Những mô hình HTX sản xuất giống thủy sản, cây trồng đặc sản, nuôi ong mật… không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tạo ra hàng trăm việc làm bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.
Biến lợi thế thành động lực phát triển
Kim Trung - trước khi thực hiện sắp xếp để trở thành xã Kim Động - là xã ven biển với hệ sinh thái đa dạng và gần 300 ha mặt nước. Với lợi thế đó, địa phương sớm xác định kinh tế thủy sản là mũi nhọn trong chiến lược phát triển.
![]() |
Các HTX, tổ hợp tác là một trong những trụ cột giảm nghèo ở Kim Trung, nay là Kim Đông sau sắp xếp (Ảnh: BNB). |
Tuy nhiên, điểm đột phá không chỉ đến từ quy mô nuôi trồng, mà nằm ở cách tổ chức sản xuất khi địa phương chủ động xây dựng các HTX làm trung tâm, ứng dụng công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, liên kết thị trường bền vững.
Ngay từ năm 2020, xã đã thực hiện nhiều chuyên đề về phát triển nuôi trồng thủy sản, quy hoạch lại vùng chuyên canh, từ vùng nuôi tôm quảng canh, tôm công nghiệp đến vùng sản xuất giống nhuyễn thể như sò huyết, vẹm xanh, ốc hương, ngao, hàu…
Cùng với đó, nhiều HTX, tổ hợp tác được thành lập, đóng vai trò là “bà đỡ” kỹ thuật và thị trường cho nông dân.
Hiện toàn xã có tới 221 HTX, tổ hợp tác, cơ sở chuyên sản xuất ngao, hàu giống với tổng diện tích 140 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích nuôi thủy sản. Giá trị sản xuất của riêng nhóm ngành con giống đạt gần 53 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng giá trị nuôi trồng thủy sản của xã.
Anh Phạm Văn Vững, thành viên Tổ hợp tác sản xuất hàu giống ở xóm 6, từng là hộ nuôi tôm quảng canh nhỏ lẻ, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi nuôi tôm sú, cua xanh, hiệu quả bấp bênh vì phụ thuộc thời tiết. Sau khi được chính quyền vận động, tôi chuyển sang sản xuất hàu giống theo hướng công nghiệp, được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, vốn vay ưu đãi từ chương trình HTX, sản xuất sạch. Kết quả, mỗi năm cơ sở xuất ra hơn 10.000 chùm hàu giống, doanh thu hàng tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1 tỷ, gấp 4–5 lần mô hình cũ”.
Không chỉ đem lại lợi ích cho hộ gia đình, mô hình cơ sở – tổ hợp tác – HTX trên địa bàn xã đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại chỗ, đặc biệt là phụ nữ và người lớn tuổi với thu nhập trung bình 5–7 triệu đồng/tháng.
Tạo sinh kế bền vững
Trong bức tranh phát triển kinh tế nông thôn ở Kim Trung, dấu ấn của các HTX rất rõ nét. Điển hình như HTX nông sản hữu cơ Kim Sơn với 24 thành viên đang canh tác hơn 5 ha dưa lê – sản phẩm chủ lực của địa phương. Giống dưa lê bản địa ngọt thanh, thơm dịu, hợp với thổ nhưỡng ven biển, mỗi năm cho sản lượng hơn 300 tấn, giá bán ổn định từ 15.000–20.000 đồng/kg.
“Từ khi thành lập HTX, chúng tôi tổ chức sản xuất bài bản hơn: quy hoạch vùng trồng, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, ký hợp đồng bao tiêu với siêu thị, chợ đầu mối tại Hà Nội và Nam Định. Các thành viên được đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ vật tư đầu vào, tiêu thụ ổn định, không còn cảnh ‘được mùa mất giá’ như trước”, vị đại diện HTX cho hay.
