Cách làm này không chỉ tiết kiệm thóc giống, giảm chi phí, nhân công và thời gian gieo cấy mà còn cho năng suất lúa thu hoạch cao hơn so với phương pháp cấy tay truyền thống.
Bước đầu: Cải tạo đất
Ông Phạm Đức Lượng - Phó Chủ tịch xã Ngũ Phúc, cho biết: Suốt từ năm 1988 đến năm 2015, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của địa phương đều ở trong tình trạng: “Dầm ngấu” (ruộng lúc nào cũng có nước). Sau nhiều năm liền đất không được cải tạo khiến cây trồng đạt năng suất không cao, nhiều sâu bệnh.
Trước thực tế đó, UBND xã đã họp bàn thống nhất với các tổ sản xuất quyết định sau vụ thu hoạch lúa mùa sẽ tháo kiệt nước khỏi đồng ruộng và để ruộng phơi ải 2 - 3 tháng sau đó lại tiếp tục sản xuất. Kết quả, những vụ lúa sau đó, năng suất lúa tăng cao.
Vụ Chiêm xuân 2018 vừa qua, sản lượng thóc của toàn xã trung bình đạt 71 tấn/ha. Để có được kết quả đó không thể phủ nhận vai trò của HTX, các THT trong việc sản xuất nông nghiệp, tổ chức điều tiết nước và diệt chuột kịp thời.
Không chỉ cải tạo đất, HTX từng bước liên kết với một số doanh nghiệp, đơn vị thử nghiệm sản xuất lúa hữu cơ. Để sản xuất loại gạo này, HTX và công ty giống cấy khảo nghiệm các giống lúa tím tiến Vua trên cánh đồng lớn ở xã bằng phương pháp hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học.
Toàn bộ quy trình sản xuất áp dụng công nghệ của Nhật Bản, gieo hạt, thu hoạch bằng cơ giới hóa, chăm bón bằng các loại phân vi sinh, phân chuồng hoai mục… Với nhiều ưu điểm vượt trội, các loại gạo sản xuất theo phương pháp hữu cơ được người tiêu dùng chuộng mua. Về lâu dài, HTX sẽ dần nhân rộng giống lúa này.
Hiện HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ngũ Phúc có 5 tổ sản xuất, gồm: Diệt chuột, thủy nông, bảo vệ, thu gom rác thải và mạ khay cấy máy.
So với phương pháp canh tác truyền thống: 1 người/1 ngày cấy nhanh được 2 sào, cấy bằng máy 1 ngày được 4,5 mẫu. Tiền công thợ cấy trung bình 1 sào là 200.000 đồng, trong khi đó, chi phí cấy máy 1 sào chỉ hết 140.000 đồng. Phương pháp cấy máy cho năng suất cao hơn cấy tay: năng suất lúa vụ mùa 2017 đạt trung bình 2,7 tạ/sào, tăng 20 - 30%.
![]() |
Lãnh đạo địa phương, HTX và các tổ sản xuất thăm đồng |
Tăng cường cơ giới hóa
Không chỉ tiết kiệm chi phí trong sản xuất, việc sử dụng máy cấy lúa tiện lợi cho việc gieo trồng, xuống giống đồng loạt trên những cánh đồng mẫu lớn. Từ đó, có thể hạn chế được sâu bệnh gây hại, góp phần giảm chi phí và công chăm sóc.
Cấy bằng máy hàng lúa thưa nên ít sâu bệnh, lúa cứng cây không sợ mưa gió gây đổ. Đồng ruộng thông thoáng nên cây lúa sinh trưởng khỏe, bông lúa to và dài, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn.
Với phương pháp này, chi phí sản xuất giảm khoảng 50%, do đó, lợi nhuận cho nông dân tăng thêm đáng kể… Đây là phương pháp tối ưu trong sản xuất lúa, đặc biệt là lúa giống.
Bà Phạm Thị Dung - Tổ trưởng tổ mạ khay cấy máy cho biết: Tổ tôi hiện có 4 thành viên. Trước đây, nhiều người còn e ngại về chất lượng dịch vụ, đến vụ chiêm xuân 2018 và vụ mùa này, đa số nhân dân chọn gieo mạ khay, cấy máy. Chúng tôi làm không hết việc vì có quá nhiều người muốn sử dụng dịch vụ này.
Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc HTX Ngũ Phúc, cho biết: Ban quản trị HTX đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân lân cận để mở rộng quy mô hoạt động. Thời gian đầu triển khai “mạ khay, cấy máy”, đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm giá thể chuẩn theo đúng công thức.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động bà con hiểu, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế. Do vậy, phải mất một thời gian để mô hình hoạt động dần ổn định.
Hiệu quả thực tiễn của mô hình mạ khay, cấy máy của HTX giúp mô hình nhanh chóng nhân rộng, không chỉ ở huyện Kiến Thụy mà ở nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố...
Bên cạnh đó, HTX cùng thành viên của mình đã đầu tư nhiều máy móc trong sản xuất nông nghiệp như máy làm đất, máy gặt...
Thanh Vân