Kết quả trên là nhờ phát huy hiệu quả các mô hình HTX và các chương trình hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam. Bức tranh nông thôn tại Khánh Bình Tây đang thay đổi từng ngày, với những ruộng rau xanh mướt, tiếng máy tưới tự động rì rào mỗi sáng và những gương mặt rạng rỡ khi thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Hành trình vươn lên từ vùng đất khó
Theo báo cáo rà soát đầu năm 2025, Khánh Bình Tây chỉ còn 16 hộ nghèo, chiếm 0,41% tổng số hộ dân và 72 hộ cận nghèo, chiếm 1,8%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tính cả hai nhóm này đạt 1,93% – một con số đầy ấn tượng nếu so với thời điểm năm 2015 khi tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương còn trên 12%.
![]() |
Sản xuất hiện đại là chìa khóa giúp nông dân, HTX ở Khánh Bình Tây (nay là xã Đá Bạc sau sắp xếp) nâng cao giá trị sản xuất. |
Thành quả đó là kết tinh của nhiều yếu tố từ chính sách đúng đắn của Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, tinh thần vươn lên của người dân và đặc biệt là vai trò nổi bật của các HTX nông nghiệp tại địa phương – những đơn vị vừa đồng hành sản xuất, vừa là “bà đỡ” giúp người nghèo có thêm sinh kế và đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Điển hình, HTX Dịch vụ nông nghiệp Khánh Bình Tây được thành lập từ năm 2018, đến nay đã thu hút hơn 50 thành viên, phần lớn là hộ nghèo, cận nghèo và lao động nhàn rỗi.
Mô hình của HTX ban đầu chỉ tập trung hỗ trợ giống rau, phân bón và kỹ thuật, nhưng sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, HTX đã có thêm điều kiện để lắp đặt hệ thống tưới tự động, mở rộng vùng trồng và tổ chức sơ chế tại chỗ.
Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, các thành viên HTX nay đã quen với quy trình trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP…, các khâu canh tác đều có nhật ký canh tác rõ ràng và đầu ra ổn định thông qua hợp đồng bao tiêu.
Điểm tựa giảm nghèo bền vững
Bà Nguyễn Thị Yến (ấp Cơi 5), một trong những thành viên tiêu biểu của HTX Dịch vụ nông nghiệp Khánh Bình Tây, xúc động chia sẻ trước đây, gia đình bà là hộ nghèo, trồng rau bằng tay, tưới nước bằng thùng suốt ngày không hết vườn.
Nhà nghèo, chồng mất sớm, con thì đi làm xa, cháu nhỏ bệnh tật triền miên, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai bà Yến. Chỉ đến khi tham gia HTX và được hỗ trợ hệ thống tưới tự động, bà như trút được một phần gánh nặng.
“Giờ chỉ cần bật công tắc, nước tưới đều khắp vườn, rau tốt, dễ bán, mỗi tháng tôi thu về hơn 7 triệu đồng, có tiền chăm cháu và lo chi phí sinh hoạt”, bà Yến hồ hởi nói.
Không chỉ nhận hỗ trợ thụ động, nhiều hộ dân ở Khánh Bình Tây còn chủ động tìm hiểu, cải tiến thiết bị tưới, qua đó nâng cao đáng kể thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Đoàn (ấp Cơi 6A), từng là hộ cận nghèo, đã mạnh dạn chuyển sang trồng rau diếp cá trên diện tích 2 công đất. Sau khi được HTX hỗ trợ hệ thống tưới, chị cùng chồng mua thêm thiết bị điều khiển từ xa trị giá hơn 200 nghìn đồng để điều khiển hệ thống nước bằng điện thoại. “Tiện lắm, bấm nút là nước tự phun, không cần kéo dây hay mở cầu dao. Có công nghệ, mình làm khỏe, lại tiết kiệm thời gian,” chị nói.
![]() |
Các HTX đang đóng vai trò tích cực trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo ở Khánh Bình Tây. |
Để những HTX như ở Khánh Bình Tây có thể hoạt động hiệu quả và đóng vai trò xóa đói giảm nghèo, không thể không nhắc đến sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau.
Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển HTX vùng khó khăn, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đã giúp địa phương lắp đặt hàng chục hệ thống tưới tiết kiệm nước, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác bền vững, đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thông qua chuỗi liên kết.
Ngoài ra, các HTX còn được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, giúp mua máy móc, phân bón, giống cây trồng với lãi suất thấp. Đây là “cú hích” giúp các hộ nghèo, cận nghèo không chỉ có điều kiện sản xuất mà còn gắn bó lâu dài với mô hình HTX – từ đó từng bước vươn lên thoát nghèo.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Khánh Bình Tây cho biết HTX đang xây dựng kế hoạch mở rộng vùng rau lên 5 ha trong năm 2025, đồng thời đề xuất được hỗ trợ thêm nhà sơ chế và kho lạnh mini để bảo quản sản phẩm. Nếu được hỗ trợ đúng lúc, HTX sẽ thu hút thêm hàng chục hộ nghèo tham gia, tạo sinh kế bền vững cho bà con.
Với những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và những đóng góp tích cực của các HTX, Khánh Bình Tây trước thời điểm thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, chính thức sáp nhập vào xã Đá Bạc, đã đặt mục tiêu giảm số hộ nghèo xuống còn 4 hộ trong năm 2025, tập trung vào các trường hợp đặc biệt khó khăn như người già neo đơn, không còn khả năng lao động. Đồng thời, địa phương đặt kỳ vọng đưa ít nhất 8 hộ thoát nghèo và từ 25–35 hộ cận nghèo vươn lên ổn định kinh tế.
Trong suốt quá trình phát triển, Khánh Bình Tây cũng xác định giảm nghèo bền vững phải gắn với phát triển sản xuất. Chính vì vậy, địa phương liên tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng nhà ở, đào tạo nghề và tạo sinh kế cho phụ nữ đơn thân, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Các HTX cũng được “chỉ mặt điểm tên” là lực lượng nòng cốt trong quá trình xóa đói giảm nghèo.
Cùng với đó, những năm qua, Khánh Bình Tây cũng đẩy mạnh phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam để đề xuất triển khai thêm các mô hình mới như nhà lưới trồng rau hữu cơ, mô hình trồng nấm, chăn nuôi thỏ, trồng dưa lưới trong nhà màng – phù hợp với các hộ ít đất nhưng có tinh thần vượt khó. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã cũng phối hợp chặt chẽ với HTX để vận động, đào tạo và hỗ trợ hội viên tham gia sản xuất.
Thành công trong công tác giảm nghèo ở Khánh Bình Tây không đến từ những giải pháp ngắn hạn hay hỗ trợ nhỏ lẻ, mà là cả một quá trình chuyển biến tư duy sản xuất của người dân, gắn với vai trò tổ chức sản xuất hiệu quả của các HTX và sự đồng hành thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam.
Khi các HTX thực sự trở thành “đầu tàu” phát triển kinh tế nông thôn, khi người nghèo được trao “cần câu” chứ không chỉ “con cá”, thì việc thoát nghèo bền vững sẽ không còn là giấc mơ xa vời.
Nam Phong