Không dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, Kim Trung còn phát triển HTX theo hướng tận dụng lợi thế tự nhiên để tạo sinh kế mới. HTX ong mật 27/7 là một ví dụ. Nhờ hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú với cây sú, vẹt, bần chua…, nghề nuôi ong được phát triển mạnh. HTX hiện có 16 hộ thành viên với hơn 2.000 thùng ong, sản lượng hàng năm trên 10.000 lít mật.
Năm 2024, hai sản phẩm của HTX là “Mật ong hoa sú vẹt 27/7” và “Mật ong hoa sú vẹt ngâm hoa đu đủ đực” đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh – mở ra cơ hội lớn để tiếp cận thị trường cao cấp.
![]() |
Liên kết sản xuất thông minh hơn là cách làm giàu của nông dân Kim Trung. |
Đáng chú ý, HTX còn xây dựng chuỗi liên kết từ nuôi ong, thu hoạch, sơ chế, đóng chai đến phân phối. Mỗi hộ nuôi ong có thể đạt doanh thu 100–150 triệu đồng/năm, đồng thời tạo thêm việc làm thời vụ cho nhiều lao động nữ địa phương, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo.
Một yếu tố quan trọng làm nên sự khởi sắc của các HTX ở Kim Trung chính là sự đồng hành sát sao từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình.
Các chương trình hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ, tín dụng ưu đãi và xúc tiến thương mại từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã và đang góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ sang mô hình kinh tế hợp tác, HTX bền vững.
Phát triển toàn diện, giảm nghèo bền vững
Đơn cử, HTX nông sản hữu cơ Kim Sơn từng nhận gói hỗ trợ tập huấn quy trình sản xuất sạch và kết nối với hệ thống siêu thị Big C, Winmart. HTX ong mật 27/7 được hỗ trợ thiết kế bao bì, hoàn thiện hồ sơ OCOP, tham gia hội chợ OCOP toàn quốc, qua đó mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Đặc biệt, chương trình hỗ trợ phát triển HTX vùng ven biển do Liên minh HTX Việt Nam triển khai từ năm 2023 đã giúp hơn 50 hộ dân Kim Trung tiếp cận vốn ưu đãi, đào tạo nghề thủy sản và kỹ thuật nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo việc làm bền vững cho người nghèo và cận nghèo.
Cùng với các ngành chủ lực, Kim Trung tiếp tục phát huy tiềm năng của kinh tế nông nghiệp kết hợp dịch vụ – tiểu thủ công nghiệp. Hiện xã có hàng trăm cơ sở nhỏ lẻ về chế biến gỗ, xây dựng, dịch vụ ăn uống, cung ứng vật tư nông nghiệp…, góp phần đa dạng sinh kế.
Tính đến tháng 5/2025, thu nhập bình quân đầu người ở Kim Trung đạt 67 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,14%, thấp hơn trung bình cả tỉnh.
Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản của xã đạt trên 90 tấn, sản lượng hàu giống đạt 17 vạn chùm, ngao giống 30 triệu con, tổng giá trị sản xuất giống thủy sản đạt 32,5 tỷ đồng – đạt trên 50% kế hoạch năm.
Diện mạo nông thôn cũng thay đổi đáng kể khi 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; 98% đường nội đồng kiên cố; 96% hộ dân có nhà ở kiên cố; 50% xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cảnh quan môi trường “sáng – xanh – sạch – đẹp”, an ninh trật tự được giữ vững.
Trong thời gian tới, sau khi sắp xếp trở thành xã Kim Đông, địa phương dự kiến tiếp tục ưu tiên nâng cao năng lực cho các HTX thông qua hỗ trợ ứng dụng khoa học – công nghệ, mở rộng liên kết chuỗi giá trị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với sự chung sức của chính quyền, sự năng động của các HTX và sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, địa phương đang dần khẳng định mô hình “kinh tế HTX làm trụ cột, xóa nghèo bền vững” không chỉ là lý thuyết, mà đã trở thành hiện thực sống động trên vùng đất ven biển.
Đông Phong