Với hơn 600 HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, kinh tế hợp tác đang trở thành trụ cột trong tiến trình phát triển nông thôn mới và xây dựng nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, có giá trị gia tăng cao tại nhiều địa phương tỉnh Tuyên Quang.
Liên kết sản xuất – chìa khóa vượt nghèo
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 615 HTX với hơn 13.000 thành viên, vốn điều lệ trên 2.400 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt khoảng 54 triệu đồng/người/năm.
Trong số đó, nhiều HTX đang phát triển theo hướng liên kết chuỗi, đẩy mạnh cơ giới hóa, chế biến sâu và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng – bước chuyển mạnh từ sản xuất manh mún sang làm kinh tế hàng hóa.
![]() |
Liên kết trong sản xuất giúp nông dân, HTX ở Tuyên Quang nâng cao nội lực, gia tăng thu nhập. |
Một ví dụ tiêu biểu là HTX Nông sản hữu cơ Bình Minh (xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn) do anh Trần Việt Côi sáng lập. Với tầm nhìn phát triển bền vững, HTX đã lựa chọn trồng cây dược liệu và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như ba kích, cà gai leo, khôi nhung, xạ đen...
Trên diện tích khoảng 21 ha, HTX không chỉ tổ chức sản xuất mà còn đẩy mạnh chế biến. Nhờ nguồn hỗ trợ 100 triệu đồng từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, năm 2023 HTX đầu tư dây chuyền sản xuất trà túi lọc từ hạt đậu đen – sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
HTX đã tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, thu nhập bình quân 5–7 triệu đồng/tháng, đồng thời hỗ trợ hàng chục hộ trồng đậu đen, cây dược liệu tại Tứ Quận và các xã lân cận với tổng doanh thu hàng năm khoảng 7 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của HTX đạt bình quân trên 900 triệu đồng, đóng góp ngân sách trên 700 triệu đồng mỗi năm – một minh chứng cho hiệu quả của mô hình kinh tế hợp tác, HTX khi được định hướng đúng đắn.
Sản xuất xanh – hướng đi tất yếu
Trong khi đó, tại huyện Sơn Dương, HTX Chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (xã Tú Thịnh) cũng đang triển khai mô hình chuỗi kép, gồm liên kết sản xuất giống gia cầm và tiêu thụ dưa chuột.
Giám đốc HTX Trần Văn Phúc cho biết, từ quy mô ban đầu 16 thành viên, hiện HTX đã mở rộng liên kết với trên 1.200 hộ trồng dưa chuột tại 170 ha, cung ứng giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhờ chuỗi giá trị khép kín, mỗi năm HTX mang lại doanh thu trên 2,8 tỷ đồng, lãi ròng hơn 1 tỷ đồng – giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo bền vững.
Không chỉ tập trung vào sản xuất hàng hóa, các HTX ở Tuyên Quang đang chủ động thích ứng với xu hướng sản xuất xanh và tuần hoàn, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao mà vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái. Đi đầu xu hướng này là HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn).
HTX do ông Nguyễn Công Sử sáng lập hiện đã nâng diện tích sản xuất chè lên gần 100 ha, toàn bộ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, liên kết sản xuất với hơn 100 hộ tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang.
HTX cũng tiên phong đưa các giống chè cao cấp như Ngọc Thúy, Bát Tiên vào trồng thay thế chè truyền thống, hướng đến sản xuất hữu cơ và chinh phục phân khúc thị trường cao cấp.
Với việc đầu tư bài bản, HTX Sử Anh không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, mà còn tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động tại địa phương. Đây là điển hình về cách chuyển đổi xanh gắn liền với mục tiêu xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
![]() |
Cùng với thúc đẩy liên kết, ngành nông nghiệp Tuyên Quang định hướng phát triển theo hướng an toàn sinh thái. |
Cũng đạt được những thành công ấn tượng, HTX Sản xuất thực phẩm an toàn Sáng Nhung (huyện Sơn Dương) đang phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn.
Giám đốc Nguyễn Ngọc Sáng cho biết HTX hợp tác với một doanh nghiệp Hàn Quốc để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi. Phân bón này sẽ được sử dụng để trồng rau củ quả, sau đó HTX tiếp tục thu mua, chế biến thức ăn chăn nuôi từ chính nguồn nguyên liệu này, khép kín chuỗi giá trị.
Dự án có mức đầu tư lên tới 30 tỷ đồng, công suất 30 tấn/ngày – khi đi vào hoạt động sẽ là mô hình kinh tế tuần hoàn quy mô đầu tiên của tỉnh. HTX cũng đặt mục tiêu đưa sản phẩm thịt lợn thảo dược lên chuẩn OCOP 5 sao, tiếp cận thị trường cao cấp trong và ngoài nước.
Đồng hành từ chính sách đến hành động
Đằng sau thành công của các HTX tiêu biểu là sự đồng hành từ các cấp chính quyền, đặc biệt là Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang.
Trong thời gian qua, nhiều chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã được triển khai đồng bộ. Các HTX tại Tuyên Quang liên tục được tham gia hội chợ, kết nối cung cầu, định hướng xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, VietGAP, hữu cơ…
Bên cạnh đó, nhiều chương trình tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX, chủ hộ kinh doanh cũng được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang triển khai đều đặn. Những nội dung như xây dựng tour tuyến, marketing du lịch nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số, quản trị nhân lực... đang giúp các HTX chuyển đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang cách làm chuyên nghiệp.
Không dừng lại ở đó, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang còn đẩy mạnh tổ chức các buổi đối thoại, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho HTX, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch nông thôn – một lĩnh vực còn tương đối mới và thiếu hành lang pháp lý rõ ràng.
Có thể thấy, liên kết sản xuất không chỉ tạo ra chuỗi giá trị hiệu quả, mà còn là con đường ngắn nhất để người nông dân Tuyên Quang vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Những mô hình như HTX Bình Minh, Minh Tâm, Sử Anh hay Sáng Nhung đang cho thấy vai trò dẫn dắt của HTX trong kiến tạo sinh kế, đổi mới nông nghiệp và xây dựng nông thôn hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường.
Khi chính sách đã rộng mở và thực tiễn đang tạo đà bứt phá, kỳ vọng về một diện mạo nông thôn mới tại Tuyên Quang – nơi nông dân không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn làm chủ thị trường – không còn là điều quá xa vời.
An Chi