Để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, các hộ nuôi chim Cút của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) đã tập hợp lại cùng sản xuất theo nhóm tổ, dưới sự hướng dẫn của CLB nuôi chim Cút HTX.
Từ đây, việc nuôi chim, mua thức ăn, bán thành phẩm đều hoạt động ổn định, cho thu nhập cao. HTX này mong muốn được đầu tư để xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao hơn nữa giá trị chim Cút Hòa Hiệp Bắc trên thị trường.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi
Ở xã Hòa Hiệp Bắc, việc nhân rộng số hộ nuôi chim cút từ 50 hộ lên 300 hộ như hiện nay đã đặt ra cho HTX Hòa Hiệp Bắc yêu cầu cần tổ chức sản xuất theo chuỗi, để vừa bảo đảm vệ sinh vừa duy trì ổn định nghề cho người dân.
Ông Nguyễn Ngọc - Giám đốc HTX, cho biết: Các hộ nuôi Cút tập hợp lại thành 6 tổ nhóm, do một hộ vừa có khả năng tài chính vừa có mối tiêu thụ và sản xuất quy mô lớn đứng ra chịu trách nhiệm.
Trong đó, hộ này sẽ thu gom các sản phẩm từ chim Cút của người dân đưa đi tiêu thụ. Đồng thời, hộ này cũng là đầu mối để đưa giống cút, nguồn thức ăn cho các hộ. Để hỗ trợ các tổ và thành viên, HTX thành lập CLB nuôi chim Cút.
Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, các hộ có cơ hội học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm chăn nuôi, chia sẻ cho nhau mối hàng, nắm bắt kịp thời diễn biến giá cả trên thị trường…
Hộ anh Trần Quang Nam, người đứng ra thu gom sản phẩm của 80 hộ đơn lẻ, cho biết: “Dạng sản xuất này năng động và phù hợp với chăn nuôi cá thể ở vùng nông thôn. Trong đó từng hộ chủ động về thời gian, bố trí công việc phù hợp với thành viên gia đình. Họ cũng tự do quyết định mở rộng sản xuất hay thu hẹp dựa vào khả năng. Đối với gia đình tôi, nếu không có các hộ đơn lẻ, chúng tôi phải tổ chức thành một trang trại.
Khi đó, tôi phải thuê nhân công, tăng diện tích chăn nuôi, đầu tư hạ tầng, phương tiện sản xuất… cần rất nhiều vốn mà hộ cá thể như chúng tôi chưa thể đáp ứng. Còn như hiện nay, với nguồn hàng thu mua ổn định, chúng tôi duy trì việc thu gom cho 80 hộ trong xã. Khi nhu cầu của thị trường tăng, chúng tôi vẫn có thể gom của các hộ khác”.
![]() |
Mô hình nuôi chim Cút của một thành viên HTX |
Xây dựng thương hiệu
Hiện đàn chim Cút nuôi trong xã lên tới 500.000 con, cho thu nhập bình quân 20 triệu đồng/hộ/tháng. HTX đang hướng tới xây dựng thương hiệu “Chim Cút HTX Hòa Hiệp Bắc” để sản phẩm này được đóng gói đủ điều kiện có mặt trong các siêu thị.
“Số hộ nuôi chim Cút tăng sẽ dẫn tới những ảnh hưởng nhất định về môi trường sống, về ATVSTP. Điều này nếu không quản lý sớm có thể bị xóa đàn nếu có dịch xảy ra và đời sống kinh tế của bà con chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, Giám đốc Nguyễn Ngọc cho biết thêm.
Quá trình xây dựng thương hiệu sẽ gắn liền với những điều kiện về chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, quy trình chế biến… buộc các hộ phải tuân thủ. Đồng thời khi có thương hiệu thì sản phẩm chăn nuôi của bà con sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn.
Hiện HTX đã thành lập được CLB nuôi chim Cút, dự kiến tập hợp các hộ nuôi cùng thống nhất kỹ thuật chăn nuôi cũng như nâng quy trình sản xuất đạt chuẩn. Để làm được những điều này, HTX cần vốn để có thể hỗ trợ bà con đầu tư cho sản xuất.
Ông Lê Thanh Lam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Nuôi chim Cút của các hộ thành viên HTX đã hình thành được chuỗi liên kết của chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ. Đây chính là cơ hội tốt để HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Hải Phong