỉ là “câu chuyện kinh tế”, chương trình OCOP tại Quảng Ninh còn góp phần trực tiếp thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu, tỉnh đã quy hoạch và phát triển 17 vùng sản xuất tập trung.
Các vùng nguyên liệu nếp cái hoa vàng, ba kích, dong riềng, quế, hồi, rau củ quả, dưa lưới, trà hoa vàng… được cấp mã số vùng trồng, đạt chứng nhận VietGAP, bảo đảm đầu vào ổn định cho sản phẩm OCOP.
Sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới và OCOP giúp người dân có thêm sinh kế, nâng cao thu nhập, bảo tồn được nghề truyền thống và tạo động lực giữ gìn môi trường sinh thái. Đặc biệt, chương trình còn giúp tăng vai trò và vị thế của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế.
Trong năm 2025, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ có thêm 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia. Theo Sở NN&MT tỉnh, hiện 3 sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Quang Vinh (Đông Triều) và 1 sản phẩm miến dong của Công ty CP Thương mại & Dịch vụ Bình Liêu đã cơ bản đạt điểm tiêu chuẩn.
Những mục tiêu trên là tín hiệu cho thấy Quảng Ninh không chỉ tập trung vào sản phẩm nông nghiệp mà còn thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, tạo động lực phát triển đa dạng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung vào các giải pháp như: tăng cường vai trò của HTX trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục kết nối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi liên kết; mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số và thương mại điện tử; phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, làng nghề.
Từ một chương trình mục tiêu quốc gia, OCOP tại Quảng Ninh đã trở thành cú hích cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng của người dân, HTX, cùng sự hỗ trợ thiết thực của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, hành trình “từ bản làng ra thế giới” của các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang từng bước trở thành hiện thực.
An Chi